Marketing cho Grammy 2019: Nỗ lực chuyển mình giữa thời đại công nghệ

Giải Grammy lần thứ 61 do Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ (NARAS) tổ chức là một trong những sự kiện âm nhạc lớn nhất thế giới. Tuy vậy gần đây giải thưởng này lại hứng chịu chỉ trích vì thiếu tính đa dạng.

Điều này đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho giám đốc marketing Evan Greene: thu hút được sự chú ý và tạo được độ nhận diện công chúng cho NARAS suốt năm, chứ không chỉ trong một đêm trao giải Grammy.

Để làm được điều này, ông đã xây dựng nên chiến dịch "Let's hear it" (Hãy lắng nghe) cùng với công ty quảng cáo TBWA/Chiat/Day. Mục tiêu của chiến dịch là ngợi ca sức mạnh của âm nhạc cùng đam mê dành cho âm nhạc của người hâm mộ và nghệ sĩ.

Forbes đã có cuộc gặp gỡ riêng với Evan Greene về những chia sẻ liên quan tới công việc marketing cho Grammy 2019.

* Chặng đường ông đã đi qua với cương vị giám đốc marketing của NARAS?

NARAS không hề có bộ phận marketing khi tôi lần đầu bước chân vào. Tôi được giao nhiệm vụ xây dựng bộ phận này. Chiến lược của chúng tôi là tìm ra cách thức khai phá và kể lại những câu chuyện sâu sắc xoay quanh âm nhạc và người hâm mộ.

Even Greene

Ông Even Greene, CMO của NARAS. Ảnh: The CMO Club.

* Vậy vai trò giám đốc marketing của ông đã biến đổi như thế nào trong suốt 16 năm qua?

Thử thách lớn nhất là việc quy luật của giới marketing không ngừng biến đổi. Thị trường đang thay đổi nhanh chóng. Tôi tin rằng khách hàng ngày nay đòi hỏi nhiều hơn, dễ tiếp cận hơn nhưng lại khó đạt được lòng tin hơn hơn bao giờ hết. Như vậy những gì chúng ta cần làm là phải chân thật và tôn trọng khách hàng.

Grammy luôn gây chú ý lớn. Giải thưởng này là một đặc trưng văn hóa, vậy nên Grammy rất cần thể hiện sự tôn trọng với nghệ sĩ và người hâm mộ. Những gì chúng tôi có thể làm là luôn chân thật, bởi yếu tố hàng đầu của thị trường là niềm tin.

* Cách thức chúng ta tương tác với âm nhạc ngày nay đã bắt đầu thay đổi. Grammy đang đương đầu với những khó khăn và đang hướng tới những mục tiêu marketing nào?

Bối cảnh thị trường đang thay đổi, song song cùng với những dịch chuyển trong xu hướng âm nhạc, điện ảnh, truyền hình và giải trí. Grammy đang đối mặt với thách thức tương tự với mọi thương hiệu văn hóa khác: giữ được tính liên đới với khán thính giả, khiến họ ngày càng trung thành hơn. Trước đây để làm được điều này, các nhà quảng cáo phụ thuộc rất nhiều vào các sản phẩm in ấn, quảng cáo ngoài trời và radio. Hiện tại các cách thức truyền đạt thông điệp của nhãn hàng ngày một đa dạng, gần gũi và gợi tính suy ngẫm hơn, giúp chúng ta có thể tạo dựng và truyền đạt tiếng nói chân thành và tôn trọng của mình hướng tới khán thính giả.

Chiến dịch quảng bá Let's hear it của NARAS năm 2019. Ảnh: Recording Academy.

* Xin ông hãy cho biết tầm quan trọng của giải Grammy với NARAS?

Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm văn hóa nhân loại. Nó xảy ra mọi nơi, mọi khoảnh khắc trong 365 ngày của một năm. Ngược lại, Grammy chỉ diễn ra một đêm duy nhất trong năm, nhưng nó lại biểu trưng cho giá trị của NARAS.

