The Professionals #5: Sự nghiệp hay đam mê?

Chọn sự nghiệp hay đam mê? Có nhất thiết phải lựa chọn không? Có thể nào kết hợp đam mê và sự nghiệp không?

"Tôi nên làm việc vì tiền hay vì đam mê? Tôi còn trẻ nhưng thực sự tôi không muốn lãng phí cuộc đời làm công việc tôi không thích. Tuy nhiên bố mẹ lại muốn tôi có tài chính ổn định. Vậy tôi nên làm thế nào?"

Đây là câu hỏi điển hình của những bạn trẻ khi mới đi làm. Tôi đồng cảm với những băn khoăn của họ bởi vì tôi cũng đã từng tự hỏi mình những câu tương tự.

Cô bạn của tôi là một trường hợp. Cô theo học dược sĩ, từng làm việc với bệnh viện và đang có những bước tiến nhất định trong sự nghiệp. Nhưng hiện tại, cô lại khởi nghiệp với thương hiệu thực phẩm của riêng mình là HappiOHA*. Dù bận rộn hơn nhưng cô cũng hạnh phúc hơn.

Thực tế, cuộc đấu tranh nội tâm này hoàn toàn không phụ thuộc vào tuổi tác. Một người bạn của tôi đã từ bỏ vị trí Account Director của một công ty quảng cáo đang phát triển để mở một cửa hàng bán vải vóc. Mọi người đều lắc đầu khi nghe về quyết định này, bởi anh đang quản lý công việc hiện tại rất tốt và được nhiều người tôn trọng. Nhưng, hiện tại anh đang hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúng ta là ai mà phán xét cuộc đời người khác?

Nên làm việc vì tiền hay vì đam mê? Ảnh: Okaya.

Đây là một câu tự vấn điển hình: “Tôi nên làm gì? Có thể nào tôi chỉ làm việc đúng ngành học và giỏi một số kỹ năng, dù tôi không thấy việc đó có gì thú vị? Hay tôi phấn đấu trở thành chuyên gia pha chế thức uống cho đến tuổi 45? Lúc đó tôi sẽ nổi tiếng với khả năng pha chế các thức uống tuyệt vời. Tôi sẽ có những khách hàng quen thuộc và những mối quan hệ đủ rộng để có thể mở một quán bar của riêng mình. Nhưng hẳn là tôi cần sống chung với bố mẹ đến lúc đó. Tôi có nên tiếp tục gắn bó với công việc nhàm chán rồi về hưu sớm và chỉ đủ thời gian để làm bartender bán thời gian ở một quán bar nào đó không?”

Sự nghiệp là gì? Chúng ta có cần đến nó không?

Sự nghiệp là cách bạn phục vụ người khác bằng kĩ năng, thời gian cũng như sự chuyên nghiệp để đổi lại “những phần thưởng” xứng đáng như lương thưởng, các phúc lợi... Sự nghiệp là kết quả của việc tích lũy kinh nghiệm cũng như thành tích theo thời gian. Điều này có nghĩa càng đạt được nhiều thành công thì bạn càng dễ dàng thăng tiến trong công việc.

Sự quan trọng của sự nghiệp là tính bảo đảm về mặt tài chính và ý thức về giá trị bản thân của mỗi người. Đặc biệt là giá trị bản thân. Bởi có sự nghiệp nghĩa là bạn có một nơi làm việc cùng với những cộng sự và có những vấn đề cần tập trung thời gian và năng lượng để giải quyết. Bạn có thể thấy đa phần những người về hưu sớm cũng thường tìm chuyện gì khác để làm, bởi vì “có tiền, nhưng không có gì để làm” là một tình trạng vô cùng khó chịu. Và con người cần phải làm việc để duy trì sự tỉnh táo.

Vậy đam mê là gì?

Chúng ta được biết thông qua các phương tiện văn hóa đại chúng (âm nhạc, phim ảnh...) rằng đam mê có nghĩa là tình yêu hoặc sở thích mãnh liệt. Điều đó không sai.

Càng đạt được nhiều thành công thì bạn càng dễ dàng thăng tiến trong công việc. Ảnh: BioSpace.

Chữ đam mê bắt nguồn từ tiếng Latin, là “passio”, có nghĩa là “đau khổ” (tôi không đùa đâu, bạn có thể tự kiểm chứng).

Vậy với ý nghĩa này, đam mê là lựa chọn của bạn, bạn chọn đau khổ và sẵn sàng cố gắng để vượt qua. Bởi một khi bạn yêu và quan tâm điều gì đó đủ nhiều, bạn sẽ sẵn sàng vượt qua đau khổ để có thể tiếp tục yêu nó.

Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng để bạn tự hỏi bản thân mình khi cần xác định điều gì có thực sự là đam mê hay không

  • Đây là đam mê hay chỉ là sở thích? Bạn cần cân nhắc sự khác biệt giữa hai khái niệm này.

Đam mê

Sở thích

Bạn sẽ chủ động dành thời gian cho nó.

