Các ngôi sao và cộng đồng số đang thay đổi hành vi tiêu dùng ở Việt Nam

Hành vi của người tiêu dùng số Việt Nam đang thay đổi và chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người có tầm ảnh hưởng và các cộng đồng số.

Theo dự đoán đến năm 2030, tầng lớp trung lưu toàn cầu sẽ tăng nhanh chóng, châu Á có 88% số lượng tỷ phú mới trong giai đoạn 2010- 2020. Tại Việt Nam, tầng lớp trung lưu được dự báo sẽ tăng từ 11% dân số trong năm 2015 lên hơn 50% dân số vào năm 2035. Khi tầng lớp trung lưu phát triển, chi tiêu và nhu cầu đối với các sản phẩm giá trị cao của họ cũng sẽ tăng lên, mức chi tiêu được dự đoán sẽ tăng gần gấp ba trong giai đoạn 2015-2030.

Báo cáo Tương lai nền kinh tế số Việt Nam hướng tới năm 2030 và năm 2045 cho biết: tại Việt Nam, tiêu dùng sản phẩm giá trị cao được thúc đẩy bởi những thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ ở thành thị.

Những sở thích mới của dân thành thị Việt Nam liên quan đến cá nhân hóa, tính bền vững, danh tiếng và giá trị thương hiệu. Tiêu dùng sản phẩm giá trị cao có thể đẩy mạnh việc sử dụng các hàng hóa và dịch vụ số.

Các cộng đồng số là cộng đồng trực tuyến tương tác thông qua mạng xã hội hoặc trò chơi điện tử. Giới trẻ dường như đang thúc đẩy sự phát triển của các cộng đồng số trên toàn thế giới vì họ chính là những đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Điều này đặc biệt đúng ở Việt Nam khi có sự phân chia độ tuổi khá lớn trong việc sử dụng mạng xã hội (79% người trưởng thành trong độ tuổi 18-36 so với 27% người trưởng thành trong độ tuổi trên 37).

Cộng đồng số cũng đang làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Điều này khiến cho các cộng đồng số trở thành một nhân tố quan trọng trong các chiến dịch marketing. Ví dụ, một nghiên cứu cho thấy rằng những người mua hàng ở Việt Nam đưa ra quyết định mua sắm chủ yếu theo lời gợi ý truyền miệng trên mạng xã hội. Khi các cộng đồng số ngày càng ảnh hưởng tới hành vi của người tiêu dùng, các công ty cũng nên thích ứng với điều này.

Bên cạnh sự phát triển của cộng đồng số là những người có tầm ảnh hưởng. Đó là những người tiêu dùng có được vị thế ngôi sao trực tuyến nhờ lượng người theo dõi trên mạng xã hội ngày càng tăng. Số lượng lớn những người theo dõi khiến họ trở thành động lực mạnh mẽ cho hành vi tiêu dùng và rất nhiều người trong số họ đã ký hợp đồng với các thương hiệu quốc tế lớn và các công ty marketing.

Hầu hết những công ty hàng đầu (2/3 công ty trong một khảo sát năm 2018) tin rằng marketing thông qua người có tầm ảnh hưởng sẽ trở nên ngày càng quan trọng trong tương lai.

Theo báo cáo, Việt Nam đang phát triển năng lực trong nước với 44% thương hiệu lớn trong nước và các công ty marketing sử dụng marketing thông qua người có tầm ảnh hưởng. Điều này dường như đang ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng trong nước, ví dụ trong một cuộc khảo sát trực tuyến năm 2018, khoảng 43,3% số người trẻ, chủ yếu là nữ giới tại Việt Nam nói rằng họ mua sản phẩm theo gợi ý của người có tầm ảnh hưởng.

Những sở thích mới tạo ra nhu cầu đối với sản phẩm và dịch vụ giá trị cao, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong nước và giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sở thích của tầng lớp trung lưu mới có thể là áp lực buộc các công ty trong nước phải nâng cao giá trị thương hiệu, đặc biệt là khi họ đối mặt với cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài.

Hoàng An
Nguồn Trí thức trẻ