Doanh nghiệp sữa mở rộng thị trường

Dự báo nhu cầu sử dụng sữa bình quân của người Việt Nam đến năm 2020 sẽ tăng lên 28 lít/năm càng làm cho các doanh nghiệp (DN) sữa nỗ lực mở rộng thị phần...

Cạnh tranh gay gắt trên sân nhà

Theo thông tin tại Hội thảo “Ngành sữa Việt Nam - Cơ hội và thách thức trước thềm CPTPP” do Hiệp hội Sữa Việt Nam tổ chức mới đây, năm 2009, sản xuất sữa từ đàn bò trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30% mức tiêu thụ sữa, chỉ có 5% tổng số bò sữa được nuôi tập trung, phần còn lại được nuôi bởi hộ gia đình ở quy mô nhỏ lẻ, khiến các loại sữa của Việt Nam đắt nhất thế giới. Chăn nuôi bò sữa là ngành đòi hỏi kỹ thuật, đầu tư cao nhưng hiện nay 95% số bò sữa ở nước ta được nuôi phân tán với quy mô nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp. Người dân không được hướng dẫn bài bản về kỹ thuật chăn nuôi, biện pháp phòng trừ bệnh tật.

Hiện tại, các DN sản xuất sữa tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự mất cân bằng cung cầu khi đàn bò sữa chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% tổng nhu cầu sữa. Hiện, các loại sữa trong nước sản xuất chỉ chiếm 30% thị phần. Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 963 triệu USD các loại sữa.

Vừa thiếu nguyên liệu, các DN còn phải chịu sức ép cạnh tranh ngày một gia tăng do việc cắt giảm thuế quan các mặt hàng sữa, sản phẩm từ sữa nhập khẩu về mức thuế 0% khi Việt Nam thực hiện các cam kết Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), trong các năm tới, do thuế giảm, khả năng lớn là kim ngạch nhập khẩu sữa của Việt Nam sẽ gia tăng mạnh. Người tiêu dùng có cơ hội sử dụng sữa ngoại giá rẻ hơn và các DN sữa trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các DN nước ngoài ngay trên sân nhà.

Mở rộng thị trường

TS. Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội của thị trường, DN phải đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất lao động và giảm giá thành. Thực thi Hiệp định CPTPP, DN Việt Nam có cơ hội nhập thiết bị, dây chuyền sản xuất, bò giống, các sản phẩm sữa với thuế suất thấp.

Theo các chuyên gia trong ngành, đối với thị trường trong nước, DN sữa Việt Nam đang giữ lợi thế về mạng lưới phân phối, vì vậy, nên phát triển sản phẩm mới, mở ra thị trường ngách, như sữa vi chất dinh dưỡng, sữa dinh dưỡng y sinh để phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Cơ hội xuất khẩu hiện cũng rất lớn. Mới đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, để chủ động xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa chính ngạch sang Trung Quốc - một thị trường khoảng 30 tỷ USD/năm, nhiều DN sữa Việt Nam đã đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hằng năm thị trường Trung Quốc nhập khẩu trên 3,5 tỷ USD sữa các loại. Trung Quốc là thị trường rất có tiềm năng đối với DN sữa Việt Nam. Đó cũng là lý do Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã ký kết hợp tác xuất khẩu sữa vào thị trường Trung Quốc.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Vinamilk, dự kiến tăng trưởng tự thân về sản lượng sữa của Vinamilk sẽ đạt 5%/năm trong giai đoạn 2019 - 2021. Chiến lược tăng trưởng của Vinamilk bao gồm ưu tiên đầu tư để củng cố các dòng sản phẩm chính, từng bước phát triển các dòng sản phẩm mới như các loại đồ uống nguồn gốc thực vật, tung ra các thương hiệu mới nhắm vào thanh thiếu niên, cao cấp hóa danh mục sản phẩm và mở rộng thị phần ở các vùng nông thôn.

Tiêu dùng sữa của người dân Myanmar đang ở mức thấp so với các thị trường khác trong khu vực, chỉ 10 lít/người/năm, do đó năm 2019, Vinamilk mở nhà máy sữa tại đất nước này. Từ năm 2017 - 2021, Vinamilk dành ra 750 triệu USD để mua bán, sáp nhập, xây dựng các cơ sở sản xuất mới và phát triển trang trại nuôi bò sữa. Trong năm 2018, Vinamilk đã đầu tư 19,7 triệu USD vào 51% cổ phần tại Lao Jagro Development Xiengkhouang Co. - một công ty chuyên vận hành các trang trại chăn nuôi bò sữa tại Lào, bao gồm cả bò sữa nuôi theo công nghệ Nhật Bản, để xuất khẩu sang các thị trường ASEAN.

Cùng chiến lược vươn ra thế giới, tháng 3/2018, NutiFood đã ký hợp tác với Delori để xuất khẩu sản phẩm đặc trị Pedia Plus vào thị trường Mỹ và hợp tác với Tập đoàn BASF (Đức) đưa chất HMO vào sữa dinh dưỡng cho trẻ em. Gần đây nhất, liên doanh giữa NutiFood, Tập đoàn Backahill và Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Sknemejerier Ekonomisk Fưrening (Thụy Điển) đã vận hành nhà máy sữa NutiFood Sweden AB, đánh dấu lần đầu tiên có một DN sữa của Việt Nam đầu tư vào Thụy Điển.

Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch HĐQT NutiFood khẳng định, việc đầu tư vào nhà máy ở Thụy Điển là bước tiếp theo để xuất khẩu sữa sang thị trường châu Âu. Cũng theo ông Hải, nhà máy NutiFood Sweden AB giai đoạn 1 có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD, trong đó doanh nghiệp sữa Việt sở hữu 50% vốn, tổng công suất 15.000 tấn mỗi năm, gồm 5.000 tấn sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh và 10.000 tấn bột dinh dưỡng cho trẻ em. Khi hoàn thiện đầu tư giai đoạn 2, nhà máy sẽ sản xuất sữa tươi tiệt trùng organic và sữa bột organic đóng lon, bán ở một số châu lục và thị trường Việt Nam.

Lữ Ý Nhi
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn