PNJ: "Thế Giới Di Động mới" của ngành trang sức

Chiến lược hợp lý cho bán lẻ và bán sỉ cùng dư địa lớn ở các khu vực ngoài TP.HCM sẽ giúp PNJ duy trì tăng trưởng cao trong các năm tới.

* Dưới đây là nhận định của công ty chứng khoán và nhà phân tích, bài viết trích dẫn chỉ mang tính chất tham khảo.

Năm 2018, PNJ duy trì mức tăng trưởng cao: doanh thu đạt 14,5 nghìn tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 960 tỉ đồng tăng lần lượt 33%, 32% so với năm 2017. Biên lợi nhuận gộp của công ty tăng đáng kể nhờ tăng tỉ torng các loại trang sức tinh xảo, có hàm lượng kim cương/đá quý cao hơn. Tuy nhiên, việc mở rộng chuỗi bán lẻ cũng kéo theo chi phí gia tăng, thêm vào đó là tiền thuê mặt bằng tăng cao trong năm qua khiến cho biên lợi nhuận ròng đi ngang.

Thị trường chính TP.HCM (chiếm 60% doanh thu trang sức vàng và 50% doanh thu trang sức bạc) có số lượng cửa hàng mở mới cao nhất trongn ăm qua, mặc dù vậy, SSSG vẫn duy trì ở mức cao, cho thấy dư địa tại đây vẫn còn nhiều và chưa có dấu hiệu bão hòa.

Ngoài các thành phố lơn, PNJ đang đẩy mạnh tấn công các thị trường nhỏ hơn. Tỷ trọng đóng góp doanh thu từ các địa phương khu vực 2 và 3 tăng từ 14 lên 17% trong năm nay. Xét theo vùng miền, thị trường miền Bắc mới chỉ chiếm gần 20% số cửa hàng và chưa đến 10% donah thu- còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, đây là khu vực mà PNJ vấp phải cạnh tranh lớn nhất đến từ các cửa hàng tư nhân truyền thông, tiêu biểu là thương hiệu Bảo Tín Minh Châu.

Nhờ còn nhiều dư địa, các cửa hàng PNJ miền Bắc có mức tăng trưởng rất cao (46% doanh thu vàng và 16% doanh thu bạc) trong năm 2018. Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng khu vực này sẽ là động lực tăng trưởng mới của công ty trong các năm tới, khi người dân quen dần với việc sử dụng trang sức có thương hiệu thay vì các cửa hàng tư nhân.

Vể cơ cấu doanh thu, trang sức vàng bán lẻ vẫn là động lực chính của công ty với mức tăng trưởng 35% và SSSG cao (20%). Trong năm 2019, PNJ muốn mở thêm 40 cửa hàng và duy trì SSSG ở mức 18%. Riêng với mảng phụ kiên/đồng hồ, dù được thử ghiệm từ năm 2012, mảng này vẫn đóng góp khá ít vào kết quả kinh doanh của công ty. Từ năm 2019, PNJ sẽ đầu tư hơn cho ngành đồng hồ, bên cạnh các quầy đồng hồ riêng lẻ trong cửa hàng vàng, công ty sẽ mở các cửa hàng chuyên bán đồng hồ để tăng độ nhận diện thương hiệu.

Dù vậy, chiến lược bán đồng hồ sẽ vận tập trung vào mảng online. PNJ hiện đang cung cấp khoảng 1.000 mẫu đồng hồ đến từ đa dạng các thương hiệu từ bình dân tới cận cao cấp. Công ty đang xúc tiến làm việc với nhà cung cấp để đưa nhiều thương hiệu mới về Việt Nam, cũng như từng bước làm việc với các thương hiệu hiện hữu để có thể nhập trực tiếp từ hãng mà không cần thông qua cấp đại lý. Dù vậy, đây sẽ vẫn là câu chuyện dài hạn và chưa thể đóng góp đang kể vào doanh thu và lợi nhuận cho công ty trong tương lai gần.

Nhà phân tích Trần Thái Sơn của VDSC có quan điểm tích cực với PNJ. Là doanh nghiệp đầu ngành trong một thị trường trang sức có độ phân mảnh rất cao và người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang trang sức thời trang có thương hiệu, PNJ có lợi thế lớn nhất so với các đối thủ nhờ lợi thế khó bắt kịp về thương hiệu, mạng lưới bán lẻ cũng như năng lực sản xuất và thiết kế. Chiến lược hợp lý ở cả 2 mảng bán lẻ và bán sỉ cùng dư địa rất lớn ở các khu vực ngoài TP.HCM sẽ giúp công ty duy trì tăng trưởng cao trong các năm tới.

Tâm Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư