5 yếu tố của một ngành hàng

Không có cách thức, chiến lược và sáng tạo quảng cáo nào cũng giống nhau. Nó phụ thuộc vào ngành hàng, mức độ phát triển của ngành hàng và ngưi tiêu dùng trong ngành hàng đó. Sau đây là 5 yếu tố của một ngành hàng mà chúng ta nên biết khi hoạch định chiến lược quảng cáo.


1. Sự quan trọng của ngành hàng

Khi ngành hàng càng quan trọng và thiết yếu trong đời sống của con người thì chúng ta không tạo ra nhu cầu. Ai cũng biết con người ta có 2 nhu cầu là “need” và “want”. Trẻ em cần “sữa” và muốn “kẹo”. Chúng ta cần “uống nước” và muốn “uống nước ngọt”. Sữa hay nước sẽ là những ngành hàng quan trọng, khi mà người tiêu dùng thật sự cần nó. Quảng cáo trong những ngành hàng có độ quan trọng cao không phải là tạo ra nhu cầu hay niềm mơ ước. Chúng ta cần tạo ra lý do vì sao nên uống sữa của tôi thay vì đối thủ. Dĩ nhiên, trong cùng một ngành hàng, ở phân khúc giá cao, độ quan trọng giảm dần đi, khi đó chúng ta lại ta ra niềm khát khao khi mua một hộp sữa bột giá cao ngất vì một tương lai tươi sáng.

Biết được mức độ quan trọng của ngành hàng giúp ta biết được nên “tạo ra nhu cầu” hay “mô tả sự vượt trội của mình so với đối thủ”.


2. Mức độ hiểu biết về ngành hàng

Có những ngành hàng, người tiêu dùng biết rất rõ sản phẩm bên trong có gì, hoạt động ra sao, cấu tạo thế nào. Với những ngành hàng như vậy, việc giáo dục người tiêu dùng là điều không cần thiết. Người tiêu dùng chỉ hứng thú với những gì mới hơn là nghe lại những gì họ biết. Sữa làm từ bò. Bia làm từ lúa mạch. Chúng ta không cần giải thích nhiều, ai cũng biết. Tuy nhiên nếu như bạn bán sữa thanh trùng, một ngành hàng mới mà đa phần không ai biết về nó, lợi ích và tính ưu việt của nó thì nếu bạn không “giáo dục” người tiêu dùng, không ai mua hàng của bạn. Hãy “giáo dục” người tiêu dùng khi mà mức độ hiểu biết của người tiêu dùng về ngành hàng thấp và sự “kém hiểu biết” đó là rào cản để bạn bán được hàng.

3. Mức độ tham gia của ngành hàng

Chúng ta mua kẹo hay dầu gội, chúng ta không tham gia hay đầu tư nhiều công sức cho việc chọn lựa. Mua, thấy thích thì dùng tiếp, không thì thôi. Điều đó khác với việc chúng ta mua xe máy hay tủ lạnh. Khi mức độ tham gia của ngành hàng càng cao, tính phức tạo trong việc tổ chức quảng cáo càng cao. Không chỉ tạo ra độ nhận biết, chúng ta còn phải bố trí nhiều thông tin trên nhiều kênh khác nhau, tổ chức đội ngũ bán hàng, tạo ra ảnh hưởng. Ngành hàng có mức độ tham gia thấp, quảng cáo tập trung vào giá trị cảm tính và cảm xúc. Ngành hàng có mức độ tham gia cao, ngoài việc tạo giá trị cảm tính, giá trị lý tính cũng quan trọng không kém.

4. Độ trung thành của ngành hàng

Có những ngành hàng mặc nhiên không hề có sự trung thành. Bánh kẹo, mì tôm, thực phẩm, nước ngọt, sữa, kem đánh răng… Những sản phẩm này không quá quan trọng đến mức như tôi mà xài sản phẩm khác thì sẽ có vấn đề (như kem trị mụn, ngành này sẽ có xu hướng trung thành cao vì nó giải quyết được nhu cầu). Họ sẵn sàng thử cái mới. Vì tính chất hay “bay nhảy” của người tiêu dùng thì chúng ta phải quảng cáo nhiều, thường xuyên có những đổi mới, sản phẩm mới để thu hút người tiêu dùng liên tục.

5. Yếu tố xã hội của ngành hàng

Nếu bạn mua mì tôm, bạn ăn một mình, bạn không quan tâm có ai đang ngắm nhìn hay ngưỡng mộ mình. Nhưng với ngành thời trang, xe máy, điện thoại, yếu tố xã hội của nó rất cao. Bạn không chỉ dùng cho mình mà còn muốn chứng tỏ nó cho những người xung quanh. Yếu tố xã hội càng cao, thì việc xây dựng thương hiệu theo lối phong cách sống càng phổ biến hơn. Giá trị mà thương hiệu mang lại không chỉ dành riêng cho người mua cảm nhận nó mà cả những người không dùng nó cũng phải hiểu.

Nguồn Phương Hồs Blog