Digital Transformation #1: Giới thiệu Chuyên mục Digital Transformation

Digital Transformation #1: Giới thiệu Chuyên mục Digital Transformation

Mạng xã hội, điện thoại thông minh, các siêu ứng dụng, nền kinh tế số đã thay đổi mạnh mẽ thói quen và suy nghĩ của người dùng, khiến họ ngày trở nên phụ thuộc hơn vào cuộc sống số.

Ở khía cạnh doanh nghiệp, những đột phá công nghệ trong lĩnh vực Dữ liệu, Internet vạn vật (IOT), Trí tuệ nhân tạo (AI), rô-bốt, máy học (Machine Learning)… giúp doanh nghiệp khai thác dữ liệu và tự động hoá công việc, tạo nên sức tăng trưởng chưa từng có.

Những nền tảng thương mại điện thử (E-Commerce), gọi xe, đặt món, live-stream, FinTech, EduTech… cách đây 5 năm còn là hoài nghi thì bây giờ đã trở thành phần thiết yếu của cuộc sống.

Thế giới số đang thay đổi với tốc độ chóng mặt, do đó doanh nghiệp muốn cạnh tranh và phát triển trong thời đại mới phải hiểu Digital Transformation (chuyển đổi số, viết tắt là DT) là tất yếu, bằng cách đầu tư quyết liệt vào Công nghệ, Dữ liệu, Nền tảng để nâng cao năng suất và thích nghi với nhu cầu thay đổi liên tục của người dùng.

Ở Việt Nam, trong 10 năm qua đã chứng kiến những “lá cờ đầu” ứng dụng công nghệ hết sức thành công như Thế Giới Di Động, Tiki, Sendo, The Coffee House, Bibomart, Momo, Foody, Zalo… Song song đó, số lượng công ty “anh dũng hy sinh” trong chặng đường chuyển đổi còn nhiều gấp bội. Bởi để thành công với DT thì không đơn thuần là sao chép mô hình, “đốt tiền” xây thị trường, mua công nghệ hay giành người giỏi về là được.

Với mong muốn truyền tải được tinh thần, kiến thức, động lực và giải pháp đổi mới, Brands Vietnam ra mắt chuyên mục Digital Transformation, là diễn đàn để các Nhà Lãnh đạo, Quản trị, Marketers, Chuyên gia, Kĩ sư cùng nhau kết nối, chia sẻ và thúc đẩy Digital Transformation vào trong hoạt động Kinh doanh.

Doanh nghiệp muốn cạnh tranh và phát triển trong thời đại mới phải hiểu Digital Transformation (chuyển đổi số, viết tắt là DT) là tất yếu. Ảnh: Tiki.

Dẫn dắt chuyên mục là anh Lê Anh Tuấn, Giám đốc A1digihub.com và Firstcom Digital, với hơn 10 năm tư vấn, kết nối và phát triển các giải pháp trong ngành.

Chuyên mục của chúng tôi sẽ xoay quanh 3 chủ đề chính:

  1. Mindset: Tư duy thực tế và cách nghĩ đúng về Digital Transformation, đến từ chia sẻ của Các chuyên gia và Doanh nghiệp hàng đầu.
  2. MarTech: Phỏng vấn các công ty phát triển giải pháp để hiểu rõ sản phẩm và ứng dụng trong thực tế. Chúng ta rất cần cổ vũ và ủng hộ các start-up và doanh nghiệp trong lĩnh vực này vì họ đang đi trên con đường đầy chông gai, trong việc đưa ra các giải pháp tương lai và phải cạnh tranh với các “ông lớn” công nghệ lớn trên toàn cầu.
  3. Case-study: Những câu chuyện thực tế đã triển khai thành công. Chúng ta sẽ thấy Digital Transformation có lúc rất phức tạp, có khi lại khá giản đơn. Qua đó các bạn có thêm động lực, cảm hứng và ý tưởng để bắt tay vào thực hiện.

Trong số đầu tiên của chuyên mục, Brands Vietnam đã có buổi trò chuyện cùng anh Lê Anh Tuấn để tìm hiểu thêm về mục tiêu của chuyên mục.

* Cảm ơn anh Tuấn đã nhận lời dẫn chuyên mục Digital Transformation của Brands Vietnam. Anh có thể cho biết vì sao anh đam mê và muốn theo đuổi chuyên mục này?

Trong 10 năm khởi nghiệp, tôi có cơ hội tiếp xúc với những giải pháp tiên phong khi thực hiện dự án về Digital Marketing, Công nghệ cho các Doanh nghiệp lớn, chứng kiến các làn sóng công nghệ đã thay đổi ngành Marketing ra sao. Tôi cũng đã theo dõi Momo, Foody, Giao hàng nhanh, Topica, Tiki, Haravan từ những ngày đầu và quan sát cách họ ứng dụng công nghệ vào vận hành, đạt được những thành công kì diệu.

Lê Anh Tuấn

Anh Lê Anh Tuấn, Giám đốc A1digihub.com và Firstcom Digital.

Nhìn 10 năm tiếp theo, khi những từ khoá “đình đám” mà chúng ta hay nghe đến bây giờ như Dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ máy học (Machine Learning) hay trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Internet Vạn vật (IOT)... được ứng dụng rộng rãi thì tất cả các hoạt động kinh doanh, bao gồm cả Sales và Marketing, sẽ được số hóa hoàn toàn để vận hành tự động. Đó là lý do tôi rất mong muốn khởi tạo diễn đàn để mọi người có thể chia sẻ, kết nối và học hỏi từ những người đang làm, đang thành công hoặc thất bại trong lĩnh vực này. Sẽ là người thật việc thật, ứng dụng thực tế tại Việt Nam chứ không phải những câu chuyện “đao to búa lớn” bên ngoài.

* Anh có nhận xét như thế nào về tiềm năng và thử thách khi triển khai Digital Transformation tại thị trường Việt Nam?

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nóng, tạo ra vô số cơ hội cho các doanh nghiệp mới vươn lên. Áp lực tăng trưởng và cạnh tranh khiến các doanh nghiệp bắt buộc phải chuyển đổi số, với mức đầu tư tiền tỉ hàng năm. Cơ hội cho các nhà phát triển giải pháp trong nước rất sáng sủa, vì các giải pháp của thế giới có thể không hoàn toàn sát với thực tế thị trường nội địa, ngoài yếu tố sự phù hợp về ngân sách. Trình độ công nghệ của chúng ta cũng đã theo kịp thế giới ở một vài khía cạnh, chi phí nhân công rẻ hơn, nên hoàn toàn có thể giải quyết tốt những bài toán nội địa rồi mở rộng ra khu vực.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức lớn.

Thứ nhất là tính bảo thủ và trì trệ còn tồn tại trong nhiều tổ chức, cản trở các tư tưởng đổi mới, phá vỡ cái cũ. Khi áp dụng cách thức mới, không phải có thể tạo ra thay đổi ngay mà đôi khi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hiện tại và hiệu quả kinh doanh nên dễ phát sinh phản ứng tiêu cực hoặc chống đối. Quyết tâm của người lãnh đạo, sự kiên trì và cam kết của đội ngũ là điều quan trọng nhất để bắt đầu

Thứ hai là khoảng cách giữa nhu cầu và giải pháp. Nhiều khi doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư nhưng không thể tìm được giải pháp phù hợp, hoặc chọn sai đối tác khiến họ mất niềm tin. Ngược lại, có nhiều giải pháp tốt và chuyên gia giỏi lại chưa có cơ hội được tìm được doanh nghiệp “chịu chơi”.

Thứ ba là thời gian và lòng kiên trì. Việc triển khai sẽ tốn rất nhiều nguồn lực, không thấy kết quả ngay mà phải thử nghiệm và tinh chỉnh liên tục, khiến các bộ phận hoài nghi, chán nản. Đôi khi chỉ còn vài nút thắt nữa là đã hoàn tất thì chúng ta lại bỏ dở. Mà lửng lơ thì không ra được kết quả.

* Mặc dù còn nhiều thách thức nhưng chắc chắn cũng đã có nhiều doanh nghiệp Việt triển khai Digital Transformation thành công. Anh có thể điểm qua một số trường hợp tiêu biểu được không?

Tôi muốn nhắc đến 3 doanh nghiệp mà tôi tâm đắc:

Đại diện cho nhóm doanh nghiệp lớn là Thế giới Di động. Trong 15 năm họ đã phát triển từ một vài cửa hàng (2004) thành chuỗi lớn nhất về điện thoại, điện máy và bách hoá với hàng ngàn cửa hàng phủ tới tận từng con hẻm. Làm sao họ có thể quản lý và vận hành cả hệ thống đồ sộ lên đến hàng chục triệu khách hàng, hàng chục nghìn nhân viên, hàng trăm nghìn chủng loại hàng hóa, vài chục nghìn giao dịch mỗi ngày trên online và offline? Chìa khoá chính là việc họ đã thực hiện ERP, vốn là một mảng của Digital Transformation, từ rất sớm và cải tiến liên tục theo thời gian. Có rất nhiều bài viết, phát biểu của các nhà sáng lập Thế Giới Di Động về việc này, các bạn có thể tìm đọc tham khảo.

Đôi khi chỉ cần cải tiến quy trình, áp dụng một chút công nghệ vào đã rất ổn rồi. Sau đó mới ứng dụng công nghệ để tự động hoá quy trình, tối ưu hoá năng suất.

