Ngành Thương mại điện tử Việt Nam đạt quy mô 8 tỷ USD năm 2018

Thông tin này vừa được Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số - Bộ Công thương công bố. Quy mô TMĐT Việt Nam 2020 cũng được Cục trưởng Hải tăng dự báo lên mức 15 tỷ USD, thay vì dự báo 10 tỷ USD trước đó.

"Quy mô thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng tăng trưởng khoảng 30%, hơn hẳn mức tăng trưởng của hai năm 2016 và 2017", ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương, cho biết tại Hội thảo Các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam sáng 7/3.

Doanh thu bán lẻ TMĐT năm 2018 dự báo khoảng 8 tỷ USD, tăng vượt mức so với mức dự báo 7 tỷ USD trước đây. Doanh thu bán lẻ TMĐT năm 2016 và 2017 lần lượt ở mức 5 tỷ USD và 6,2 tỷ USD, tăng trưởng lần lượt 20% và 24%.

"Doanh thu bán lẻ TMĐT 2020 giờ chúng tôi có thể dự báo con số khả quan hơn rất nhiều, sẽ đạt khoảng 13 - 15 tỷ USD", Cục trưởng Hải cho biết. Con số dự báo đưa ra cho mốc này trước đó chỉ ở mức 10 tỷ USD.

Google và Temasek có cái nhìn khả quan hơn về nền kinh tế số Việt Nam. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2018 do hai đơn vị này công bố, nền kinh tế Internet của Việt Nam đã ở mức 9 tỷ USD vào năm 2018.

Ảnh: REES46.

Về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số, Việt Nam xếp thứ 3 trong khu vực, sau Indonesia và Thái Lan. Việt Nam sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đuổi kịp Indonesia khi họ đang bỏ xa cả về quy mô (gấp 3 lần) lẫn tốc độ tăng trưởng.

Một số đặc điểm của TMĐT Việt Nam

  • Tất cả chỉ số đều tăng, trừ số lượng doanh nghiệp sở hữu website TMĐT. Tỷ lệ doanh nghiệp có website TMĐT trong giai đoạn 2013 - 2017 đã giảm từ 45% xuống 43%. Cục trưởng Hải lý giải rằng doanh nghiệp hiện nay chú trọng làm App nhiều hơn là website, cho nên số lượng website doanh nghiệp giảm.
  • 67% người dùng Internet đã từng mua hàng trực tuyến ít nhất 1 lần.
  • 82% người mua hàng TMĐT thanh toán COD (Cash on Delivery - Thanh toán tiền mặt sau khi nhận hàng). 48% thanh toán qua ATM, Internet Banking, 19% thanh toán qua thẻ tín dụng. "Một điều thú vị là cộng các phương thức thanh toán lại không ra tỷ lệ 100%. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp khi sử dụng phương tiện trả tiền qua TMĐT sẽ sử dụng rất nhiều kênh", ông Hải nói.
  • Về nhà đầu tư nước ngoài, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, theo sau là các nhà đầu tư Nhật Bản.

Bảo Bảo
Nguồn Trí thức trẻ