“Đường băng mới” cho ngành hàng không

Không chỉ được ghi nhận về kỷ lục thời gian thi công và đưa đưa vào vận hành ngắn, đây còn được đánh giá là một trong những sân bay hiện đại nhất của Việt Nam.

Việc cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Vân Đồn chính thức vận hành với nhiều kỷ lục sẽ là gợi mở và gỡ nút thắt trong thu hút đầu tư vào cảng hàng không (CHK) khi mà chỉ tính riêng vốn nâng cấp cho 16 cảng hàng không trên cả nước đã cần tới hơn 80.000 tỷ đồng.

Theo dự kiến ngày 30/12/2018, CHKQT Vân Đồn sẽ chính thức khai trương sau tròn 30 tháng thi công, với 22 hạng mục thuộc khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ) và 27 hạng mục khu mặt đất, công trình được đầu tư theo hình thức BOT.

Gợi mở hướng đi mới trong thu hút đầu tư

Trước đó, tháng 7/2018, Vân Đồn đã đón chuyến bay hiệu chuẩn đầu tiên (bay kiểm tra kỹ thuật). CHKQT Vân Đồn do Tập đoàn SunGroup đầu tư theo hình thức BOT với số vốn khoảng 7.700 tỷ đồng. Đây là sân bay quốc tế đầu tiên do tư nhân đầu tư trên cả nước. Là sân bay cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, CHKQT Vân Đồn có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới. Sân bay có công suất nhà ga giai đoạn 1 là

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thiết kế mái vòm được lấy cảm hứng từ hình ảnh cánh buồm, biểu tượng của tỉnh Quảng Ninh.

Không chỉ được ghi nhận về kỷ lục thời gian thi công và đưa đưa vào vận hành ngắn, đây còn được đánh giá là một trong những sân bay hiện đại nhất của Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Thế Du, Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam, ngành hàng không đã tăng trưởng cao trong thời gian qua, nguyên nhân là nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào ngành hàng không. Trong khi đó ngành hàng không có nhu cầu đầu tư ngày càng cao, đến 2020 cần khoảng 84.000 tỷ, đến 2030 cần 270.000 tỷ đồng.

Trong một buổi thị sát sân bay Vân Đồn gần đây, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã nhận xét, dự án này đánh dấu thành công trong đổi mới, sử dụng linh hoạt các nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Bởi vậy, có thể nói, thành công của Quảng Ninh trong việc triển khai dự án CHKQT Vân Đồn là một gợi mở hướng đi mới và hiệu quả.

Chia lại thị phần

Thực tế Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng nhìn hiệu quả từ “bài toán” CHKQT Vân Đồn. Chỉ đạo về phương án huy động vốn và lộ trình đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ GTVT xây dựng các phương án huy động vốn để đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong đó nhấn manh ưu tiên phương án huy động vốn nguồn vốn xã hội cho đầu tư.

Theo Quyết định 236/QĐ-TTg được Thủ tướng phê duyệt ngày 23/2/2018, đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế là các cửa ngõ quốc tế trọng điểm.

Trước đây, các dự án CHK được Tcty Cảng hàng không VN (ACV) trực tiếp đầu tư nhưng hiện nay, nhiều nhà đầu tư cũng xem việc đầu tư vào CHK là lĩnh vực giầu tiềm năng. Mới đây, Vietjet đã gửi báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo CHK Điện Biên Phủ cho UBND tỉnh Điện Biên và Bộ GTVT. Tuy nhiên, Vietjet đang phải cạnh tranh khi mà ACV cũng đã trình Bộ GTVT kế hoạch đầu tư nâng cấp CHK Điện Biên giai đoạn 2018-2021.

Trước đó, Vietjet cũng là một trong những cổ đông chính của Công ty CP Nhà ga quốc tế Cam Ranh (CRTC) - chủ đầu tư dự án nhà ga quốc tế Cam Ranh mới được khánh thành và đưa vào khai thác hồi tháng 6/2018 vừa qua.

Nhu cầu nguồn vốn đầu tư nâng cấp, mở rộng và xây mới CHK trên cả nước hiện rất lớn. ACV vừa trình Bộ GTVT kế hoạch đầu tư phát triển hàng loạt dự án hạ tầng hàng không giai đoạn 2018 - 2021 và định hướng năm 2025. Theo đó, riêng vốn nâng cấp cho 16 CHK trên cả nước đã lên tới hơn 80.000 tỷ đồng.

Theo Quyết định 236/QĐ-TTg được Thủ tướng phê duyệt ngày 23/2/2018, đến năm 2030, Việt Nam sẽ khai thác tổng cộng 28 sân bay gồm 15 sân bay quốc nội và 13 sân bay quốc tế là các cửa ngõ quốc tế trọng điểm. Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao của ngành hàng không, Quyết định 236 đã đưa ra các định hướng quy hoạch phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, với những thành công ban đầu từ các dự án CHK của nhà đầu tư tư nhân. Những "đường băng mới" để ngành hàng không cất cánh dường như đang rộng mở.

TS Cao Duy Tiến, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng:

Bài học về kinh tế tư nhân

Dự án sân bay Vân Đồn cho thấy, chủ đầu tư tư nhân không chỉ “làm nhanh” mà còn “không làm tăng giá công trình”. Đây là công trình có quy mô rất lớn nhưng thời gian thi công dự án lại chỉ mất hai năm rưỡi.

Cần phát huy vai trò của kinh tế tư nhân. Tư nhân họ có kinh nghiệm về đầu tư, về thu hồi vốn, họ biết cách để làm sao hiệu quả nhất, họ cũng sẵn sàng chấp nhận mức độ rủi ro. Đây sẽ là mô hình đầu tư của tương lai. Bởi các động thái của Chính phủ cũng cho thấy nhà nước đang thoái vốn ở các tập đoàn lớn, cổ phần hóa, tích cực hỗ trợ cho khối doanh nghiệp tư nhân.

Bà Romy Berntsen - Quản lý dự án Công ty Tư vấn Thiết kế & Quy hoạch Cảng hàng không Hà Lan NACO:

Bầu trời Vân Đồn sẽ là "Cửa ngõ" của Quảng Ninh

Sân bay này sẽ tạo nên những ấn tượng ban đầu rất tốt đẹp cho bất cứ du khách nào đến với tỉnh Quảng Ninh qua đường hàng không. Đây cũng là một trong những sân bay hiện đại nhất Việt Nam, hứa hẹn sẽ tạo nên những trải nghiệm tích cực cho hành khách.

Chủ đầu tư Sun Group vốn có sẵn thế mạnh trong việc xây dựng, phát triển và khai thác các hệ thống vui chơi nghỉ dưỡng và khách sạn cao cấp. Chính vì vậy, họ biết cách để đặt trải nghiệm và dịch vụ dành cho hành khách lên ưu tiên hàng đầu và đó cũng là những gì họ đang cố gắng thực hiện tại sân bay Vân Đồn. Sân bay Vân Đồn cũng có thể mở rộng trong tương lai.

Phan Nam
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp