Huawei bắt tay Tencent, Xiaomi và Oppo thử nghiệm hệ điều hành mới

Huawei hiện đang ráo riết thử nghiệm hệ điều hành độc quyền HongMeng (Hồng Mông) với các tay chơi lớn trong thị trường điện thoại thông minh Trung Quốc như Tencent, Xiaomi, Oppo, Vivo...

Thời điểm HongMeng ra mắt vẫn được ban giám đốc bộ phận kinh doanh tiêu dùng của Huawei giữ kín. Một số nguồn tin cho rằng hệ điều hành mới này sẽ ra mắt cùng ngày với sự kiện giới thiệu dòng điện thoại Mate 30 của Huawei, tức vào mùa thu năm nay.

Các công ty công nghệ được cho rằng tham gia vào quá trình phát triển HongMeng vẫn chưa lên tiếng xác nhận thông tin này.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ và Trung Quốc rơi vào tình trạng căng thẳng. Trung Quốc đe dọa sẽ tách ra khỏi hệ sinh thái điện thoại thông minh toàn cầu và tạo ra một hệ điều hành thay thế Android.

Tờ Global Times cho hay hệ điều hành HongMeng sẽ nhanh hơn Android 60%, giống với thông tin người đứng đầu bộ phận điện thoại thông minh của Huawei, Richard Yu, từng công bố. Một vài người cho rằng đây là thông tin quảng bá có độ tin cậy thấp.

Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng lại tỏ ra hoài nghi về tỷ lệ sống sót của Huawei khi đối đầu trực diện với Mỹ: "Đây là tin tức giúp nâng cao chí khí cho ngành công nghệ Trung Quốc, nhưng thực tế vẫn là Huawei đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ lõi của Mỹ".

Đây là tin tức giúp nâng cao chí khí cho ngành công nghệ Trung Quốc, nhưng thực tế vẫn là Huawei đang phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ lõi của Mỹ. Ảnh: ©2019 Bloomberg Finance LP.

Trong khi đó, Google và Apple vẫn đang cân nhắc những địa điểm đặt xưởng sản xuất mới ngoài Trung Quốc để tránh đòn thuế của Mỹ và đòn trả đũa của Trung Quốc, tờ Bloomberg đưa tin.

Google đang dịch chuyển dây chuyền sản xuất máy cảm biến nhiệt độ Nest và phần cứng máy chủ ra khỏi Trung Quốc. Apple cũng đã chuẩn bị một kế hoạch thay thế nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vượt khỏi tầm kiểm soát. Đối tác sản xuất của Apple là Foxconn cũng đã "có đủ khả năng sản xuất iPhone bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc khi cần thiết."

Nếu hệ điều hành mới của Huawei thực sự hoạt động hiệu quả thì Google, chủ nhân của hệ điều hành Android, sẽ là đối tượng chịu thiệt. Tại thị trường Trung Quốc - nơi các dịch vụ của Google đều bị chặn, các thiết bị của Huawei vốn đang sử dụng phiên bản Android nguồn mở. Điều này hạn chế khả năng bảo mật, khiến Google không thể cảnh báo cho chính phủ Mỹ khi có bất cứ rủi ro an ninh quốc gia nào xuất hiện. Hệ điều hành nguồn mở cũng không cho phép Google được tiếp cận với thông tin khách hàng và tận dụng chúng trong kinh doanh quảng cáo.

Có thể thấy việc Huawei phát triển hệ điều hành mới là một động thái "được ăn cả, ngã về không", trừ khi Mỹ thực hiện thêm bất cứ một hành động nào khác. Hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc này rất cần phải ra mắt HongMeng một cách nhanh chóng và thành công để có thể trấn an người tiêu dùng và khôi phục hình ảnh thương hiệu công ty. Chưa hết, Huawei cũng sẽ phải đối mặt với trở ngại thuyết phục những khách hàng thị trường nước ngoài từ bỏ hệ sinh thái Android và chuyển sang một hệ điều hành hoàn toàn mới.

Zak Doffman
Nguồn Forbes Vietnam