Các công ty tiêu dùng thế giới hứng chỉ trích vì rác thải nhựa

Hàng loạt công ty hàng tiêu dùng như P&G và Coca-Cola, trở thành tâm điểm chỉ trích từ các nhà hoạt động vì môi trường toàn cầu. Họ cáo buộc những công ty này góp phần gây ô nhiễm các đại dương bởi nhiều loại rác thải nhựa, đề nghị có những biện pháp thích đáng.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos tuần trước, lãnh đạo của hai công ty trên cùng nhiều doanh nghiệp khác như Unilever Plc và PepsiCo đã có những phát biểu nhằm biện hộ cho hoạt động kinh doanh. Điều này tương tự cách lãnh đạo các công ty dầu mỏ và than đá phải đối mặt với áp lực dư luận khi bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra hiện tượng biến đổi khí hậu.

“Tôi không thấy sự khác biệt nào giữa rác thải nhựa và than đá”, Jennifer Morgan - giám đốc điều hành Greenpeace trả lời Reuters sau khi bà và chủ tịch P&G David Taylor đã có cuộc tranh luận “nảy lửa” tại một cuộc họp báo trong khuôn khổ WEF.

“Rõ ràng rằng họ đang làm mọi cách để thoát khỏi việc bị kiểm soát”, bà bổ sung thêm.

Các CEO tại Davos đều cam kết sẽ cắt giảm sử dụng nguyên liệu đóng gói làm từ nhựa thông qua nhiều sáng kiến, trong đó bao gồm kế hoạch tái chế tập trung. Nhưng Greenpeace lại dùng chính cam kết đó để kêu gọi một lệnh cấm hoàn toàn việc sử dụng nguyên liệu đóng gói bằng nhựa khi cho rằng việc tái chế là không đủ để đẩy lùi thực trạng đáng buồn này.

Khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra các đại dương mỗi năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống cũng như thay đổi chuỗi thức ăn, theo thông tin từ chương trình môi trường Liên Hợp Quốc.

Xà phòng tắm không bao bì trong một cửa hàng ở Italia. Ảnh: Reuters.

Những thông tin như trên cộng với nhiều chương trình truyền hình khác như chương trình Blue Planet của nhà sản xuất phim tài liệu David Attenborough đã khiến thực trạng đáng báo động này trở thành một trong những vấn đề nóng nhất trong khuôn khổ WEF năm nay.

Attenborough, 92 tuổi, đã được vinh danh với một giải thưởng đặc biệt ngay trong những ngày đầu của diễn dàn. Năm nay, các vấn đề về môi trường đóng một vai trò hết sức quan trọng và không kém “sức nóng” so với các vấn đề khác như cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế toàn cầu.

“Tôi thi thoảng tự đặt ra câu hỏi rằng có phải chúng ta đang sống trong một thời kỳ rác thải có thương hiệu hay không?”, giám đốc điều hành Unilever Alan Jope vui tính trả lời trong một phiên thảo luận.

Năm 2017 cũng tại Davos, Unilever đã cam kết tất cả vật liệu nhựa đóng gói đều thích hợp để tái chế, tái sử dụng và có thể dễ dàng phân hủy vào năm 2025.

“Hai năm sau tại Davos, Unilever đã những thành công bước đầu. Hiện tại, công ty đã làm được nhiều điều nhằm giải quyết vấn đề rác thải nhựa, vượt lên trên so với nhiều công ty trong cùng ngành công nghiệp”.

Thu nhặt chai lọ

Hàng loạt công ty đã có nhiều biện pháp nhằm giảm sử dụng sản phẩm nhựa phục vụ cho việc đóng gói, trong đó có một kế hoạch với sự tham gia của 40 công ty nhằm loại bỏ các sản phẩm nhựa đóng gói sử dụng một lần tại Anh vào năm 2025.

Ô nhiễm rác thải nhựa. Ảnh: Reuters.

“Chúng tôi sẽ cho ra đời một công nghệ mới giúp giảm thiểu khối lượng vật liệu đóng gói bằng nhựa trên 1 kg hàng hóa”, Ramon Laguarta - giám đốc điều hành PepsiCo, phát biểu tại Davos. Ông cũng bổ sung rằng Pepsi đang cố gắng chuyển hướng tập trung sử dụng các loại cốc và hộp có thể tái sử dụng.

PepsiCo, Unilever, và hai hệ thống siêu thị lớn tại châu Âu Carrefour và Tesco là 4 trong số nhiều doanh nghiệp tham gia vào một chương trình “cắt giảm rác thải” được công bố tại Davos. Khi tham gia chương trình này, các công ty trên phải cam kết phân phối sản phẩm, ví dụ như nước cam ép, được chứa trong chai đựng có thể tái sử dụng và phải tiến hành thu lại những chiếc chai đó, làm sạch để phục vụ lần sử dụng tiếp theo.

“Chúng tôi có thể có những bài học về mô hình kinh doanh, phản ứng của khách hàng và tìm ra được những giải pháp thích hợp”, Taylor phát biểu trong buổi lễ công bố chương trình.

Cũng trong một buổi tranh luận khác, luật sự về quyền con người Vivek Maru, nhà sáng lập công ty luật Namati đã đặt câu hỏi cho Laguarta- giám đốc điều hành của PepsiCo và người đứng đầu tập đoàn hóa chất Dow Jim Fitterling rằng liệu họ có nên bị trừng phạt cho những nguy hại với môi trường mà công ty của họ gây ra, giống như những gì đã xảy ra với các công ty sản xuất thuốc lá?

“Đó là một câu hỏi rất khó trả lời”, Fitterling trả lời. “Rác thải nhựa bị thải ra môi trường là hệ quả của hành vi người tiêu dùng, chính họ mới là người trực tiếp gây ra điều đó”.

Những tranh cãi xung quanh vấn đề này cũng thu hút được sự quan tâm của các công ty trong ngành bảo hiểm, những đơn vị này đã rất nhiều lần bày tỏ sự quan ngại về các vấn đề môi trường. Một vài công ty lớn trong ngành đã từ chối bảo hiểm cho những nhà máy nhiệt điện chạy than mới vì những ảnh hưởng có thể tác động đến môi trường tự nhiên.

“Trong giai đoạn này, các công ty tái bảo hiểm cũng không quá mặn mà với các hợp đồng có thể liên quan đến vấn đề môi trường”, Christian Mumenthaler- lãnh đạo công ty tái bảo hiểm lớn thứ 2 thế giới Swiss Re, nói.

Rác thải nhựa ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ảnh: Internet.

“Cơ chế bảo hiểm liên quan ở đây là những chính sách quy định trách nhiệm pháp lý của các công ty. Nếu rủi ro gia tăng và họ bị kiện vì hành vi của họ, không nhất thiết đó những công ty sản xuất đồ nhựa, vụ việc đó sẽ được đối chiếu với các đánh giá rủi ro từ phía chúng tôi và những công ty đó có thể sẽ bắt đầu gặp khó khăn trong việc nhận được đền bù”, ông bổ sung thêm.

“Vấn đề này ngày càng nóng lên và chúng ta đã có thể nhìn thấy những hành động từ phía các công ty. Tôi hy vọng rằng họ sẽ hành động đủ nhanh, đủ triệt để nhằm tạo ra được sự khác biệt”.

Lãnh đạo của Unilever và PepsiCo tỏ ra khá thất vọng khi Greenpeace kêu gọi thêm nhiều lệnh cấm các sản phẩm đóng gói bằng nhựa tại Davos bởi vấn đề này có thể được giải quyết bằng các giải pháp khác nhau, từ tái chế, tái sử dụng và sử dụng công nghệ đóng gói hoàn toàn mới.

Hồi tháng 12, Liên minh châu Âu đã thông qua một lệnh cấm đối với các sản phẩm nhựa thải ngay như ống hút và cốc nhựa polystyrene vào năm 2021. Greenpeace tỏ ra rất vui mừng với quyết định đó nhưng qua đó cũng kêu gọi thiết lập mục tiêu giảm sử dụng cốc và vật chứa bằng nhựa trên phạm vi toàn châu Âu.

Morgan (Greenpeace) cho biết vấn đề sẽ không thể được giải quyết chỉ với những nỗ lực từ phía các doanh nghiệp lớn.

“Có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn đang mở rộng hoạt động sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần và đang phát triển tại các thị trường thực chất đã bão hòa các sản phẩm nhựa”, Morgan chia sẻ. “Điều đó có thể làm làm chệch hướng dư luận”.

Brune Poirson, Bộ trưởng Sinh thái, Phát triển bền vững và Năng lượng Pháp, cũng đã chỉ trích rất nhiều doanh nghiệp. Bà cho rằng họ nên tiến hành các biện pháp tức thì.

“Vì bạn không thực hiện điều đó, chúng tôi buộc phải can thiệp”, Poirson cho biết. “Tôi nghĩ nó thật tốn thời gian, gây lãng phí nguồn lực và chỉ chứng tỏ rằng họ là những tổ chức không có trách nhiệm”.

Trọng Đại / Reuters
Nguồn Người đồng hành