Tổng quan thị trường cà phê Việt Nam

Cà phê là một trong những ngành có sức hấp dẫn cao tại Việt Nam. Điều đó được thể hiện từ sự đấu đá tranh mua cà phê nhân của các doanh nghiệp FDI, đến sự tranh giành thị phần của 3 hãng cà phê Nestlé, Trung Nguyên, Vinacafé Biên Hòa và ngày càng nhiều các chuỗi cửa hàng cà phê cao cấp của nước ngoài xuất hiện tại Việt Nam.

Tình hình thị trường cà phê thế giới

Giá trị thị trường của ngành cà phê bán lẻ trên thế giới ước tính khoảng 70.68 tỷ đô la (năm 2011) (Euromonitor). So với thị trường cà phê nguyên liệu thì giá trị cà phê rang xay thành phẩm cao hơn gấp 9 hoặc 10 lần, nâng tổng giá trị giao dịch cà phê thành phẩm lên tới trên 100 tỷ USD hàng năm. Thị trường này bị thao túng bởi các đại gia như Nestlé (Thụy Sĩ ), D.E Master Blenders 1753 (tách ra từ Sara Lee) (Mỹ), Mondelēz International (lúc trước là Kraft food Global) (Mỹ ), J.M Smucker (Mỹ ) và Tchibo (Đức).

Năm 2012, ba nhóm công ty lớn nhất (Nestlé và Mondelēz International và D.E Master Blenders 1753) kiểm soát 70% thị trường cà phê bán lẻ ở Anh. Nhóm 5 nhóm công ty đứng đầu kiểm soát hơn 50% thị trường. Nestlé thống trị thị trường cà phê hòa tan với mức thị phần trên 50%.

Trong hệ thống bán lẻ, hệ số lãi của sản phẩm cà phê truyền thống (Main stream coffee) thì thấp hơn hệ số lãi của cà phê cao cấp (Speciality coffee).

Các thương hiệu riêng của hệ thống chuỗi cửa hàng bán lẻ vẫn chưa thâm nhập được vào phân khúc cà phê cao cấp (Speciality coffee).

Các “thương hiệu cà phê chất lượng cao” như Starbucks, illy thống trị phân khúc cao cấp trong hệ thống cửa hàng bán lẻ.

Thị trường RTD của trà và cà phê thế giới ước tính vào khoảng 69 tỷ đô la (năm 2011), dự đoán tốc độ tăng trưởng hàng năm là 10,9% từ năm 2012-2017 (theo MarketsandMarkets).

Nhìn chung mặt bằng thuế đánh vào cà phê là tương đối thấp, từ 0-8%.

Tình hình thị trường cà phê Việt Nam

Năm 1997, Việt Nam vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ ba thế giới. Vào năm 2000, với 734.000 tấn cà phê xuất khẩu, Việt Nam tiếp tục vượt qua Colombia để chắc chân ở vị trí thứ hai thế giới. Vị trí này được duy trì kể từ đó đến nay.

Xuất khẩu cà phê nhân hàng năm luôn đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu là 1,25 triệu tấn, trị giá 2,75 tỷ đô la, tăng 3,2% về lượng và 48,7% về giá trị so với năm 2010. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu là 1,73 triệu tấn, 3,67 tỷ đô la, tăng 37,8% về lượng và 33,4% về giá trị so với năm 2011.

Tuy chiếm gần 30% khối lượng cà phê nhân giao dịch toàn cầu, nhưng giá trị kim ngạch mới chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị thương mại 35 tỷ USD của cà phê nhân thế giới.


Tình hình tiêu thụ cà phê trong nước

Thị trường bán lẻ cà phê Việt Nam đã đạt 127,33 triệu USD trong năm 2008 và tăng lên khoảng 287,34 triệu USD năm 2012. Mintel dự đoán sẽ tăng đến 573,75 triệu USD vào năm 2016.

Thị trường cà phê Việt Nam được chia thành 2 phân khúc rõ ràng. Cà phê rang xay (cà phê phin) chiếm khoảng 2/3 lượng cà phê được tiêu thụ; còn lại là cà phê hòa tan. Theo nghiên cứu của Học viện Marketing Ứng dụng I.A.M về thói quen sử dụng cà phê, 65% người tiêu dùng có sử dụng cà phê Việt Nam uống cà phê 7 lần/tuần, nghiêng về nam giới (59%). Riêng cà phê hòa tan có 21% người tiêu dùng sử dụng cà phê hòa tan từ 3 đến 4 lần trong tuần, nghiêng về nhóm người tiêu dùng là nữ (52%).