Đại diện nhóm doanh nghiệp có tăng trưởng vượt bậc là Tiki. Trong vòng khoảng 8 năm, từ một trang bán sách trực tuyến, Tiki đã trở thành một trong ba trang thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam và được đầu tư hàng trăm triệu USD. Quy mô hiện nay lên đến hàng chục triệu khách hàng, vài trăm nghìn chủng loại sản phẩm, vài chục ngàn đơn hàng online, hệ thống kho bãi và đội ngũ giao nhận khổng lồ. Làm sao Tiki có thể xử lí được khối lượng công việc khủng khiếp, liên tục từ lúc khách hàng đặt hàng, lên đơn, vận chuyển, thanh toán, phản hồi? Tất cả đều được quy trình hóa, tự động hoá bằng những công nghệ tiên tiến nhất; đội ngũ Sản phẩm (Product) và Công nghệ (Tech & Dev) lên đến hàng trăm người, quy tụ những nhân tài sáng giá không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Trong tương lai rất gần, chúng ta sẽ thấy Tiki trở thành 1 nền tảng, cho phép rất nhiều đối tác khác cùng tạo giá trị cho tất cả các bên liên quan, như người bán, người mua, ngân hàng, công ty tài chính, quảng cáo….

Nhóm doanh nghiệp nhỏ mà chúng ta ít để ý, đó các shop bán hàng online. Họ chỉ cần có một fanpage, một website và cửa hàng trên Lazada, Tiki hoặc Shopee. Tất cả các hoạt động marketing của họ đều thực hiện trên Facebook, Google. Họ sử dụng nhiều công cụ tự động đăng tải nội dung, chạy quảng cáo, live-chat, thu thập thông tin và chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng và kết nối với các đơn vị giao hàng. Với một nhóm chưa đến chục người, họ có thể tạo ra một doanh nghiệp nhỏ hiệu quả, tinh gọn và có khả năng mở rộng đáng nể.

Đó là 3 trường hợp tiêu biểu về các doanh nghiệp đã và đang thực thi Digital Transformation khá thành công trong ngành Marketing và Sales. Còn rất nhiều ví dụ cho những ngành khác như Sản xuất, Phân phối, Logistics… nhưng vượt quá vượt quá khả năng quan sát và phân tích nên tôi không nhắc tới.

* Theo anh, khi triển khai Digital Transformation, các doanh nghiệp thường mắc những sai lầm nào?

Trong số các doanh nghiệp tôi đã từng tiếp xúc, tôi nhận thấy có một số sai lầm phổ biến.

Thứ nhất, mọi người thường nghĩ rằng triển khai Digital Transformation là mua một công cụ nào đó và áp dụng vào tổ chức của mình là xong. Điều đó không đơn giản như vậy, hầu như công cụ chỉ giải quyết được một phần nhỏ, hoặc sẽ bị “vứt xó” sau vài đợt thử nghiệm. Điều cốt lõi là chúng ta phải nhìn thấy được những điểm tắc nghẽn, cồng kềnh, lãng phí hoặc kìm hãm sự phát triển trong doanh nghiệp. Đôi khi chỉ cần cải tiến quy trình, áp dụng một chút công nghệ vào đã rất ổn rồi. Sau đó mới ứng dụng công nghệ để tự động hoá quy trình, tối ưu hoá năng suất. Thực chất, chính tư duy (mindset) và lề lối làm việc của chúng ta mới cần “chuyển đổi (transform)” trước.

Sai lầm thứ hai là việc không có lộ trình trong việc triển khai công nghệ trong tổ chức và thường thích những thứ ngắn hạn. Nhiều người cho rằng chỉ cần xác định được nhu cầu và tìm được một công cụ phù hợp áp dụng vào thì sẽ ổn. Nhưng quá trình đưa một công cụ vào tổ chức để đạt hiệu quả thực sự phải trải qua rất nhiều bước và thời gian được tính bằng quý hoặc năm. Digital Transformation cần được thực hiện có lộ trình và sự phối hợp giám sát của tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp chứ không phải chỉ đơn giản là hổng chỗ nào thì “đắp vá” công cụ vào chỗ nấy.

Sai lầm thứ ba là sự thiếu kết nối giữa ý chí của nhà lãnh đạo và hoạt động thực tế của các bộ phận bên dưới. Nhà lãnh đạo doanh nghiệp là người nhận ra được nhu cầu số hóa của doanh nghiệp từ sớm và quyết định đầu tư. Tuy nhiên các cấp dưới thường không hiểu hết được tầm nhìn và mục tiêu của cấp trên, một phần vì trình độ nhân lực của Việt Nam vẫn chưa cao và không quen với cách làm việc có quy trình, nên họ triển khai đối phó, chậm chạp, rời rạc. Điều này khiến cho việc triển khai Digital Transformation tốn chi phí và kém hiệu quả.

