Sony đang đi vào vết xe đổ của Microsoft

PlayStation 4 đã thống trị mảng console với doanh số hơn 91,6 triệu máy được bán. Tuy nhiên, những quyết định bảo thủ của Sony khiến hãng đi vào vết xe đổ của Microsoft năm xưa.

Như quy luật bất thành văn, cứ khoảng 5-10 năm, thế hệ máy chơi game mới sẽ ra đời. Năm 2000, với PlayStation 2 (PS2), Sony thống trị nền tảng console. Đến năm 2006, bằng “vũ khí” Xbox 360, Microsoft đánh bại Sony trong cuộc chiến console.

Xbox 360 đã trở thành tiêu chuẩn cho các máy chơi game và duy trì như vậy cho đến năm 2013, khi Sony và Microsoft lần lượt ra mắt PS4, Xbox One.

Với PlayStation 4, Sony dành lại ngôi vương từ tay Microsoft.

Sony ở trên đỉnh với chiếc PS4 của mình quá lâu. Lâu đến mức đã có những dấu hiệu họ đã ngủ quên và vết xe đổ của Xbox One dần hiện hữu trước mắt.

Sự thất bại mang tên Xbox One

Đầu năm 2013, Microsoft Xbox 360 vẫn duy trì khoảng cách khá xa so với PS3. Không chỉ các kênh bán lẻ, Xbox 360 còn được lòng nhiều game thủ trung thành.

Tiếp nối thành công, vào tháng 5/2013, tại trụ sở Redmond, Washington, Microsoft trình làng Xbox One. Tuy nhiên, Xbox One là một thảm họa. Thiết bị yêu cầu kết nối Internet liên tục, đĩa cũ không thể sử dụng lại. Hơn nữa, cấu hình Xbox One và PS4 ngang nhau nhưng giá bán lại đắt hơn 100 USD.

Xbox One và PS4 có cấu hình tương tự nhau. Ảnh: Business Insider.

Microsoft giới thiệu thiết bị chơi game nhưng không tập trung vào những trải nghiệm người dùng. Họ không lắng nghe những game thủ trung thành.

Hãng quá tham vọng về thiết bị đa nền tảng và bị nhấn chìm bởi những tham vọng ấy, cộng thêm giá bán Xbox One (500 USD) quá vô lý khiến nó bị giới game thủ ném đá không thương tiếc.

Quyết định bảo thủ của Sony

Tựa game thành công nhất năm 2018, Fortnite có thể chơi trên mọi nền tảng như di động, PC và console. Nếu đang chơi Fortnite trên Switch, bạn có thể kết nối với mọi người trên điện thoại, Xbox One hoặc máy tính. Tuy nhiên, người chơi Fortnite trên PS4 đã bị tách biệt với các hệ máy còn lại.

Sony liên tục đưa ra những lời bào chữa nhằm xoa dịu fan vì không cho phép đồng bộ tài khoản Fortnite. Cuối cùng, vào tháng 9/2018, Sony phải thừa nhận sai lầm của hãng.

Không chỉ làm người hâm mộ thất vọng, việc Sony từ chối đồng bộ hóa đã khiến một số hãng phát hành game đa nền tảng như Psyonix (Rocket League) và Microsoft (Minecraft) lên tiếng. Sony, từ một công ty luôn biết cách lắng nghe bắt đầu trở thành kẻ kiêu ngạo.

Điều này gợi nhớ đến hành động Microsoft đã làm với Xbox One. Đó là bỏ ngoài tai những lời góp ý chân thành từ người hâm mộ.

Sony và tham vọng lớn

Tháng 1/2019, trong cuộc phỏng vấn với New York Times, cựu giám đốc điều hành Sony, Kenichiro Yoshida cho biết ông từng đưa ra kế hoạch gộp PlayStation Network (PSN) với kho Phim và Nhạc của hãng.

Sony đang lặp lại sai lầm của Microsoft. Ảnh:Business Insider.

Theo Yoshida, PSN là nền tảng giải trí cho tất cả các thiết bị của Sony và nó tương thích mạnh mẽ với mảng game, phim và nhạc. Mặc dù từ trước đến nay hãng luôn tách biệt chúng.

Khả năng của PSN về dịch vụ kỹ thuật số cho phép người dùng mua và quản lý nội dung rất triển vọng. Tuy nhiên, nó chỉ được xây dựng cho các máy chơi game PlayStation mới nhất.

Việc đưa PSN trở thành dịch vụ giải trí hỗn hợp thực sự không phù hợp. Đối với game thủ console, họ không thích thiết bị tích hợp quá nhiều thứ.

Động thái trên không khác cách mà Microsoft đang làm với Xbox One: tập trung quá nhiều vào truyền hình, thể thao và những tích hợp thông minh khác. Đó không phải là hướng đi tốt cho máy console, vốn được biết tới với khả năng chơi game mạnh mẽ.

Sony cố gắng chuyển đổi dịch vụ chơi game PSN phổ biến thành dịch vụ giải trí cho thấy sự thiếu hiểu biết về lý do mọi người yêu thích PlayStation. Họ mua nó đơn giản vì sự trải nghiệm và hiệu năng mang lại khi chơi game. Họ không quan tâm đến giải trí tích hợp.

Hàng loạt thông tin cho thấy năm 2020 sẽ là cột mốc mới của các dòng máy chơi game console. Một cuộc chạy đua ngầm về phần cứng đang cực kì khốc liệt. Sony cần phải có sự thay đổi lớn nếu không muốn lặp lại quá khứ sai lầm của Microsoft.

Gia Minh
Nguồn Zing News