Google: Ngành du lịch trực tuyến Đông Nam Á sẽ đạt giá trị 78 tỷ USD vào năm 2025

Báo cáo của Google và Temasek ước tính rằng nền kinh tế trực tuyến Đông Nam Á đã đạt 72 tỷ đô la về giá trị hàng hóa tổng (GMV) trong năm 2018.

Nền kinh tế này được cấu thành bởi 4 mảng gồm: Du lịch trực tuyến, Thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến. Với mức tăng trưởng ở mức 37% so với 1 năm trước, nền kinh tế trực tuyến của khu vực này đã tăng tốc vượt xa tỷ lệ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) 32% mà 2 tổ chức này ghi nhận từ giai đoạn 2015- 2018.

Trong 4 mảng của nền kinh tế trực tuyến, du lịch trực tuyến hiện có giá trị lớn nhất và vững chắc nhất tại Đông Nam Á. Ngành kinh tế này được chia thành 3 mảng: Đặt chỗ trực tuyến cho các chuyến bay, đặt phòng khách sạn và lưu trú trực tuyến. Du lịch trực tuyến dự kiến ​​sẽ tăng thêm gần 30 tỷ USD về giá trị đặt phòng (GBV) trong năm 2018.

Với mức tăng trưởng kép CAGR 15% ổn định từ năm 2015 đến 2018, ngành này dự kiến ​​sẽ tiếp tục tăng trưởng tương tự trong tương lai gần và đạt 78 tỷ đô la vào năm 2025.

Google cũng ước tính rằng 41% trong toàn bộ đơn đặt phòng du lịch được thực hiện tại Đông Nam Á hoàn toàn thông qua trực tuyến vào năm 2018, tăng lên từ mốc 34% năm 2015. Đặt phòng du lịch tiếp tục di chuyển từ các kênh ngoại tuyến, chẳng hạn như đại lý du lịch truyền thống, trung tâm chăm sóc khách hàng và đặt phòng trực tiếp tại khách sạn sang các kênh trực tuyến được điều hành bởi các nhà đại lý du lịch trực tuyến (OTA), các hãng hàng không và chuỗi khách sạn.

Điều này được thúc đẩy chủ yếu bởi sự gia tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với người chơi như Agoda, Booking, Expedia và Traveloka, vốn là nơi cung cấp nhiều dịch vụ chuyến bay, khách sạn, cho thuê lưu trú và các dịch vụ du lịch khác.

OTA cung cấp cho khách du lịch khả năng dễ dàng so sánh và tìm kiếm các sản phẩm tốt nhất và giá cả cũng như thuận tiện để kiểm tra phòng trống và hoàn thành việc đặt phòng chỉ trong một lần. Những cải thiện quan trọng với trải nghiệm người dùng thông qua giao diện di động, ứng dụng cùng với việc điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, đã khiến đặt phòng trực tuyến tiếp cận với ngày càng nhiều người Đông Nam Á. Khi những xu hướng này tiếp tục mở ra, Google và Tamesek dự kiến tỷ lệ này sẽ lên tới 57% tổng đơn hàng đặt chỗ du vào năm 2025.

Đặt chuyến bay trực tuyến là phân khúc lớn nhất và vững chắc nhất trong du lịch trực tuyến với trị giá 18 tỷ đô la trong năm 2018 đồng thời tăng trưởng với tốc độ kép 14%. Với thực tế tất cả các hãng hàng không đều có khả năng cung cấp dịch vụ đặt vé trực tuyến thông qua trang web, ứng dụng hay đại lý trực tuyến, khách du lịch từ lâu đã thích sử dụng dịch vụ này cho các chuyến nội địa và khu vực.

Đặt phòng trực tuyến cho các khách sạn được ước tính trị giá 14 tỷ đô la trong năm 2018 và tăng trưởng kép hàng năm ở mức 18% CAGR, thậm chí cao hơn tăng trưởng tiềm năng. Nhiều khách sạn ở Đông Nam Á, đặc biệt là trong phân khúc thấp và các địa điểm đực thù vẫn nhận được phần lớn các đặt phòng qua các kênh ngoại tuyến, mặc dù chúng đã sẵn sàng ngày càng gia tăng thông qua kênh trực trong những năm tới.

Cuối cùng, với mảng cho thuê lưu trú trực tuyến đang nổi lên là phân khúc năng động nhất trong du lịch trực tuyến với giá trị 600 triệu USD đặt phòng trong năm 2018 và tăng trưởng kép 24%. Google cũng nhận định thương hiệu trực tuyến về lưu trú như Airbnb ngày càng nhận sự quan tâm của người tiêu dùng tại Đông Nam Á. Điều này dẫn tới các OTA hàng đầu cũng thích nghi và mở rộng cung cấp nguồn cùng tới từ nhà, căn hộ riêng. Mặc dù bị cản trở bởi chưa có quy định quản lý rõ ràng và niềm tin của người tiêu dùng còn mời mẻ, cho thuê lưu trú trực tuyến có tiềm năng tăng lên gần 2 tỷ đô la vào năm 2025.

Việc Airbnb phổ biến cũng kéo theo sự phát triển của những startup cùng ngành tại các nước Đông Nam Á. Đơn giản như tại Việt Nam, mới đây startup Luxstay đưa ra thông báo vừa huy động thành công 3 triệu USD từ quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures cùng một số nhà đầu tư khác. Đây là lần thứ hai CAV và Y1 Ventures rót vốn vào Luxstay sau vòng gọi vốn hồi đầu năm 2018.

Ông Dũng Nguyễn- giám đốc quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Việt Nam và Thái Lan (còn được gọi là Shark Dzung sau chương trình Shark Tank Việt Nam) cũng đánh giá kinh tế chia sẻ là xu thế phát triển không thể tránh khỏi trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, sẽ tác động đến thị trường du lịch và bất động sản.

Thảo Nguyên
Nguồn Trí thức trẻ