Digital Transformation cần được thực hiện có lộ trình và sự phối hợp giám sát của tất cả các bộ phận trong doanh nghiệp. Ảnh: Shopee.

* Với thực trạng của thị trường như vậy, anh sẽ khai thác những chủ đề gì trong chuyên mục này?

Chuyên mục Digital Transformation này sẽ gồm 3 nhóm chủ đề chính:

Thứ nhất là những bài phỏng vấn các doanh nghiệp hoặc chuyên gia đang hằng ngày giải quyết những bài toán cụ thể, nhằm mang đến cho mọi người hiểu biết chính xác về việc triển khai Digital Transformation. Mỗi người sẽ có một góc nhìn khác nhau, nên chúng ta cũng sẽ không cố gắng tìm ra đâu là góc nhìn đúng mà sẽ đưa ra nhiều trường hợp để cùng tham khảo. Chúng tôi cũng muốn mang đến thêm cảm hứng, động lực và niềm tin cho những người chưa thành công, hoặc đang hoài nghi để họ mạnh dạn thay đổi.

Thứ hai là nhóm bài về các công ty công nghệ Marketing (MarTech) đang có giải pháp triển khai thành công. Họ sẽ kể cho độc giả những câu chuyện thú vị khi xây dựng sản phẩm, tầm nhìn về tương lai và cả những khó khăn phải đối mặt.

Chủ đề thứ ba là các case-study thực tế từ những doanh nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta đã nghe nói quá nhiều về Amazon, Alibaba, Google, Facebook… nhưng đó chỉ là những câu chuyện truyền cảm hứng, không dễ để áp dụng vào thực tế. Nhưng The Coffee House, Nguyễn Kim, Juno… có lẽ sẽ gần gũi và đem lại nhiều gợi ý hơn đúng không? Chúng ta sẽ có hàng ngàn case-study như thế, từ lớn đến nhỏ để mọi người có thể tham khảo tuỳ theo cấp độ.

* Những khách mời trong chuyên mục này là ai và tại sao anh lựa chọn họ?

Khách mời trong chuyên mục này là những chuyên gia đang phụ trách Digital Transformation tại ba nhóm doanh nghiệp: các doanh nghiệp lớn, các start-up đang nổi và các nhà phát triển giải pháp.

Cách đây vài năm, có thể chúng ta còn tranh cãi vấn đề số hóa hay không, nhưng bây giờ đó là điều tất yếu.

Nhóm doanh nghiệp lớn là những cái tên hầu như ai cũng sẽ biết, họ là những doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ tiên phong. Họ sẽ truyền cảm hứng cho các bạn thực thi việc số hóa cho doanh nghiệp mình.

Nhóm start-up đang nổi sẽ giải mã lý do vì sao họ phát triển với tốc độ và quy mô kinh ngạc như thế. Nhóm doanh nghiệp nhỏ sẽ bật mí những thủ thuật, cách thức triển khai Digital Transformation có thể áp dụng ngay lập tức.

Các nhóm doanh nghiệp này sẽ chia thành hai phía. Một là những doanh nghiệp đang vận dụng những công cụ Digital Transformation, chẳng hạn như Juno, Tiki… Đối tượng thứ hai là các nhà cung cấp phát triển giải pháp, chẳng hạn như Haravan, Sapo, AccessTrade...

* Anh kỳ vọng điều gì ở chuyên mục này?

Tôi hy vọng chuyên mục này sẽ gợi cảm hứng và cung cấp những bài học thực tiễn để mọi người có thể triển khai Digital Transformation cho doanh nghiệp mình quyết liệt và thành công hơn. Cách đây vài năm, có thể chúng ta còn tranh cãi vấn đề số hóa hay không, nhưng bây giờ đó là điều tất yếu. Câu hỏi đặt ra là giải pháp và cách thức nào để số hóa với mức đầu tư hợp lý, hiệu quả cao và tránh được thất bại của người đi trước. Tôi mong mọi người sẽ bắt tay vào làm ngay, từ những gì đơn giản nhất rồi nâng cấp thành hệ thống chỉnh chu hơn. Chỉ có làm, sửa sai và cải tiến liên tục thì chúng ta mới thực sự chuyển đổi được chính mình

Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn góp phần tạo ra một cộng đồng kết nối những người có tư duy mới mẻ và có khả năng ứng dụng công nghệ vào việc phát triển kinh doanh tại Việt Nam.

* Cảm ơn anh với những chia sẻ trên! Hy vọng chuyên mục sẽ mang đến những thông tin giá trị cho những ai đang quan tâm đến Digital Transformation.

Xem các bài khác trong chuyên mục tại đây.

Lamda
Brands Vietnam