[Nhật ký sáng tạo] In the mood for…

Mỗi nhãn hàng đều có một cá tính khác nhau, kéo theo đó một vùng từ vựng cho riêng mình. Copywriter vì vậy luôn phải đắn đo đi, cân nhắc lại trong việc chọn lựa cách hành văn, ngôn từ phù hợp. Người tiêu dùng nhìn thì không chỉ rõ ra được nhưng họ cảm được ngay có gì đó… kì kì nếu bạn viết sai tinh thần của nhãn hàng.

Vậy nên dù làm copy hay art thì người sáng tạo cần phải biết đưa mình vào đúng cảm xúc, tâm trạng cần thiết, khi đó mới đẩy ra đúng ý, đúng từ. Có ngàn lẻ một cách nhưng trang nhật kí này chỉ đi vào việc đọc sách, cách yêu thích của TYM. Đọc đúng sách, chẳng những được đưa vào đúng tâm trạng mình cần mà đôi khi còn ăn… à không, học hỏi được vài chữ bỏ vào copy.

- Mỗi khi viết cho bia, TYM thường giở lại “Đại gia Gatsby” (F. Scott Fitzgerald) để được đưa vào không gian của những yến tiệc sang trọng, của những con người thượng lưu.

- Đụng đến rượu thì lật lại “Vạn tuế đàn ông” của Đồ Bì, xem để thấy thế nào là “tuý luý càn khôn”. Đọc kĩ mươi lần mới ngộ ra khi nào thì đi uống bia, lúc nào nên mượn rượu giải sầu, nhầm qua lại dễ mất hứng lắm!

- Một thời lăn lê bò toài với nhãn hàng cho thiếu nhi thì cứ “Tốt-Tô Chan, cô bé bên cửa sổ” (Tetsuko Kuroyanagi), “Chú mèo dạy hải âu bay” (Luis Sepúlveda) hay “Con voi của nhà ảo thuật” (Kate DiCamillo). Khép trang sách là thấy mình đã được về với vùng trời thơ bé, ngồi gõ chữ bỗng thấy mình nhí nhảnh lạ.

- Cho đối tượng teen, thích phiêu lưu đú đởn, nổi loạn thì không gì bằng “Sáu người đi khắp thế gian” (James Albert Michener), “Bắt trẻ đồng xanh” (J. D. Salinger), “Cuộc sống không ở đây” (Milan Kundera). Đọc xong đôi lúc muốn bỏ quảng cáo, vác tay nải đi bụi cho khuây khoả đời trai, để thấy thế giới này không chỉ có idea.


Đó chỉ là bước đầu tiên, người làm chữ còn phải học thật kĩ về nhãn hàng, xem đi xem lại các Ad đã làm từ xưa đến nay, lăn lê bò toài sửa lên sửa xuống cùng với comment từ khách hàng thì mới hoàn thành được sứ mệnh. Cùng là bia nhưng cái ngạo của Tiger sẽ khác với cái ngạo của “HaiChaiKen” nên ngôn từ, tứ văn theo đó cũng giống mà rất khác. Người nào ôm nhãn hàng lâu năm thì thấy dễ, người mới vào hay phong cách viết chưa phù hợp là phải bơi lắm mới bắt kịp, viết đúng cái đã, rồi chuyện viết hay tính sau.

Mần quảng cáo sướng nhỉ, thưởng thức văn học cũng là trau dồi cho nghề nghiệp, làm cũng như chơi, chỉ có điều sau khi đọc xong mà viết vẫn không ra gì thì bị khách hàng chửi vô mặt, đồng nghiệp khinh bỉ, vậy thui.

Nguồn Tôi Yêu Marketing