Thị trường ô tô: Đảo chiều xe nội - xe ngoại

Đầu năm 2019, thị trường ô tô đảo chiều khi xe nhập khẩu áp đảo xe lắp ráp trong nước về số lượng tiêu thụ. Với nguồn cung dồi dào cộng với những ưu đãi về thuế nhập khẩu, người tiêu dùng Việt kỳ vọng giá xe sẽ giảm.

Xe nhập khẩu áp đảo

Thị trường ô tô đầu năm đã có những biến động khi mức tiêu thụ ô tô lắp ráp trong nước giảm mạnh, trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng cao. Báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) công bố ngày 20/2 cho thấy, trong tháng 1/2019, toàn thị trường tiêu thụ 33.484 xe, trong đó có 27.396 xe du lịch, 5.755 xe thương mại và 33 xe chuyên dụng. So với tháng trước đó, lượng xe trong tháng 1 đã tăng 14% về xe du lịch, giảm 41% xe thương mại và giảm 34% xe chuyên dụng.

Điều đáng nói là so với cùng kỳ năm 2018, số lượng ô tô nhập khẩu đã tăng hơn 33 lần. Trong đó, xe nhập khẩu từ Thái Lan dẫn đầu với 7.345 chiếc, xe nhập từ Indonesia đứng thứ hai với 2.761 chiếc, xe xuất xứ Trung Quốc xếp thứ ba với 397 chiếc. Thị trường xe nhập khẩu có sự xuất hiện của các dòng xe nhập từ Nhật, Đức, Mỹ với số lượng lần lượt là 383, 297 và 210 chiếc.

Ngược với xe nhập khẩu, lượng xe lắp ráp trong nước tiêu thụ giảm 12% so với tháng cuối cùng của năm 2018, đạt gần 18.800 xe. Đây cũng là tháng đầu tiên lượng xe ô tô lắp ráp trong nước tiêu thụ sụt giảm kể từ khi Nghị định 116 có hiệu lực (ngày 1/1/2018).

Thị trường ô tô đảo chiều giữa xe nhập khẩu và xe lắp ráp trong nước. Ảnh: T.Linh.

Trong năm 2018, việc áp dụng quy định mới về xe nhập khẩu nguyên chiếc theo Nghị định 116 gây không ít khó khăn cho các nhà nhập khẩu ô tô. Nghị định này có nhiều quy định nghiêm ngặt đối với việc xuất khẩu ô tô sang Việt Nam như xe về Việt Nam phải có được chứng nhận chất lượng kiểu loại tại quốc gia sản xuất và kiểm định từng lô hàng ô tô nhập khẩu.

Sự đột ngột của Nghị định 116 khiến các nhà nhập khẩu chưa kịp chuẩn bị và buộc phải ngừng nhập khẩu, nên trong 7 tháng đầu năm 2018, phần lớn các hãng đều không nhập xe về được. Sản lượng xe nhập khẩu từ tháng 1 đến tháng 6 đã giảm đến 80% so với cùng kỳ năm 2017.

Và liên tục trong những tháng đó, thị trường ô tô trong nước cho thấy lượng xe lắp ráp tại Việt Nam tháng sau luôn cao hơn tháng trước. Với sự hỗ trợ từ các bên, bao gồm chính phủ Thái Lan, Indonesia cũng như sự nỗ lực của các hãng, nhiều nhà nhập khẩu đã đưa xe hưởng thuế nhập khẩu 0% vào Việt Nam. Từ đó, lượng ô tô nhập khẩu dần trở lại ổn định và doanh số ô tô nhập khẩu nhờ đó cũng tăng thêm.

Xe giảm giá

Thị trường biến động liên tục nhưng việc các hãng liên tục giảm giá sẽ giúp ô tô đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam. Đầu năm 2019, bên cạnh sự sụt giảm doanh số của xe lắp ráp trong nước, thị trường ô tô còn chứng kiến những màn hạ giá sản phẩm rầm rộ từ các hãng. Cụ thể là ngay sau Tết Nguyên đán, một loạt dòng xe giảm giá bán từ 15 - 40 triệu đồng/chiếc.

Trong đó, Ford EcoSport giảm từ 15 - 40 triệu đồng/chiếc tùy phiên bản. Các dòng xe thương hiệu Mazda như Mazda CX-5, Mazda 3, Mazda 6 giảm giá từ 20 - 30 triệu đồng/chiếc. Hai dòng ô tô X-Trail và Sunny của Nissan điều chỉnh giảm từ 20 - 30 triệu đồng/chiếc, trong khi dòng bán tải Navara giảm 10 - 15 triệu đồng/chiếc.

Các chuyên gia cho rằng, hiện nguồn cung đang dồi dào là một trong những lý do khiến giá xe giảm. Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về Việt Nam còn 0% cũng giúp giá xe giảm. Không tác động mạnh như xe nhập khẩu nguyên chiếc, xe lắp ráp tại Việt Nam cũng có đà giảm giá khi thuế nhập khẩu hơn 30 nhóm linh kiện ô tô nhập khẩu từ khu vực này cũng về 0%.

Bên cạnh sự sụt giảm doanh số của xe lắp ráp trong nước, thị trường ô tô đầu năm còn chứng kiến những màn hạ giá sản phẩm rầm rộ từ các hãng. Ảnh: thanhnien.vn.

Không phải đến bây giờ mà đã nhiều năm nay, người tiêu dùng luôn mong chờ được sở hữu ô tô giá rẻ bởi Việt Nam là một trong những nước có giá ô tô đắt nhất thế giới. Giá ô tô tại Việt Nam luôn cao hơn rất nhiều so với các nước láng giềng Thái Lan, Campuchia... Năm 2018, khi thuế xuất trong nội khối ASEAN về 0%, người tiêu dùng đã kỳ vọng sẽ được sở hữu ô tô giá rẻ nhập khẩu từ những nước này. Thế nhưng, đã một năm trôi qua, giá xe vẫn luôn nằm top đắt nhất khu vực.

Giới quan sát cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến thị trường biến động và người tiêu dùng chưa thể mua được xe với giá như mong muốn. Cụ thể, theo Hiệp định AFTA, từ tháng 1/2018, Việt Nam chính thức bãi bỏ mức thuế nhập khẩu ô tô 30% trong nội khối ASEAN. Đây là cơ hội để ô tô nhập khẩu có giá rẻ từ các nước trong khu vực về Việt Nam.

Nhưng trước đó không lâu, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 để ngăn chặn xe nhập khẩu khiến thị trường ô tô rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung. Và tình trạng mất cân bằng cung - cầu đã được chính các hãng lợi dụng để... giữ giá bán.

Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng hạ nhiệt trong khi nguồn cung dồi dào, người tiêu dùng lại kỳ vọng giá ô tô sẽ giảm. Thế nhưng, với những thay đổi về chính sách thời gian qua, các hãng xe vẫn đang tính toán đến việc nên tăng cường nhập khẩu hay lắp ráp trong nước. Theo ông Phạm Văn Dũng - Tổng giám đốc Ford Việt Nam, khi nguồn cung xe nhập khẩu được đảm bảo, thị trường ô tô Việt Nam sẽ có sự bứt phá mạnh mẽ trong năm 2019. Còn việc sẽ phát triển lắp ráp trong nước hay nhập khẩu xe về bán sẽ tùy thuộc vào chiến lược của từng hãng.

Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn