Nhượng quyền ra thế giới bằng tài nguyên bản địa

Những chuyển động mới trên thị trường nhượng quyền trong thời gian qua cho thấy, cơ hội để các thương hiệu Việt Nam khai thác những “tài nguyên” bản địa như bún bò, phở hay thảo dược, rau rừng... ra thế giới đang tới.

Công thức phở, mô hình spa...

“Sau lần gặp ở triển lãm nhượng quyền, chúng tôi và đối tác có cuộc hẹn tại bếp công ty để họ thử món phở bò và phở gà. Cuối cùng thì họ muốn mua công thức phở của chúng tôi để tự phát triển thương hiệu tại Canada”, chị Nguyễn Tuyết Nhung, sáng lập của Nanna’s Kitchen, chia sẻ về cơ hội mình vừa có được sau khi giới thiệu mô hình tại triển lãm nhượng quyền và công nghệ bán lẻ vừa diễn ra vào tháng 11 năm ngoái.

Vị doanh nhân Canada gốc Hoa thăm gian hàng được thiết kế từ tre nứa, lá cỏ tranh, có người đứng tráng bánh cuốn trong làn hơi nghi ngút của chị đã tiếp xúc tiếp để biết thêm về các món ăn khác mà chị ấp ủ. Và sau khi ăn phở thì vị này chọn ngay món phở vì lý do rất đơn giản: phở Việt Nam đang rất nổi tiếng ở Canada.

“Hợp tác được hay không, hợp tác như thế nào, chúng tôi vẫn đang cân nhắc. Nhưng sự hào hứng của đối tác giúp chúng tôi thêm tự tin rằng mình đang đi đúng hướng khi chọn những món ăn truyền thống Việt Nam để khởi nghiệp kinh doanh cũng như mơ ước đưa chúng ra thế giới qua con đường nhượng quyền”, chị Nhung chia sẻ.

Khách du lịch nước ngoài hứng thú xem tráng bánh cuốn tại khu mua sắm dưới lòng đất (Sense Market) quận 1, TPHCM. Ảnh: Minh Tâm.

Cũng nhờ tham gia một triển lãm nhượng quyền mà chị Hồ Kim Ngân, sáng lập Công ty Star Home Spa, đang có những bước tiến rất nhanh trên con đường đưa mô hình spa chăm sóc sắc đẹp tiện lợi và thuần tự nhiên của mình ra thế giới. Ở thời điểm hiện tại, các đối tác người Malaysia và Myanmar chị gặp tại triển lãm đang có những cuộc tiếp xúc sâu để tìm hiểu kỹ và tỏ ra thích thú vì mô hình nhỏ gọn, tiện lợi và nhất là sử dụng những nguyên liệu bản địa, là các thảo dược tự nhiên ở khắp các vùng miền của Việt Nam.

“Khi chúng tôi kể cho họ những câu chuyện liên quan đến từng loại thảo dược, như cách người Dao đỏ vào rừng sâu tìm nó ra sao, cách người ta phục dựng lại bài thuốc dân gian đã mai một để tạo ra sản phẩm thế nào..., họ lại càng được thuyết phục. Vào tháng 3 tới, chúng tôi cũng sẽ giới thiệu mô hình tại triển lãm ở Ảrập Saudi. Hy vọng sẽ có Star Home Spa ở ngoài Việt Nam trong thời gian sớm nhất”, chị Ngân chia sẻ.

Bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền và bán lẻ quốc tế, nhìn nhận một trong những xu hướng quan trọng của thị trường nhượng quyền thời gian qua là những mô hình sản phẩm, dịch vụ phát triển từ tài nguyên bản địa của Việt Nam như Nanna’s Kitchen hay Star Home Spa rất được quan tâm. Bởi lẽ, xu hướng bản địa với những sản phẩm, dịch vụ sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương, tạo ra bằng phương thức truyền thống... và nhất là có những câu chuyện thú vị, những giá trị văn hóa sâu sắc đi kèm, đã mang lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm mới mẻ và hoàn toàn khác biệt.

“Đó chính là thứ cảm giác mà người tiêu dùng hiện nay, những người ở thế hệ millennials (sinh từ năm 1980-1998) rất muốn được trải nghiệm”, bà Vân nói.

Phải quay về những gì hồn cốt Việt Nam nhất, tư duy và xây dựng mô hình theo thế mạnh bản địa đó thì sẽ có thể ra thế giới.

Theo bà Vân, vì xu hướng này, bà liên tục được các nhà đầu tư hỏi về việc có thương hiệu nào của Việt Nam có tiềm năng để họ đầu tư. Tiêu chí được đặt ra hàng đầu là truyền thống, phát triển từ sản phẩm địa phương...

Chìa khóa duy nhất để mở cánh cửa thế giới

Dưới góc nhìn chuyên ngành, bà Vân khẳng định, trong bối cảnh Việt Nam đi sau các nước về nhiều mặt, từ làm thương hiệu, tiếp thị, sáng tạo sản phẩm, bao bì đến công nghệ, quản trị... thậm chí còn để những sản phẩm của đất nước mình bị doanh nghiệp Thái Lan, Trung Quốc lấy tên, sản xuất và bán ở thị trường nước ngoài như trường hợp của phở bò, phở gà, bún bò, nước mắm... thì tính bản địa chính là vũ khí duy nhất để “đánh trận”, là chìa khóa vạn năng để mở cửa thị trường thế giới. Và đây là thời điểm thuận lợi bởi người tiêu dùng thế giới đang rất quan tâm đến yếu tố này.

“Hãy nhìn cách nhãn Old Town White Coffee của Malaysia đã nhượng quyền khắp châu Á. Họ hoàn toàn không cạnh tranh bằng cà phê mà chinh phục khách hàng bằng thực phẩm, bằng những món ăn truyền thống, bằng thiết kế bản địa... Những thứ này đã tạo ra trải nghiệm mới cho khách hàng vì nó hoàn toàn khác biệt với các chuỗi cà phê lớn đã ra đời nhiều năm”, bà Vân dẫn chứng.

Câu chuyện của Old Town White Coffee, theo bà Vân, cũng là lời cảnh báo cho rất nhiều doanh nghiệp cà phê Việt Nam đang hăm hở bước ra thế giới chỉ bằng cà phê. Bởi lẽ, đây là thị trường đã có nhiều đối thủ và đều rất mạnh với quy mô toàn cầu, sở hữu công nghệ chế biến hàng đầu, đã được cả thế giới công nhận cùng những kinh nghiệm truyền thông, tiếp thị bậc thầy... Để có thể tồn tại và phát triển được ở một thị trường như vậy, như Old Town White Coffee đã làm được, thì bắt buộc phải có sự khác biệt về sản phẩm và có những câu chuyện về sự khác biệt đó để truyền thông và thu hút khách hàng.

Tính bản địa là chìa khóa vạn năng để mở cửa thị trường thế giới. Ảnh: Báo Mới.

Những sản phẩm, dịch vụ khác, theo bà Vân, đang có cơ hội phát triển dễ hơn cà phê đôi chút nhờ có lợi thế lớn hơn về tính bản địa (phương thức chế biến bí truyền, hương vị đặc trưng...). Tuy nhiên, muốn đi được đường dài thì mô hình phải có sản phẩm, dịch vụ chủ đạo, đặc biệt với bí quyết riêng signature product, signature services. Đó có thể là một loại sốt dùng trong bánh mì, loại bột để làm bánh cuốn, nước dùng nấu phở hay loại lá bí mật trong gói dược liệu... và câu chuyện về nó để mang lại cảm xúc cho khách hàng. Có như vậy mới không bị đối thủ bắt chước, sao chép và dễ dẫn đến thoái trào như những mô hình thiên về ý tưởng, tạo ra xu hướng đã gặp phải trong thời gian qua.

“Tóm lại là phải quay về những gì hồn cốt Việt Nam nhất, tư duy và xây dựng mô hình theo thế mạnh bản địa đó thì sẽ có thể ra thế giới. Cơ hội dành cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ nguồn gốc Việt Nam”, bà Vân nói.

Và tất nhiên, từ lợi thế bản địa này, để có thể phát triển một cách bền vững thì người chủ doanh nghiệp phải sẵn sàng về tri thức để tư duy đúng, có tầm nhìn mở. Đây cũng là yếu tố tiên quyết để xây dựng các nền tảng quan trọng khác trong vận hành như quản trị tài chính, nhân sự, đối tác...

Minh Tâm
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn