Cuộc đua xe công nghệ: Cơ hội và thách thức nào cho người chơi mới?

Với thị trường gọi xe công nghệ hấp dẫn và không ngừng phát triển, chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội cho các hãng gọi xe mới, thậm chí có thể cạnh tranh với các hãng lớn.

Cuối tháng 3/2018, một hãng gọi xe đến từ Mỹ chính thức rút khỏi Việt Nam và Đông Nam Á. Hãng này đã tự “bán mình” cho một hãng gọi xe khác đến từ Malaysia, nhường sân chơi tại nhiều quốc gia Đông Nam Á cho chính đối thủ của mình trước kia.

Khi đó, rất nhiều khách hàng lo sợ về sự độc quyền “một mình một chợ” của doanh nghiệp đến từ Malaysia. Giá cả tăng cao hơn mức bình thường mà không có bất kỳ đối thủ nào để so sánh; tài xế cũng bị “lựa chọn” bởi vị thế độc quyền của doanh nghiệp. Nhiều người tin rằng, với vị này, doanh nghiệp kia sẽ thách thức bất kỳ hãng nào muốn gia nhập thị trường sau đó.

Tuy nhiên, sau gần một năm nắm vị thế thượng phong, doanh nghiệp đến từ Malaysia đã chào đón và thực sự dè chừng với không ít hãng xe công nghệ mới gia nhập thị trường, trong đó có không ít hãng xe nội. Nổi bật và mới nhất là tân binh be app.

Be app ra mắt và từng bước chứng tỏ năng lực cho thấy các hãng gọi xe công nghệ vẫn còn nhiều cơ hội khi gia nhập thị trường. Đặc biệt, thị trường gọi xe Việt Nam được coi là hấp dẫn hàng đầu Đông Nam Á và không ngừng tăng trưởng.

Từng là một tài xế lái xe công nghệ những ngày đầu tiên mà loại hình này vào Việt Nam, anh Đỗ Nam (quận Nam Từ Liêm) đến giờ vẫn không khỏi ngạc nhiên về sự tăng trưởng nhanh chóng của các hãng xe .

Anh kể rằng vào khoảng năm 2014, khi những hãng gọi xe công nghệ hàng đầu thế giới vào Việt Nam - thị trường 90 triệu dân, người tiêu dùng trong nước còn bỡ ngỡ với loại hình gọi xe qua ứng dụng. Trước đó, thói quen sử dụng xe tự lái hoặc xe taxi vẫn chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, nhờ sự tiện lợi, dịch vụ tốt, giá thành rẻ, đúng giờ… loại hình gọi xe công nghệ đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp người trẻ yêu thích công nghệ, đang sử dụng điện thoại thông minh. Chính vì vậy, số lượng xe công nghệ tại các thành phố lớn đã gia tăng nhanh chóng.

Nhiều người ví von rằng số lượng xe công nghệ đã tăng trưởng nhanh chóng, nhanh đến mức áp đảo số lượng xe taxi. Anh Nam đánh giá, sau cả chục năm phát triển xe taxi, số lượng phương tiện cũng không thể bằng lượng xe công nghệ phát triển trong chỉ 2 năm.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (thuộc Bộ Giao thông vận tải) đánh giá việc số lượng xe gia tăng nhanh chóng chứng tỏ nhu cầu của thị trường về loại xe này rất lớn. Chính nhu cầu của thị trường đã tạo ra một khoảng trống để các nhà cung cấp đáp ứng.

Ông Ngọc dự báo loại hình vận tải ứng dụng công nghệ thông tin sẽ còn phát triển và chiếm ưu thế trong tương lai. Nhất là khi đất nước đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, số lượng người dùng điện thoại thông minh ngày càng tăng.

Trong khi đó, theo Báo cáo e-Conomy SEA 2018 do Google và Temasek vừa công bố, đứng đầu về quy mô thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á là Indonesia với giá trị 3,7 tỷ USD. Việt Nam xếp thứ 6 trong khu vực với quy mô 500 triệu USD, lần lượt sau Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong nước cho rằng quy mô thị trường gọi xe Việt Nam còn lớn hơn con số được công bố và có thể sớm cán mốc 1 tỷ USD.

Lý do được đưa ra là Việt Nam có trên 90 triệu dân trong độ tuổi “dân số vàng”, nghĩa là số lượng người trẻ đang chiếm đa số. Việt Nam cũng đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, mỗi năm đón trên 15,5 triệu lượt khách du lịch nước ngoài. Kinh tế Việt Nam cũng thuộc hàng tăng trưởng nhanh nhất châu Á và trên thế giới, hứa hẹn thị trường gọi xe phát triển nhanh chóng.

Thị trường gọi xe hấp dẫn của Việt Nam có thể là “miếng mồi ngon” của bất kỳ hãng gọi xe công nghệ nào, đặc biệt những hãng lớn trên thế giới. Do đó, để giành “miếng bánh hấp dẫn đó”, các hãng gọi xe công nghệ không chỉ phải có chiến lược phù hợp mà còn phải cạnh tranh rất quyết liệt.