Chúng tôi đang nỗ lực khiến cái tên Grammy sống thêm cả 364 ngày còn lại, khai phá những câu chuyện bằng ngôn ngữ âm nhạc và chạm tới mọi khán thính giả. Hai đối tượng chính của chúng tôi chính là nghệ sĩ và thính giả.

* Vì sao lần đầu tiên trong lịch sử, ông lại quyết định quảng bá cho cái tên NARAS?

Grammy đã đạt được độ nhân diện công chúng phi thường và trở thành tấm gương phản chiếu nền âm nhạc hiện tại. Thế nhưng Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Thu âm Quốc gia Hoa Kỳ (NARAS), tổ chức sản sinh ra giải Grammy danh tiếng, còn hơn thế. Chúng tôi nghĩ đây chính là thời điểm chín muồi để cái tên NARAS được biết tới nhiều hơn vì những gì nó đã làm được cho nền âm nhạc.

* Ông có thể nói về chiến dịch marketing năm nay không?

Một trong những chủ đề tôi đã đề cập tới là ý tưởng kể chuyện. Càng chân thật khi kể chuyện, người yêu nhạc toàn cầu sẽ càng tin tưởng chúng ta nhiều hơn.

Grammy chỉ diễn ra một đêm duy nhất trong năm, nhưng nó lại biểu trưng cho giá trị của NARAS. Chúng tôi đang nỗ lực khiến cái tên Grammy sống thêm cả 364 ngày còn lại, khai phá những câu chuyện bằng ngôn ngữ âm nhạc và chạm tới mọi khán thính giả.

Chúng tôi làm việc cùng công ty quảng cáo Chiat/Day và lên ý tưởng cho câu chuyện muốn kể. Thông thường chúng tôi thường kể chuyện dưới góc nhìn của người nghệ sĩ, nói về hành trình bước lên sân khấu Grammy của họ. Năm nay chiến dịch "Let's hear it" (Hãy lắng nghe) của chúng tôi nhấn mạnh vào việc chúng ta là một cộng đồng, âm nhạc mang tính nhân bản và là sự chia sẻ trải nghiệm.

* Cách thức hợp tác với các nhà tài trợ năm nay ra sao?

Những đối tác marketing là một phần thiết yếu của chiến dịch cốt lõi của chúng tôi. Họ cho phép chúng tôi thâm nhập vào các kênh khách hàng mà bản thân mình không thể với tới. Chúng tôi hợp tác sát sao và chia sẻ một phần chiến dịch của mình, chứ không chỉ đơn thuần đưa logo thương hiệu của mình cho họ. Điều này giúp thông điệp của chúng tôi gắn kết hơn với các kênh phân phối, từ đó lan tỏa tới mọi kênh quảng cáo và đến tai nhiều người hơn.

* Công nghệ đang biến đổi chiến dịch Go-to-market, kế hoạch nhằm đưa ra chi tiết cách thức công ty hướng tới nhóm khách hàng mục tiêu và đạt được lợi thế cạnh tranh, như thế nào?

Một trong những điều chúng tôi chú trọng là kênh phân phối nội dung. Những đặc tính của truyền thông đang thay đổi và làm biến chuyển bố cục thị trường: mạng internet trỗi dậy, phương tiện tìm kiếm nội dung giải trí của khách hàng thay đổi và việc thu hút sự chú ý dài lâu của họ ngày một trở nên khó khăn hơn. Khán thính giả có thể xem lại các màn trình diễn của Grammy bất cứ khi nào họ muốn trên các kênh video trực tuyến như Youtube. Như vậy công nghệ đã thay đổi nhu cầu cùng cách thức tiêu thụ nội dung của khách hàng. Chúng tôi đang cố gắng mang lại cho họ nhiều cách thức để có thể thưởng thức giải Grammy hơn, thay vì chỉ trên tivi như truyền thống.

Jenny Rooney
Nguồn Forbes Vietnam