Chất liệu tái chế hữu cơ sẽ là tương lai của thời trang?

Không chỉ giải quyết tình trạng rác thải, chất liệu tái chế từ rác hữu cơ còn là một định hướng mới cho ngành thời trang trong tương lai.

Trong vài năm trở lại đây, vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm nhiều hơn, từ lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng và cả thời trang. Có một sự thật khá bất ngờ: thời trang là một trong số các ngành công nghiệp gây tổn hại môi trường nhiều nhất.

Nước sạch dùng để tưới những cánh đồng bông gây hại đất đai cũng như để nhuộm và tẩy vải; thuốc nhuộm gây hại cho nguồn nước; hệ sinh thái bị tổn hại do việc săn bắn động vật quý hiếm và sự xuất hiện của những nông trại động vật nuôi lấy lông… Nhận biết được những mối nguy này sẽ tác động trực tiếp lên hệ sinh thái, ngành thời trang đã bắt đầu có những động thái mới nhằm thân thiện với môi trường hơn.

Trong những năm qua, nhiều hãng thời trang nổi tiếng như Gucci, Versace đã chọn hướng đi mới: nói không với lông động vật. Một số thương hiệu khác khuyến khích người tiêu dùng hướng đến việc tái chế trang phục. Đáng hoan nghênh là việc áp dụng công nghệ vào sản xuất. Levi’s sử dụng công nghệ nhuộm, tẩy tiết kiệm nước. H&M và adidas tái chế rác thải biển thành chất liệu sản xuất.

Không chỉ rác thải nhựa ở biển mà rác thải hữu cơ từ ngành công nghiệp thực phẩm cũng là vấn đề nan giải. Rác thải hữu cơ từ trái cây phân hủy được nhưng một khối lượng lớn sẽ gây ô nhiễm không khí lẫn nguồn nước.

Trước thực trạng này, một vài ý tưởng được ngành thời trang đề ra.

Công ty Ananas Anam đã nghiên cứu và phát triển một loại vải giống hệt da được dệt từ chất xơ trong lá của trái dứa. Mỗi một mét vuông vải được làm từ 460 chiếc lá, giải quyết được một lượng lớn rác từ những cánh đồng dứa ở Philippines. Nhiều thương hiệu thời trang đã tỏ ra hứng thú với chất liệu mới này như Hugo Boss, Puma, Altiir và sử dụng nó cho một vài sản phẩm của mình. Tuy nhiên, giá của những sản phẩm này không hề rẻ so với sản phẩm tương đương làm bằng da thật.

Là một thương hiệu đồ da nổi tiếng của Ý, Salvatore Ferragamo còn là thương hiệu đầu tiên sử dụng chất liệu vải dệt từ vỏ cam của Công ty Orange Fiber. Loại sợi chiết xuất từ vỏ cam được dệt thành loại vải có tính chất không thua kém cotton hay lụa, và thậm chí còn có thể dùng làm vải dệt kim.

Salvatore Ferragamo.

Đối thủ của adidas là Nike cũng tham gia vào cuộc đua chất liệu thân thiện môi trường bằng cách tái chế da thừa. Tất cả các sản phẩm từ da đều để lại những mẩu da thừa không dễ phân hủy. Nike đã phát triển thành công công nghệ tái chế da và tạo ra chất liệu có tên là Flyleather với phẩm chất tương đương da thuộc nguyên vẹn, thậm chí còn nhẹ hơn. Bên cạnh đó, sự ra đời của Flyleather sẽ làm giảm thiểu lượng nước bị ô nhiễm trong quá trình nhuộm tẩy cũng như lượng khí thải CO2.

Có thể khẳng định đóng góp quan trọng của công nghệ với thời trang bởi đây chính là cách hiệu quả nhất để bảo vệ môi trường và định hình phong cách thời trang bền vững trong tương lai.

Hoàng Lê
Nguồn Doanh Nhân+