Đông Nam Á: Điểm nóng fintech 2019

Đông Nam Á đang là thỏi nam châm thu hút fintech vào khu vực.

Các quốc gia Đông Nam Á được đánh giá là một trong những điểm nóng nhất của fintech (công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính) vào năm 2019, nhất là khi các hoạt động kinh tế gia tăng và chính phủ các nước không ngừng đưa ra các sáng kiến thu hút các giải pháp fintech.

“Các thị trường mới nổi mang đến cơ hội tuyệt vời nhất cho các công ty fintech. Trong đó, Đông Nam Á có sức hấp dẫn đặc biệt bởi có dân số sành về công nghệ và các chính phủ cũng chào đón các công nghệ mới”, Stefania Barbaglio, Giám đốc Cassiopeia Services, một tổ chức triển khai nhiều dự án khác nhau tại các thị trường mới nổi, nhận định.

Thực vậy, các báo cáo đều cho thấy triển vọng lạc quan cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thanh toán và ngân hàng số, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain (công nghệ đằng sau đồng tiền ảo Bitcoin). Một báo cáo từ Deloitte ước tính các khoản đầu tư fintech vào các nước Đông Nam Á trong năm 2018 đã vượt 30% so với con số 5,7 tỉ USD được đầu tư vào năm 2017. Còn theo báo cáo về nền kinh tế điện tử Đông Nam Á của Google, nền kinh tế internet khu vực đã tăng trưởng 44% năm 2018. Tốc độ tăng trưởng này sẽ còn tiếp tục khi thị trường fintech dự kiến sẽ đạt 72 tỉ USD vào năm 2020.

Khu vực Đông Nam Á cũng chứng kiến dòng chảy đầu tư lớn vào lĩnh vực công nghệ: các công ty công nghệ đã chiếm tới 40% tổng các thương vụ đầu tư vốn cổ phần tư nhân tại Đông Nam Á vào năm 2017. Chỉ trong quý I/2018, hơn 2 tỉ USD đã được đầu tư vào các công ty công nghệ châu Á.

Và hơn 60% các nhà đầu tư từ Đông Nam Á cho biết công nghệ là lĩnh vực quan tâm chủ yếu của họ trong giai đoạn 2018-2019, trong đó đứng đầu là fintech, theo sau là AI và blockchain. Các tổ chức như TechGrind cũng đặt tham vọng tạo ra một thung lũng Silicon mới ở Đông Nam Á, đang ra sức phát triển một môi trường lành mạnh và hấp dẫn cho các startup công nghệ.

Một trong những nguyên nhân chính tạo sức bật cho tốc độ tăng trưởng ở Đông Nam Á là mức độ tiếp cận tài chính thấp tại khu vực. Điều đó đã mở ra cơ hội cho các công ty fintech trong việc triển khai các dịch vụ và mở rộng bành trướng. Trên khắp Đông Nam Á, chưa tới 30% dân số có tài khoản ngân hàng. Tại các quốc gia ít phát triển hơn như Campuchia, con số này chỉ 5%.

Các giải pháp fintech vừa vặn có thể lấp vào khoảng cách lớn giữa số dân chưa có tài khoản ngân hàng và khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính. Bởi vậy, nhu cầu cao đối với thanh toán số, ví điện tử và các giải pháp tài chính thay thế lại ngày càng tăng cao hơn.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Singapore là quốc gia dẫn đầu về không gian công nghệ, đặc biệt về phương diện phát triển các thành phố thông minh và kết nối cao. Tại Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, các nền tảng thanh toán số đang tăng trưởng rất nhanh.

Indonesia có dân số được kết nối cao nhất trong số các thị trường mới nổi, rất cởi mở với các phương thức thanh toán thay thế. Một ví dụ là vào năm 2018, ví điện tử Indonesia OVO đã thực hiện lượng giao dịch gấp 75 lần so với năm 2017. Mối quan tâm chính của công ty này là tăng tốc độ tiếp cận tài chính trong nước và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại Việt Nam, theo tuyên bố của Chính phủ, Việt Nam nhắm tới trở thành một xã hội phi tiền mặt vào năm 2020, giảm tỉ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống dưới mức 10% (con số này dự kiến sẽ rút xuống còn 8% vào cuối năm 2025).

Theo đó, đề xuất phát triển các phương tiện thanh toán mới tại khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa để tăng mức độ tiếp cận tài chính lên mức ít nhất 70% người dân Việt Nam trên 15 tuổi sở hữu một tài khoản ngân hàng đến cuối năm 2020.

Trong lĩnh vực blockchain, thị trường Thái Lan đang ngày càng trở nên thân thiện với tiền mã hóa. Sàn giao dịch tiền mã hóa Satang corp. tháng 12.2018 cho biết sẽ huy động gần 10 triệu USD trong một đợt huy động STO (token chứng khoán). Theo Cointelegraph, kế hoạch của Satang được sự ủng hộ của Chính phủ Thái Lan, vốn đang tìm cách phát triển một khung pháp lý phù hợp cho các dự án blockchain và tiền mã hóa cũng như đưa đất nước trở thành một trung tâm thu hút các công ty blockchain.

“Công nghệ thúc đẩy những cú nhảy vọt tại các nền kinh tế đang phát triển. Các giải pháp fintech nắm giữ sức mạnh tạo chất xúc tác cho tăng trưởng kinh tế và cải thiện xã hội. Vì thế, chúng ta sẽ chứng kiến rất nhiều điều vĩ đại xảy ra trong lĩnh vực này trong năm 2019”, Stefania Barbaglio nhận định.

Đàm Hoa
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư