3 xu hướng làm nội dung sáng tạo tiếp tục lên ngôi trong 2019

Trong thời đại kỹ thuật số, người tiêu dùng bị bủa vây bởi nhiều nội dung khác nhau. Do đó, các thương hiệu cần đối thoại với công chúng mục tiêu thường xuyên hơn.

Vertical video (video dọc), stealing buzz (nắm bắt thời cơ), hay các series video 6 giây mà 3 giám đốc sáng tạo của Tập đoàn Ogilvy chia sẻ dưới đây, được dự báo sẽ tiếp tục là xu hướng làm nội dung trong năm 2019, giúp các thương hiệu đối thoại hiệu quả hơn với người dùng.

Vertical video -Video định dạng dọc

Công nghệ phát triển, các thiết bị điện tử, đặc biệt smartphone sở hữu nhiều cải tiến ưu việt. Số lượng người sử dụng điện thoại di động tăng nhanh và cách người dùng xem video dọc trên điện thoại phản ánh xu hướng video dọc sẽ trở thành xu hướng hot nhất năm nay.

Chia sẻ tại buổi giao lưu cùng phóng viên, ông Sonal Dabral - Giám đốc sáng tạo của Tập đoàn Ogilvy khu vực Đông Nam Á, kiêm Phó chủ tịch Ogilvy Ấn Độ cho biết, các nghiên cứu đã chỉ ra chúng ta cầm smartphone theo chiều dọc tới 94% tổng thời gian sử dụng. Vì vậy, Snapchat, Instagram và Facebook đều bắt đầu chuyển sang định dạng nội dung khổ dọc.

Ông Sonal Dabral cho rằng video dọc sẽ trở thành xu hướng được ưa chuộng nhất thời gian tới.

“Trong thời đại kỹ thuật số, hơn 70% người xem video qua mobile, định dạng multiple canvas đã lấn lướt 16:9 truyền thống, chuyển lần lượt qua các tỷ lệ 1:1, 2:3 và 9:16. Vertical video mang tới nhiều cơ hội cho nhãn hàng, thương hiệu, nhưng đồng thời tạo ra một số thách thức mới cho những người làm nội dung sáng tạo”, ông Sonal Dabral nhận định.

Giám đốc sáng tạo Tập đoàn Ogilvy khu vực Đông Nam Á chia sẻ thêm về cách tạo dấu ấn riêng trong content marketing: Bạn nên nhìn vào nhu cầu của khách hàng, rồi từ đó tạo ra các nội dung liên quan. Người tiêu dùng không có thời gian quan tâm đâu là nội dung quảng cáo, đâu là nội dung sáng tạo thuần, họ chỉ quan tâm xem nội dung đó có liên quan tới họ không, có làm họ thấy hấp dẫn vui vẻ không mà thôi.

Vì thế, nội dung ngày nay hoặc phải mang tính giải trí, hoặc phải có tính cá nhân hoá rất cao, thì thông điệp của bạn mới ở lại trong tâm trí người xem.

Tại Sasquatch! Music Festival 2018, BTC đã tạo các video ngắn từ những màn trình diễn và hoạt động của người tham dự và đăng trên Instagram Story, thu hút được rất nhiều lượt tương tác.

Theo ông Sonal, không chỉ tương thích với nội dung ngắn, định dạng video dọc còn có thể tạo nên các nội dung dài mà vẫn hấp dẫn: Ví dụ điển hình cho xu hướng này là phóng sự 47 phút “One strange rock" của kênh truyền hình National Geographic.

Stealing buzz - nắm bắt thời cơ

Một giây cũng có thể làm nên lịch sử - thời cơ giúp không ít đất nước giành được độc lập, hỗ trợ nhiều doanh nhân có được thành công. Thời cơ từ trước đến nay vẫn được nhắc đến như yếu tố quan trọng tất yếu để hoàn thành chiến lược hoặc mục tiêu đặt ra. Nắm bắt thời cơ đồng thời là cách giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc và hiệu quả đến không tưởng.

Tuy nhiên, thời cơ trong sáng tạo nội dung truyền thông kỹ thuật số chưa được nhắc đến nhiều và nghiên cứu sâu. Ông Patrick Almaguer - Giám đốc sáng tạo Ogilvy Việt Nam cho rằng trong truyền thông, thời cơ đến nhanh nhưng cũng có thể biến mất trong tích tắc. “Nắm bắt thời cơ" không phải một chiến dịch truyền thông để xây dựng và duy trì hình ảnh cho thương hiệu. Nó đơn giản là khoảnh khắc bắt được rất nhiều sự chú ý mà bạn hoàn toàn có thể tận dụng cho thương hiệu của mình.

Theo ông Patrick Almaguer, thời cơ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong các chiến dịch truyền thông.

Sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều mới đây là ví dụ điển hiện mà Ogilvy đã áp dụng vào ý tưởng quảng cáo cho thương hiệu Coca-Cola. Trước đây, hai đất nước được biết đến với hình ảnh bất hòa thì cuộc gặp gỡ và cái bắt tay của hai lãnh đạo sẽ trở thành hình ảnh lịch sử.

