TMĐT Việt Nam và cách Sendo đi tìm lời giải cho “bài toán” chợ Tết online

Những năm gần đây, ngành TMĐT Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh, hình thành thói quen đi chợ Tết online do tính chất nhanh, tiện lợi. Khi thị trường bán hàng truyền thống ngày càng cạnh tranh khắc nghiệt và việc đổ tiền đầu tư kênh bán hàng trực tuyến đang là một xu thế rõ rệt.

Nhưng hầu hết người dùng đều cho rằng chợ Tết truyền thống vẫn vui hơn, có không khí hơn. Ký ức về Chợ Tết trong tâm thức người Việt là những tiếng rao lanh lảnh, tiếng trả giá râm ran, tiếng xôn xao của người mua kẻ bán… Đây cũng chính là bài toán mà các sàn TMĐT hiện nay đang cần hoàn thiện, trong đó Sendo đã bắt đầu chạy “cuộc đua” này khi ra mắt chiến dịch Chợ Tết Việt cho dân mạng ngay tại thời điểm đầu năm 2019.

Trong chợ Tết truyền thống, gần như tất cả các mặt hàng đều được bày bán, nhưng nhiều nhất vẫn là các mặt hàng đặc trưng phục vụ cho Tết Nguyên Đán như giò chả, bánh chưng nấu sẵn, các loại đồ khô như măng, miến, nấm hương, mộc nhĩ… Chợ Tết truyền thống không chỉ là một nơi để mua bán thuần túy, sức hút của chợ Tết chính là không khí nhộn nhịp, đầy sức sống tỏa ra từ các sạp hàng, nơi có những tiếng rao “lanh lảnh” và những lời trả giá rôm rả.

Sendo – Một trong những trang TMĐT khá lớn và phổ biến tại Việt Nam cũng nhắm đến định hướng xây dựng phiên bản Chợ Tết Việt cho cư dân mạng nhằm bắt kịp xu hướng mua sắm Tết tiện ích của thời đại 4.0, đồng thời đi tìm lời giải cho “bài toán” mang không khí Tết truyền thống vào chợ online.

Với định hướng khác biệt, Sendo dần khẳng định mình trong cuộc đua mua sắm cuối năm, đó là thương hiệu TMĐT được tìm kiếm hàng đầu với việc “Sendo 1k” trở thành xu hướng được tìm kiếm nhiều trên thanh công cụ Google. Ngoài ra, Sendo còn là ứng dụng đứng đầu bảng xếp hạng được tải về nhiều nhất trên cả Apple App Store và Google Play Store.

Từ khi nhập cuộc, cụm từ “Chợ Tết” được thiết kế cho logo của Sendo nhằm tạo cảm giác gần gũi đối với người dùng ứng dụng. Giao diện Sendo xây dựng bằng 2 tông màu chủ đạo đỏ - vàng đặc trưng. Các họa tiết nhánh mai, cành đào, bao lì xì… cũng được chú trọng thêm thắt chỉn chu để tạo điểm nhấn và cảm giác Tết truyền thống.

Khác với giao diện ngày thường, trong những ngày đầu năm Sendo cũng thiết kế một khu “chợ Tết” riêng biệt bao gồm những mặt hàng đặc trưng ngày Tết, tạo sự “ngăn nắp” cho người tiêu dùng dễ tìm kiếm mặt hàng cần mua. Có thể thấy Sendo đã dần tập trung đầu tư nhiều hơn để cải thiện, củng cố hệ sinh thái và nền tảng công nghệ của mình.

Tương tự những phiên chợ Tết truyền thống, các mặt hàng, đặc sản phục vụ cho Tết cổ truyền được trưng bày ở những gian hàng ưu tiên trên giao diện chính của trang Sendo, từ những mặt hàng đặc trưng như giò chả, bánh mứt, lạp xưởng… đến các loại quà biếu, quần áo thời trang, vật dụng trang hoàng nhà cửa...

Để xây dựng một phiên chợ Tết “đậm đà” hơn, Sendo cũng không quên gửi gắm và truyền thông điệp “Lên Sendo, sắm gì cũng đỏ”đến khách hàng của mình. Kéo theo là hàng loạt các như chương trình khuyến mại được thiết kế như “Rung cây trúng lì xì”, mua sắm trúng vàng…

Nhờ vào sự đa dạng trong sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng dành riêng cho ngày Tết, Sendo đã bán ra 6 triệu sản phẩm trong tuần lễ Chợ Tết Việt dành cho cư dân mạng. Trong đó, có đến 3 triệu sản phẩm được bán vào ngày 18/01 với chương trình ưu đãi Tết Đỏ Sale To, góp phần tạo ra một thị trường mua sắm TMĐT nhộn nhịp vào dịp cuối năm.

Cùng thời điểm tung chiến dịch “Chợ Tết Việt cho dân mạng”, trang TMĐT này cũng ra mắt video clip hài Tết “Ăn khế trả vàng” lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích Việt Nam quen thuộc, mang tính giải trí cao, cốt truyện khá hài hước tạo cảm giác không khí Tết gần gũi.

Qua chiến dịch “Chợ Tết Việt cho dân mạng” – chiến dịch nhằm mục tiêu dung hòa giữa những tiện ích của thời đại 4.0 và không khí Tết truyền thống, lấy giá trị tinh thần của khách hàng làm cốt lõi, Sendo gần như đã có định hướng rõ ràng và đúng đắn về mặt chiến lược cạnh tranh và phát triển của mình trong cuộc đua khốc liệt này. Khi TMĐT tại Việt Nam là một “miếng bánh ngọt khổng lồ” với dự báo tăng trưởng 30-50% mỗi năm. Cùng với đó, số dân gần 100 triệu người, tỷ lệ dân số trẻ và nhu cầu mua bán trực tuyến đang tăng trưởng cao sẽ là những nền tảng trụ cột để TMĐT phát triển.

Thực tế, không chỉ riêng Sendo, các sàn TMĐT muốn thành công ở Việt Nam sẽ phải nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để tạo dựng uy tín, củng cố hệ sinh thái, từ nền tảng công nghệ, dịch vụ, khách hàng tới nhà bán hàng, thương hiệu… mở rộng mạng lưới kênh phân phối, tăng tốc độ giao hàng. Đồng thời cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, hậu cần, phương thức thanh toán, chú trọng xây dựng những giá trị cốt lõi về mặt tinh thần cho người tiêu dùng.

Cuộc chiến TMĐT sẽ vẫn còn tiếp diễn và những thương hiệu có tiềm lực kinh tế, đầu tư hoàn thiện, có hệ thống logicstic tốt, nguồn hàng phong phú…mới “hái được quả ngọt” cuối con đường. Thách thức đi cùng với cơ hội, người tiêu dùng Việt Nam vẫn sẽ dễ dàng đón nhận các sàn TMĐT từ thị trường ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn còn con đường dài phía trước để các thương hiệu trong nước khẳng định vị thế của mình. Bởi “cuộc đua” ngành TMĐT ở Việt Nam chỉ đang trong giai đoạn bắt đầu.

Nguồn PV