Sức tiêu thụ cà phê Việt Nam còn khá thấp Việt Nam sử dụng chừng 5% cà phê thô để chế biến, trong khi đó tỷ lệ này của Brazil là 50%. Việt Nam có 5 nhãn hiệu cà phê hòa tan, Brazil có 20 nhãn hiệu. Về cà phê rang xay, thì Việt Nam có 20 nhãn hiệu, trong khi đó số lượng của Brazil là 3.000 nhãn hiệu.

Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu cà phê nhân ở Việt Nam

Về xuất khẩu:

Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê

Việt Nam có 153 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cà phê, trong khi chỉ có 20 công ty nước ngoài thu mua và cung cấp cho 8 nhà rang xay lớn của thế giới.

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê FDI

Niên vụ 2011- 2012: tổng số sản lượng thu mua của các doanh nghiệp FDI bằng 45% sản lượng của cả niên vụ, trong đó hàng năm lượng thu mua của các doanh nghiệp FDI thu như Nestlé chiếm 15% (khoảng 250.000 tấn), Nedcoffee chiếm 9% (khoảng 150.000 tấn). Ở Gia Lai, chỉ riêng chi nhánh Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities đã chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả tỉnh trong năm 2012.


Bảng: Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân của các doanh nghiệp FDI trong nước niên vụ 2011-2012

Các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân trong nước

Năm 2010: tập đoàn Intimex chỉ xếp vị thứ 2 trong các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch vào khoảng 142.134 tấn (13.59% kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước), đứng vị trí đầu tiên là Tổng công ty cà phê Việt Nam với kim ngạch 177.902 tấn (16.46% kim ngạch xuất khẩu cả nước) và tập đoàn Thái Hòa xếp vị trí thứ 2 với kim ngạch xuất khẩu là 82.951 tấn (7.93% kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước).

Nhưng đến niên vụ 2011-2012, Tập đoàn Intimex xếp vị trí đứng đầu trong các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê với kim ngạch xuất khẩu là 360.000 tấn (chiếm 21% kim ngạch xuất khẩu cả nước), Tổng công ty Tín Nghĩa Đồng Nai xuất khẩu khoảng 127.000 tấn xếp vị trí thứ 5 (chiếm 7% kim ngạch xuất khẩu cả nước).


Bảng: Sản lượng và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước niên vụ 2011-2012

Chỉ trong vòng 2 năm từ năm 2010 đến 2012 trong số 153 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hiện nay, chỉ 30 doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, có lượng hàng xuất khẩu hàng năm tương đối lớn và ổn định; còn lại đều là các doanh nghiệp thương mại, không có chân hàng dự trữ, nên thua lỗ liên miên. Ngoài nguyên nhân những doanh nghiệp xuất khẩu có vốn điều lệ nhỏ không cạnh tranh thu mua cà phê được với các doanh nghiệp FDI thì còn có các nguyên nhân khác từ chính việc điều hành, quản lý nguồn vốn không chuyên nghiệp của các doanh nghiệp gây ra. Điển hình là tình trạng thua lỗ của 2 công ty là Tổng công ty cà phê Việt Nam và Tập đoàn Thái Hòa.

Về nhập khẩu:

Tuy là nước xuất khẩu cà phê nhân lớn thứ 2 thế giới nhưng Việt Nam cũng có lúc nhập khẩu cà phê nhân từ các quốc gia khác. Các doanh nghiệp nhập khẩu cà phê nhân của Lào, Indonesia, Thái Lan với giá thấp về chế biến xuất khẩu.


Bảng: Tình hình nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam qua các niên vụ

Tình hình sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu cà phê hòa tan và rang xay tại Việt Nam

Về sản xuất:

Hiện nay ngành cà phê Việt Nam mới chỉ có 5 DN chế biến cà phê hòa tan với công suất khoảng 35.000 – 40.000 tấn tương đương 100.000 tấn cà phê nhân (chiếm khoảng 5% sản lượng cà phê nhân hằng năm).


Bảng: Công suất thiết kế của một số nhà máy sản xuất cà phê sản phẩm

Tại các điểm bán lẻ sản phẩm cà phê hiện nay có rất nhiều loại của các hãng khác nhau như: Trung Nguyên, Nestlé, Vinacafé Biên Hòa, Maccoffee, Highlands Coffee, Mê Trang… theo đó Trung Nguyên có tới 34 sản phẩm; Neslé có 7 sản phẩm; Vinacafé Biên Hòa có 22 sản phẩm.

Tuy nhiên thị phần chủ yếu là của 3 ông lớn: Trung Nguyên, Nestlé, Vinacafé Biên Hòa. Trong đó Trung Nguyên chiếm 80% thị phần cà phê rang xay, theo Euromonitor năm 2012 thị phần cà phê hòa tan Nestlé là 33%, Vinacafé là 32.5%, Trung Nguyên là 18.2%, các nhãn khác là 16%.

Mức tăng trưởng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận hoạt động của các công ty chế biến cà phê rang xay và hòa tan khá cao. Năm 2012, Vinacafé Biên Hòa đạt doanh thu là 105.2 triệu đô la tăng 33% so với 2011, tỷ xuất lợi nhuận hoạt động là 14.4% (năm 2011 có doanh thu là 78,93 triệu đô la, tỷ suât lợi nhuận hoạt động là 13%).


Bảng: Doanh thu và tỷ suất lợi nhuận hoạt động của các công ty chế biến cà phê rang xay và hòa tan năm 2012

Về xuất khẩu cà phê rang xay và hòa tan:

Theo số liệu của Bộ nông nghiệp Hoa Kì (USDA) lượng cà phê hòa tan xuất khẩu của Việt Nam niên vụ 2011-2012 là 21.600 tấn.

Năm 2012: Trung Nguyên doanh thu từ việc xuất khẩu cà phê sang thị trường Trung Quốc là 50 triệu đô la.

Doanh thu xuất khẩu cà phê hòa tan của Vinacafé Biên Hòa chiếm 8-10% doanh thu hằng năm chủ yếu tập trung ở 2 thị trường Mỹ chiếm 85% thị phần xuất khẩu và còn Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm 15%.

Về nhập khẩu cà phê hòa tan:

Theo số liệu của USDA lượng cà phê hòa tan nhập khẩu của Việt Nam niên vụ 2011-2012 là 6000 tấn.

Hàng năm Vinacafé Biên Hòa phải nhập khẩu cà phê hòa tan bán thành phẩm từ Indonesia để phục vụ cho việc sản xuất cà phê hòa tan. Vì công suất hiện tại của các nhà máy của Vinacafé Biên Hòa chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu cà phê hòa tan cho việc sản xuất.


Xu hướng mới cho ngành cà phê Việt Nam

Về cà phê nhân:

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam. Tổng tiêu thụ robusta ở Mỹ đã tăng 7% trong năm 2012, sau khi tăng 3,9% trong năm 2011 và 3,6% năm 2010 (theo StudyLogic). Trong khi đó, nhu cầu các sản phẩm từ Arabica chỉ tăng 1,9% trong năm 2012, sau khi tăng 4,1% năm 2011 và 5,4% năm 2010.

Trung Quốc cũng sẽ là thị trường nhập khẩu tiềm năng. Việt Nam cung cấp khoảng 90% tổng lượng cà phê Trung Quốc nhập khẩu từ các nước ASEAN trong khoảng từ năm 2002-2011.

Việt Nam sẽ tăng diện tích và sản lượng cà phê bền vững bởi các công ty rang xay lớn nhất thế giới như Nestlé, Starbucks, D.E Master Blenders 1753, Kraft Food Group, Tchibo đồng thời lên tiếng về việc sẽ tăng tỉ lệ cà phê bền vững trong nguyên liệu sản xuất của họ (theo Coffee in the United States: Sustainability Trends).

Về cà phê hòa tan và rang xay:

Thị trường cà phê hòa tan và rang xay của Việt Nam vẫn đang hấp dẫn đối với các doanh nghiệp được thể hiện ở chỗ các nhà máy của Nestlé, Vinacafé Biên Hòa, Trung Nguyên đều đã hoạt động hết công suất và họ đều đang mở rộng qui mô sản xuất lên và việc mới đây ngày 28/4 công ty cà phê Ngon của Ấn Độ vừa mới khánh thành nhà máy chuyên sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất Châu Á tại cụm Công Nghiệp huyện Cư Kuin, Đắk Lắk với công suất 10.000 tấn/năm.

Tuy Việt Nam có rất nhiều loại cà phê hòa tan nhưng chủ yếu là cà phê truyền thống. Trong tương lai với sự tham gia của nhiều thương hiệu cà phê đặc biệt (Starbucks đã mở cửa hàng cà phê đầu tiên tại Việt Nam) thị trường sẽ phân chia lại và định hình rõ ràng hơn 2 loại cà phê đại trà và cà phê đặc biệt.

Vinacafé Biên Hòa dự đoán sẽ có những hành động để tăng thị phần cà phê rang xay cho mình với doanh thu của cà phê rang xay hiện nay của công ty ở khoảng 10-12 tỷ đồng. chiếm chưa tới 1% doanh thu.

Về cà phê Ready-To-Drink:

Nếu Illy đưa dòng sản phẩm Illy Issimo và Starbucks đưa các dòng sản phẩm như Capuccino RTD, Frappuccino RTD về Việt Nam thì có lẽ Trung Nguyên và Vinacafé Biên Hòa sẽ phải nghiên cứu và hợp tác với một công ty sản xuất nước giải khát nào đó như “Tân Hiệp Phát” để ra mắt dòng sản phẩm RTD cho mình.

Nguồn Chiến lược Marketing