Startup FastGo của Việt Nam chuẩn bị 'tấn công' thị trường Mỹ và Brazil

Bên cạnh việc mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nước Đông Nam Á, startup FastGo cũng đang mở rộng sang Mỹ và Brazil trong năm nay.

“Tôi quan tâm đến việc mở rộng ra những khu vực có thể đối mặt với sự cạnh tranh từ các ứng dụng đặt xe khác”, ông Nguyễn Hữu Tuất, CEO của FastGo nói. “Mỹ và Brazil sẽ là điểm đến tiếp theo của chúng tôi, bởi các nhà đầu tư và đối tác hiện tại của FastGo tới từ những quốc gia này”.

Ông Tuất chỉ nêu tên một nhà đầu tư duy nhất của FastGo là VinaCapital. Đây là một quỹ đầu tư mở có trụ sở tại TP HCM. Vào tháng 8/2018, VinaCapital đã đầu tư 3 triệu USD trong vòng cấp vốn đầu tiên của FastGo.

Nhằm thúc đẩy việc mở rộng, FastGo lên kế hoạch tăng 50 triệu USD trong vòng gọi vốn thứ 2 vào nửa đầu năm 2019, ông Tuất cho biết.

“Chúng tôi đang đàm phán với các nhà đầu tư Hàn Quốc và Mỹ”, ông nói thêm.

FastGo cho biết, hiện tại, có 40.000 tài xế trên 10 thành phố ở Việt Nam đăng ký ứng dụng này. FastGo bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2018, 2 tháng sau khi Grab mua lại Uber Đông Nam Á.

Mặc dù chưa đầy 1 năm tuổi, FastGo nuôi tham vọng mở rộng thị trường. Tháng 12/2018, FastGo đã đưa tên tuổi công ty đến Yangon. Dự kiến, tháng 3 năm nay, FastGo sẽ có mặt tại thủ đô của Indonesia, Jakarta.

“Sau Jakarta, chúng tôi sẽ tiến tới Singapore”, ông Tuất nói.

Ông Tuất thừa nhận FastGo sẽ phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh gay gắt ở Indonesia, do 2 đối thủ là Grab và Go-Jek đang hoạt động rất tốt tại đây.

“Trong 2 năm tới, tại Đông Nam Á, chúng tôi ưu tiên tiến đến những thành phố có những đối thủ lớn”, ông nói. “Cách nhanh nhất để học hỏi và phát triển là cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ”.

Tại Myanmar, công ty đặt mục tiêu đạt 2 triệu người dùng trong năm nay. “Grab, Go-Jek và Uber đã huy động được rất nhiều vốn nhằm phục vụ cho việc mở rộng và phát triển. Tuy nhiên, họ đang ‘đốt tiền’ vào các chiến dịch marketing”, ông nói. “Lợi thế của FastGo không nằm ở tiền, mà là chiến lược. Hiện tại, chúng tôi tập trung vào việc giành thị phần nhanh nhất có thể thông qua việc cung cấp dịch vụ tốt hơn”.

Ông Tuất cũng cho rằng chiến lược chính là lợi thế cạnh tranh tiềm năng của FastGo.

“Chúng tôi không thu phí chiết khấu của các tài xế”, ông nói. “Chúng tôi trả cho họ một khoản tiền nhỏ, tương ứng với lượng tiền tối thiểu họ kiếm được mỗi ngày. Các lái xe FastGo không tăng phí trong giờ cao điểm, nhưng thường yêu cầu khách cho thêm tiền boa”.

Ông Nguyễn Hữu Tuất - CEO ứng dụng đặt xe FastGo. Ảnh: ICTNews.

Grab và Go-Jek cung cấp các dịch vụ vận chuyển, trong khi đó, FastGo tập trung vào xây dựng một thị trường, một nền tảng kết nối những người lái xe và người sử dụng.

“Người lái xe có thể chọn dùng ứng dụng FastGo hoặc chuyển sang ứng dụng khác”, ông Tuất nói.

FastGo thường tìm kiếm các đối tác vùng khi "bước chân" vào các thị trường địa phương. Hiện tại, startup này đang hợp tác với nhà điều hành taxi Blue Bird nhằm ra mắt thương hiệu FastGo tại Jakarta.

Ông Tuất từ chối tiết lộ mức lợi nhuận của công ty. Ông cho rằng đó không phải là mục tiêu chính của FastGo hiện nay.

Có thể, startup “non trẻ” này sẽ cần sự giúp đỡ để cạnh tranh với những đối thủ “già dặn”.

“Để đuổi kịp những thương hiệu lớn (như Grab và Go-Jek), FastGo có thể tăng cường hợp tác với các ngân hàng, các tổ chức tài chính, qua đó, công ty này có thể cung ứng dịch vụ thanh toán di động hoặc các dịch vụ tài chính”, một người theo dõi lĩnh vực này chia sẻ với Nikkei.

Châu Anh / Nikkei
Nguồn Người đồng hành