Trong đó, áp lực với các hãng gọi xe nội địa là thách thức cũng là cơ hội lớn khi họ am hiểu địa phương, dễ dàng nắm bắt được nhu cầu người tiêu dùng. Để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho taxi truyền thống và ứng dụng gọi xe công nghệ, bước đi quan trọng nhất là định danh chính xác mô hình kinh doanh cho lĩnh vực này, tránh những tranh chấp phải xử lý bằng pháp luật.

Khác với anh Đỗ Nam, anh Nguyễn Văn Hùng (quận Ba Đình) lại là một tài xế taxi và chứng kiến những “nốt trầm” của các hãng taxi tại Hà Nội. Anh Hùng nhớ lại những năm 2010-2014, taxi gần như là một trong những nghề hấp dẫn nhất của đội ngũ tài xế bởi mức thu nhập hấp dẫn, số lượng khách “nhiều đuổi không hết”.

Khi đó, những hãng taxi mọc lên như nấm tại Hà Nội. Một số doanh nghiệp chỉ có khoảng 10 xe cũng mở hãng taxi. Việc mua lốt, tài xế phải đóng tiền để được lái xe cho hãng xảy ra không phải là chuyện hiếm.

Tuy nhiên, khi những hãng gọi xe công nghệ vào Việt Nam, bộ mặt giao thông đô thị tại Hà Nội đã thay đổi hoàn toàn. Anh Hùng nhớ lại những hãng taxi đã nhanh chóng suy giảm lượng khách, nhường lại cho gọi xe công nghệ. Thu nhập của tài xế ngày càng giảm, số lượng các hãng taxi cũng giảm theo. Dần dần, lái taxi còn không là một nghề hấp dẫn nữa, nhiều tài xế chuyển sang lái xe công nghệ.

Trong báo cáo tổng kết 2 năm Quyết định 24 về việc thí điểm xe hợp đồng tại Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, nhận định bộ mặt giao thông đô thị tại Việt Nam đã thay đổi rất nhanh chóng với sự ra đời của các hãng xe công nghệ. Taxi công nghệ ra đời giúp người dân có thể dễ dàng lựa chọn, tiện lợi, biết rõ giá cả khi có nhu cầu.

Taxi công nghệ cũng phá vỡ thế độc quyền của taxi, tạo lợi ích cho người tiêu dùng, giúp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông vận tải.

Ngoài ra, gọi xe công nghệ xuất hiện không chỉ ở xe 4 bánh mà còn ở cả xe 2 bánh. Việc di chuyển và gọi xe 2 bánh tại Việt Nam phù hợp với điều kiện giao thông, tạo ích lợi cho người tiêu dùng. Không chỉ vậy, nó còn xuất hiện thêm dịch vụ giao hàng, dịch vụ giao nhận đồ ăn…

Ở một chiều khác, gọi xe công nghệ cũng giúp giải quyết phần lớn công ăn việc làm cho người dân. Nhiều người có xe nhàn rỗi có thể tăng thêm thu nhập, nhiều bạn sinh viên có thể dễ dàng kiếm thêm tiền mà không bị ràng buộc về thời gian. Đây là một lợi ích mà khó có thể phủ nhận của loại hình gọi xe công nghệ.

Là một tài xế xe ôm ở bến xe Mỹ Đình, anh Hoàng Anh (quê Nam Định), đã nhanh chóng chuyển đổi sang xe ôm công nghệ. Anh Hoàng Anh nói rằng trước kia khi mới chuyển sang bắt khách bằng ứng dụng đã rất bỡ ngỡ về phần mềm, về cách thức hoạt động, khác hoàn toàn so với cách thức anh làm trước kia.

Nhưng sau đó anh quen dần và thấy rõ sự tiện lợi của ứng dụng. Anh Hoàng Anh còn gia nhập câu lạc bộ tài xế, có cơ hội giúp đỡ nhiều bạn trẻ đi làm thêm, tạo thành một cộng đồng đặc biệt.

“Trước kia tôi không nghĩ đây sẽ là một nghề, nhưng hiện tại, lái xe công nghệ đúng là một nghề, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, sự nghiêm túc làm nghề. Rất nhiều anh em có thể tạo ra thu nhập một cách không ràng buộc, không phụ thuộc điều kiện gì, chỉ cần chăm chỉ”, anh chia sẻ.

Với “miếng bánh” thị trường gọi xe có thể nhanh chóng lên đến 1 tỷ USD, thị trường gọi xe công nghệ đã chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều hãng xe trong nước và nước ngoài. Từ khi một hãng gọi xe từ Mỹ rút khỏi thị trường, rất nhiều hãng khác cũng đã bắt đầu gia nhập thị trường.

Bằng chứng là gần đây nhất, một “tân binh” gọi xe với tên gọi be đã gia nhập thị trường với loại hình beBike (2 bánh) và beCar (4 bánh). Nhiều loại hình dịch vụ mới như vận chuyển hàng hóa, giao đồ ăn, chương trình khách hàng thân thiết … cũng sẽ được doanh nghiệp này sớm phát triển.

Trước kia, điểm yếu lớn nhất của các hãng xe công nghệ Việt khi ra mắt là công nghệ. Tuy nhiên, khi be ra mắt, nhiều người bất ngờ với đội ngũ kỹ sư phát triển ứng dụng này. Theo đó, nhiều kỹ sư người Việt từng làm việc tại Mỹ và nhiều nước trên thế giới được mời về tập hợp để phát triển.

Thủ lĩnh của be là ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group - đơn vị phát triển be, là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc phát triển các các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Ở những doanh nghiệp đó, ông Hải đều thể hiện duyên “mát tay” trong việc gây dựng.

Ngoài kỹ thuật, be còn nhấn mạnh lợi thế cạnh tranh là chất lượng dịch vụ và đối tác tài xế. Hãng này xây dựng cho các đối tác một chế đội đãi ngộ hấp dẫn. Theo đó, be là ứng dụng gọi xe đầu tiên xây dựng một chương trình bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện 24/7 (chi phí y tế do tai nạn, trợ cấp thu nhập khi điều trị) cho toàn bộ đối tác tài xế khi tham gia.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh be lấy lợi thế chính là tài xế để cạnh tranh với các hãng gọi xe công nghệ khác. Do đó, be sẽ gây dựng một cộng đồng tài xế bền vững, gắn bó với nghề. Ông cho rằng tài xế đóng vai trò quan trọng và là “vũ khí quan trọng” của bất kỳ hãng nào. Với quan điểm nói ít, làm nhiều và tập trung vào sản phẩm và dịch vụ, ông Hải chia sẻ thêm rằng thị trường càng mở càng tốt. Nếu chỉ có 10% thị phần, be vẫn muốn những gì mình làm cho đối tác tài xế và người tiêu dùng sẽ là xu hướng và thước đo chuẩn để cả thị trường chuyển động theo.

Thế mạnh về pháp luật cũng là điều mà be tự tin trước các đối thủ. Theo đó, ngay khi ra mắt, be đã có đầy đủ giấy phép kinh doanh vận tải. Theo đại diện hãng này, việc rõ ràng về tính pháp lý, chấp nhận đóng thêm 10% thuế VAT so với đối thủ xe công nghệ khác là một lợi thế, khác với suy nghĩ của nhiều người coi đó là bất lợi.

Theo đó, nhiều hãng gọi xe công nghệ đang gặp thách thức lớn về việc định danh là loại hình vận tải hay là một điều gì khác. Chính điều này khiến giới taxi truyền thống ra sức phản đối vì cho rằng bất bình đẳng. Chính việc “nhập nhằng” loại hình có thể bị trả giá khi Nghị định 86 mới sắp ra đời, có thể đưa các hãng xe công nghệ về với bản chất.

Khi về với bản chất, nhiều hãng gọi xe công nghệ lo sợ sẽ bị mất hết lợi thế cạnh tranh, khó cạnh tranh với các đối thủ, thậm chí là cả taxi. Tuy nhiên, ngay từ đầu be đã xác định rõ về mặt pháp lý, đó có thể là lợi thế khi các hãng khác loay hoay đối phó với sự thay đổi của quy định và “trả giá” khi mất lợi thế cạnh tranh.

Trong năm 2019, be dự kiến có mặt tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước và đưa dịch vụ giao hàng ra thị trường. Mục tiêu ứng dụng này đặt ra là đến cuối năm 2019, lượng đối tác sẽ là 110.000 người với 6,6 triệu lượt tải ứng dụng và hoàn thành hơn 105 triệu chuyến đi. Đến hết năm 2020, tân binh này sẽ có mặt tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo ông Trần Bằng Việt, chuyên gia chiến lược doanh nghiệp, CEO Dong A Solutions, nguyên Tổng giám đốc Mai Linh Taxi, đánh giá thị trường gọi xe vẫn còn rất hấp dẫn và “không phải là không có cơ hội” cho những hãng xe mới.

Ông Việt phân tích thị trường gọi xe ở Việt Nam rất lớn, trong khi nhiều người cho rằng đã bị một hãng xe lớn chi phối. Tuy nhiên, vẫn chưa có hãng xe nào số 2 trong tâm trí của người tiêu dùng. Hiện tại có rất nhiều hãng xe ra mắt, thậm chí là cả taxi truyền thống cũng tự thay đổi mình, nhưng vẫn chưa có nhiều mô hình thành công.

Ông Việt tin rằng người tiêu dùng luôn luôn cần thêm những đối thủ của các hãng lớn, để thị trường tránh khỏi sự độc quyền và thêm sự lựa chọn. Thậm chí, những hãng xe trong nước có thể bứt phá, xoay chuyển thế cờ đối với những hãng lớn hiện nay.

“Nhiệm vụ của các hãng mới chỉ cần có một chiến lược thật tốt, nâng cao chất lượng dịch vụ, tài xế, giá thành hợp lý, tạo được niềm tin trong người tiêu dùng là có thể thành công”, ông nói.

Đồ họa: Vũ Vũ

Trần Nguyễn - Giang Di Linh
Nguồn Zing News