Dược Hậu Giang sẽ hợp tác 10 sản phẩm với Taisho

Định hướng của Taisho sẽ nằm trong định hướng chung của Dược Hậu Giang để trở thành nhà sản xuất thuốc Generic lớn nhất Việt Nam. Doanh thu từ hợp tác phát triển các sản phẩm với Taisho sẽ tham gia từ 2021.

Taisho sẽ hợp tác gì?

Taisho Pharmaceutical Co,.Ltd mới đây đã chào mua công khai cổ phiếu CTCP Dược Hậu Giang (HoSE) và nâng sở hữu lên 66,7 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn doanh nghiệp.

Việc việc nắm quyền chi phối Dược Hậu Giang, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn vào sự hợp tác. Đại diện Dược Hậu Giang cho biết 2 bên đã chọn được 10 sản phẩm mới để hợp tác với nhau; trong đó có 3 sản phẩm đang trong giai đoạn sản xuất và 2 bên thống nhất được hợp đồng về phân phối, giá cả…Các mặt hàng hợp tác với Taisho khá đa dạng bao gồm thuốc dùng ngoài, thuốc xịt, tim mạch, tiểu đường,…

Lãnh đạo DHG cũng dự kiến doanh thu hợp tác với Taisho sẽ có từ năm 2021. Tuy nhiên, nếu đẩy nhanh được quá trình (hiện có 1 sản phẩm chạy tương đương đối tốt sau 1,5 năm) thì doanh thu sản phẩm có thể ghi nhận được trong năm 2020.

Về vấn đề quản trị, tại Đại hội sắp tới, Taisho dự kiến đưa 3 người vào HĐQT trong tổng số 7 thành viên của công ty (bao gồm thành viên cũ ông Jun Kuroda và 2 thành viên mới ông Masashi Nakaura, ông Maki Kamijo). Đáng chú ý, SCIC chỉ có 2 đại diện là bà Đặng Thị Thu Hà và ông Đoàn Đình Duy Khương, không có sự xuất hiện của nữ tướng Phạm Thị Việt Nga.

Mục tiêu của Taisho theo đại diện DHG vẫn nằm trong định hướng chung của Dược Hậu Giang với 5 mục tiêu chính là trở thành nhà sản xuất thuốc Generic (thuốc sản xuất theo công thức chuyển nhượng) lớn nhất Việt Nam, kênh phân phối sâu rộng nhất, dẫn đầu về khoa học công nghệ.

Doanh thu quý I giảm do thay đổi kỳ hạch toán

Trong quý I, Dược Hậu Giang có sự thay đổi kỳ hạch toán ghi nhận doanh thu, khiến giảm 15%. Lợi nhuận sau thuế giảm 21% còn 135 tỷ đồng.

Khoảng thời gian xuất kho và việc nhận hàng hóa của khách hàng có độ trễ, năm 2018, công ty khuyến khích khách hàng ký nhận ngay để ghi nhận doanh thu ngay trong quý, nhưng năm nay không còn áp dụng chính sách này.

Do đó, công ty cho biết hiện có 49 tỷ doanh thu quý I đã được kết chuyển cho quý sau, với hình thức gối đầu này thì việc thay đổi chính sách trên chỉ ảnh hưởng trong quý I, các quý sau sẽ trở lại bình thường.

Năm 2019, Dược Hậu Giang đặt mục tiêu tăng nhẹ 1,6% lên 3.943 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hàng khác giảm đến 46%, còn doanh thu hàng sản xuất vẫn tăng 12,3% lên 3.560 tỷ đồng.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2019, công ty đặt mục tiêu tăng nhẹ 1,6% lên 3.943 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu hàng khác giảm đến 46%, còn doanh thu hàng sản xuất vẫn tăng 12,3% lên 3.560 tỷ đồng. Đây là con số tăng trưởng tốt trong bối cảnh chung ngành dược.

Kế hoạch lợi nhuận tăng 3% lên 754 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm nay Dược Hậu Giang sẽ trích bổ sung ngân sách khen thưởng, phúc lợi nhuận 48 tỷ đồng; do vậy lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự kiến giảm 3,5% còn 706 tỷ đồng.

Đối với việc siết chặt kênh bán thuốc theo đơn (ETC), chính sách này chủ yếu tác động đến các nhà thuốc và người dùng. Hiện Dược Hậu Giang hiện bán thương mại đến 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ thuốc của công ty vẫn cân bằng với 47% ở kênh ETC và 53% ở kênh không theo đơn (OTC). Do vậy, việc bán ở đâu chỉ là chiến lược dòng tiền của doanh nghiệp, Dược Hậu Giang luôn có đủ hàng và thay đổi linh hoạt tùy thuộc thị trường.

Về vấn đề Taisho nâng tỷ lệ sở hữu lên 51% cũng không gặp vấn đề về chính sách. Theo thông tư 54, công ty dược nước ngoài không được phân phối sản phẩm thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Trong khi đó Dược Hậu Giang là tự sản xuất và bán hàng.

Về mảng thương mại điện tử, Dược Hậu Giang đã bắt đầu đưa lên một số trang điện tử như Lazada, Tiki,… một số sản phẩm để thử nghiệm nhưng chưa có chiến lược cụ thể. Các mặt hàng đưa lên bán online chỉ là thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Huy Lê
Nguồn Người đồng hành