Bạn sẽ làm khi bạn có thời gian rảnh.

Ngay cả khi bạn trắng tay, bạn vẫn thấy ổn bởi giá trị của việc theo đuổi đam mê đến từ sự trưởng thành bên trong bản thân, từ những điều bạn học được chứ không phải những hào nhoáng bề ngoài.

Mục tiêu của bạn là đạt được điều gì đó. Điều này giúp bạn phát triển hoặc có thể là kế hoạch dự phòng của mình.

Bạn có thể thất bại nhiều lần nhưng bạn sẽ không bỏ cuộc. Bạn tìm thấy niềm vui trong việc học hỏi nhiều hơn và hiếm khi thấy mệt mỏi hay nản lòng.

Với một sở thích, bạn sẽ chọn dừng chân khi gặp khó khăn, thử thách quá lớn. Bạn có thể dễ dàng từ bỏ sở thích cho những chuyện khác.

Bạn sẵn sàng từ bỏ nhiều thứ để có thể theo đuổi đam mê của mình vì bạn hiểu cái giá của sự hy sinh.

Nếu cần phải từ bỏ điều gì trong cuộc sống, bạn sẽ nghĩ ngay đến sở thích. Sở thích không phải là điều được ưu tiên, bởi có nhiều thứ khác cần đầu tư thời gian và tiền bạc hơn.

  • Chính xác thì đam mê của bạn là gì? Bạn kể về nó với người khác như thế nào?

Nếu đó thực sự là đam mê, bạn sẽ có xu hướng kể rất nhiều về nó với mọi người. Bạn gắn kết với nó ở mức độ cá nhân. Bạn có thể giải thích cặn kẽ để họ hiểu được tầm quan trọng của nó đối với bạn. Bạn không muốn điều mọi người hiểu sai về điều mình thật sự yêu thích.

Dù vậy, nhưng mù quáng theo đuổi đam mê là điều không nên. Hiếm khi tôi khẳng định chắc chắn, nhưng với quan điểm này, tôi hoàn toàn nghiêm túc. Vì sao?

Để có thể tiến xa hơn, đam mê cần kết hợp với kỹ năng, sở thích, niềm tin và quan trọng nhất là một môi trường phù hợp.

Nếu đó thực sự là đam mê, bạn sẽ có xu hướng kể rất nhiều về nó với mọi người. Ảnh: HuffPost.

Môi trường phù hợp là nơi đam mê của bạn có thể phát triển, giúp ích cho người khác, đồng thời cũng giúp bạn duy trì “lửa” cho đam mê của mình. Đặc biệt đó phải là một nơi giúp bạn có đủ ngân sách để đáp ứng những nhu cầu cơ bản.

Ví dụ, một người tiền sử đam mê trang trí hang động, nhưng cuộc sống của anh ta lại không phù hợp với đam mê ấy. Là một người tiền sử, hầu hết thời gian và năng lượng của anh sẽ dành cho việc săn bắt. Dành hàng giờ để vẽ vời một bức tranh không ăn được và cũng không dùng để săn bắt được là chuyện hoàn toàn vô ích.

Còn nếu bạn có đam mê với origami (nghệ thuật gấp giấy Nhật Bản) và vô tình làm việc tại một công ty bao bì giấy thì tôi chắc đó sẽ là cơ hội để bạn có thể tận dụng những ý tưởng cũng như tình yêu gấp giấy của mình khi làm việc.

Mọi người theo đuổi đam mê với hy vọng chuyện đó sẽ đem đến cảm giác tự do và hạnh phúc. Tuy nhiên, không gì đảm bảo rằng bạn sẽ đạt được cả hai hay thậm chí một trong hai điều kể trên, từ việc theo đuổi đam mê của mình. Trường hợp của bạn không thể giống với một vài trường hợp thành công tiêu biểu và truyền cảm hứng đâu. Vậy nên đừng mạo hiểm khi bạn có thể thử cách khác hay ho hơn.

Vì thực tế mà nói thì khó có thể duy trì và cân bằng đam mê lẫn cuộc sống cá nhân.

Bạn theo đuổi đam mê của mình thế nào để có thể đảm bảo những nhu cầu cơ bản của bản thân và những người thân yêu của mình? Có cách nào không?

Dưới đây là từng bước tôi làm khi đối mặt với vấn đề nan giải này.

  • Có trách nhiệm với bản thân và gia đình.

Gia đình là người đã nuôi nấng và chăm sóc bạn hơn 20 năm, để rồi sau đó bạn đủ khả năng tự chăm sóc bản thân mình. Do vậy, đừng mù quáng theo đuổi đam mê mà ảnh hưởng không tốt đến gia đình (cũng như bản thân bạn).

“Nếu bạn làm những việc mình yêu thích thì cả đời bạn sẽ không phải làm việc dù chỉ một ngày.”

Marc Anthony

  • Giải quyết vấn đề tài chính

Có thể một số bạn sẽ có một khoản tiền tiết kiệm dự phòng. Nhưng bạn có biết rõ khoản tiền đó đủ cho bạn dùng trong bao lâu hay không và bạn có lường trước được hết các vấn đề tài chính có thể phát sinh hay chưa. Trong trường hợp này, tốt nhất là hãy vạch ra những kế hoạch ngắn hạn thì sẽ thực tế hơn. Và thật tuyệt khi bạn bắt đầu theo đuổi đam mê khi còn trẻ, vì lúc đó, chi phí sinh hoạt của bạn chưa cao. Tóm lại, cẩn trọng trong tài chính cá nhân là điều cần thiết.

  • Tự đánh giá khách quan về tư duy và kỹ năng liên quan

Bạn có thực sự biết những kiến thức và kỹ năng cần thiết để theo đuổi đam mê không? Nhiều người chọn đam mê của mình theo những xu hướng, trào lưu hơn là lắng nghe con tim mình nói gì. Hãy tự hỏi xem liệu mình đã có tư duy và kỹ năng cần thiết chưa để đảm bảo mình không theo đuổi nhầm đam mê.

Có cách nào biến đam mê và sự nghiệp thành một?

Thật ra công việc không nhất thiết phải là thứ mà bạn đam mê. Vẫn có nhiều người ngoài kia nghiêm túc theo đuổi đam mê của họ ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên, công việc và đam mê có thể kết hợp. Bạn chỉ cần biết cách tận dụng cơ hội hơn.

Nói vậy nghĩa là, có nhiều cách kết hợp đam mê với sự nghiệp.

Ví dụ, tôi yêu thích mảng giáo dục, đào tạo và quản lý. Tôi thực sự hài lòng khi thấy một người hoặc một nhóm giỏi hơn và hoàn thành công việc tốt hơn trước đây. Nói một cách ngắn gọn thì tôi muốn trở thành một giáo viên. Tuy nhiên, thay vì trở thành giáo viên, hiện tại công việc của tôi là xây dựng thương hiệu cho nhiều công ty khác nhau.

Có một điều rất thú vị đó là đam mê của bạn không bao giờ mất đi, đam mê thật sự sẽ luôn trở lại. Việc chúng ta cần làm chỉ là tìm cách đưa nó vào cuộc sống của mình.

Vậy nên, tôi chọn trở thành trainer chuyên nghiệp tại Dale Carnegie. Công việc này tạo điều kiện để tôi tận dụng những kiến thức mình có và học hỏi những kỹ năng mới để có thể theo đuổi đam mê của mình. Cả sự nghiệp lẫn đam mê của tôi đang hỗ trợ cho nhau.

Đồng thời, cũng có một cái giá phải trả ở đây.

Đam mê của bạn không bao giờ mất đi, đam mê thật sự sẽ luôn trở lại. Việc chúng ta cần làm chỉ là tìm cách đưa nó vào cuộc sống của mình. Ảnh: Medium.

Chúng ta đang tham lam với quyết định của mình. Chúng ta vừa muốn theo đuổi đam mê lại vừa muốn thăng tiến trong sự nghiệp.

Như trường hợp của tôi, tôi dùng tất cả những ngày nghỉ phép để tham dự một khóa đào tạo trainer (đành tạm biệt những kỳ nghỉ vậy). Ngoài ra, sau khi trở thành một trainer, tôi còn phải thức khuya để nghiên cứu và chuẩn bị cho bài giảng, sau cả ngày dài làm việc. Dù vậy, thú thật là tôi cảm thấy thỏa mãn. Tôi hầu như không thấy mệt mỏi vì công việc nữa. Hằng ngày, tôi hoàn thành tốt công việc với vai trò một chuyên gia và tôi còn được làm những điều mình thích.

Vậy tại sao đam mê và sự nghiệp nên song hành với nhau?

Tôi tin rằng bạn cần cả đam mê lẫn sự nghiệp để có thể có một cuộc sống đủ đầy.

Đam mê có thể giúp chúng ta thăng tiến trong sự nghiệp nếu chúng ta có thể kết hợp chúng với nhau bằng một cách nào đó.

Và vì chúng ta muốn sống một cuộc sống ý nghĩa, chúng ta không muốn cứ cắm đầu làm việc cho qua ngày và đến cuối tháng lại nhận lương, và tiếp tục vòng luẩn quẩn cho đến khi về hưu. Do đó, hãy tìm cách yêu công việc của mình dù chỉ một phầnrất nhỏ nào đó.

Nhưng nếu bạn không thể yêu nổi công việc của mình, hãy học cách quản lý thời gian và sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc để không gây nên những mệt mỏi không cần thiết.

Hãy nhớ rằng đam mê sẽ là thứ dẫn bạn đến thành công.

Nếu bạn tò mò về HappiOHA, bạn có thể tìm hiểu thêm tại: https://www.facebook.com/happioha

50 đơn hàng đầu tiên có kèm đường link bài viết này sẽ được tặng một phần quà từ chị Hà, người sáng lập HappiOHA.

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục tại đây.

Diệu Uyên / Brands Vietnam
Brands Vietnam