Với thông điệp Coca-Cola gắn kết mọi người, dải băng quen thuộc trên lon nước được Ogilvy biến thành còn đường dẫn đến cái bắt tay của ông Kim Jong Un và Donald Trump. Sự nhanh nhạy trong ý tưởng kết nối vấn đề mà xã hội quan tâm với hình ảnh nhãn hàng này được người dùng đón nhận trên toàn thế giới, đạt hơn 250 triệu lượt chia sẻ trong một tuần.

Tại Việt Nam, chính Bia Sài Gòn cũng đã rất nhanh chóng ‘nắm bắt thời cơ’ với sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam, và cho ra print ad “Uống mừng hoà bình”. Bức hình “lướt sóng” hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều này đã giúp Bia Sài Gòn chớp thời cơ và ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng người tiêu dùng.

Print ad Bia Sài Gòn uống mừng hoà bình “lướt sóng” Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

“Chúng ta có thể thấy ‘nắm bắt thời cơ’ không nhất thiết phải luôn xoay quanh một sự kiện nổi bật, mà hoàn toàn có thể đến từ việc xoay chuyển tình thế khi vấp phải những vấn đề tiêu cực, để biến nó trở thành cơ hội cho doanh nghiệp. Giọng điệu của từng thông điệp tất nhiên sẽ phải được điều chỉnh theo từng vấn đề”, ông Patrick Almaguer chia sẻ.

Theo ông Patrick, doanh nghiệp còn có thể nắm bắt thời cơ từ chính khủng hoảng của mình. Câu chuyện của KFC ở Anh là một ví dụ được ông chia sẻ.

Khi gần 900 cửa hàng KFC tại Anh đóng cửa vì thiếu thịt gà, KFC tung print ad xin lỗi: “FCK, We’re Sorry” trên tờ In The Sun và Metro, thừa nhận rằng "một cửa hàng thịt gà mà không có chút gà nào" thì đúng là "không hoàn hảo".

Tờ quảng cáo thu hút sự chú ý của người đọc với hộp đựng thức ăn rỗng không và tên thương hiệu bị đổi trật tự các chữ cái: KFC viết thành "FCK." Điều đáng nói là lời xin lỗi lại được xem là dí dỏm, tự tin và nhận được nhiều phản hồi tích cực trên mạng xã hội.

Không chỉ Patrick mà các chuyên gia marketing đều cho rằng lời xin lỗi này là một "bậc thầy trong xử lý khủng hoảng PR," trong khi những marketer, fan và những người không phải khách hàng cũng đăng tweet tung hô KFC.

Video 6 giây

Trong thời đại xã hội liên tục phát triển, con người bị cuốn vào guồng quay cuộc sống, công việc, không đủ thời gian cho những thứ dài dòng. Vì vậy, sự tối giản luôn được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, điều này trở thành thách thức với những người làm nội dung truyền thông khi phải truyền tải trọn vẹn thông điệp trong thời gian ngắn nhất có thể.

Bà Tiên Võ nhận định tương lai, xu hướng video có thể không dừng ở 6 giây mà còn ngắn hơn.

Bà Tiên Võ - Giám đốc sáng tạo Ogilvy Việt Nam cho biết trong thời đại kỹ thuật số, rất nhiều hình thức nội dung mới ra đời nhưng video vẫn hiệu quả nhờ các yếu tố sáng tạo qua câu chuyện, âm thanh và hình ảnh. Điểm khác biệt nằm ở chỗ video ngày một ngắn đi. Bắt đầu từ năm 2018 với series video 6 giây của Omo do Ogilvy Việt Nam sản xuất, xu hướng sử dụng video ngắn 6 giây đã và sẽ tiếp tục là một xu hướng làm nội dung đầy thử thách, thú vị nhưng vẫn không kém phần hiệu quả.

Loạt video 6 giây được Ogilvy Việt Nam thực hiện trong chiến dịch của thương hiệu thức uống dinh dưỡng Milo mới đây là một ví dụ khác. Các đoạn phim rất ngắn chỉ 6 giây nhưng kể được câu chuyện về mối quan hệ của khách hàng với nhãn hàng, thông qua việc sử dụng hộp và lon. Qua đó, tập đoàn này đồng thời đưa được thông điệp thương hiệu thức uống dinh dưỡng này đã ở Việt Nam được 25 năm.

“Sáng tạo là không giới hạn. Chúng ta đừng coi thử thách là giới hạn, mà nhìn nó như cơ hội để tạo ra những sắn phẩm quảng cáo thật sáng tạo. Bây giờ chúng ta có 6 giây, nhưng trong tương lai có thể sẽ là 3 giây, thậm chí 1 giây nhưng tôi nghĩ vẫn có thể làm ra những mẩu quảng cáo ghi dấu ấn mãi mãi”, bà Tiên Võ nói.

Giang Di Linh
Nguồn Zing News