Kỳ vọng tour du lịch thể thao

Một trong những tour du lịch nổi bật của năm nay là tour đi cổ vũ bóng đá, đặc biệt là cổ vũ đội tuyển Việt Nam thi đấu ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu ngành thể thao hợp tác với du lịch và có kế hoạch sớm thì các sự kiện thể thao trong nước cũng có thể thu hút được du khách quốc tế.

Bóng đá thắng, lữ hành cũng thắng

Một ngày trước khi trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam và Malaysia diễn ra trên sân vận động Bukit Jalil, điện thoại của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, “cháy máy”. Khách hàng, người quen không ngừng liên hệ trực tiếp với người đứng đầu công ty này để hỏi mua những chiếc vé, những tour cuối cùng đi cổ vũ đội tuyển tại Malaysia.

Vietravel là công ty lữ hành hiếm hoi trên thị trường có trong tay hơn 1.000 vé xem trận đấu đặc biệt này. Công ty cũng đã chuẩn bị chỗ trên ba chuyến Airbus 321 và một chuyến A350 nhưng vẫn không đủ phục vụ. “Đây là trận mà chúng tôi bán tour nhiều nhất”, ông nói.

Ở những công ty khác, tình hình cũng sôi động không kém. Chẳng hạn, tối 6-12, ngay khi trận đấu giành quyền vào chung kết giữa tuyển Việt Nam và Philippines đang diễn ra trên sân Mỹ Đình thì nhiều người đã liên hệ với Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist để mua tour đi xem trận chung kết. Gần trưa hôm sau, 100 chỗ chuẩn bị đầu tiên hết sạch. Sau đó, 400 chỗ đưa thêm cũng nhanh chóng bán hết.

Nhu cầu tăng cao khiến nhiều công ty khác nhanh chóng nhập cuộc nhưng số tour cung ứng trên thị trường vẫn không đủ do khó mua vé vào sân.

Cổ động viên Việt Nam tại giải AFF Cup 2018. Ảnh: Vietravel cung cấp.

Câu chuyện bán tour đi xem trận chung kết lượt đi của AFF Cup 2018 vừa rồi đã cho thấy phần nào sự sôi động của thị trường này. Từ lâu, nhiều công ty đã tổ chức những tour liên quan đến thể thao như cổ vũ bóng đá, du lịch kết hợp xem các trận đấu ở World Cup, xem thi đấu tennis ở giải Grand Slam, coi đua xe ở cuộc đua nổi tiếng F1... nhưng thị trường chỉ mới sôi động trong vài năm gần đây.

Trong đó, không môn thể thao nào qua nổi bóng đá về độ thu hút khách và không có đội tuyển nào kéo được khách mua tour cổ vũ nhiều bằng đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam. Từ dạo đội tuyển bóng đá nam thi đấu tốt trong các giải U23 châu Á, ASIAD 2018 và AFF Cup 2018 trong năm nay thì tour cổ vũ bóng đá lại càng nhộn nhịp.

Cứ mỗi khi đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu ở các giải lớn là doanh nghiệp lữ hành lại chuẩn bị dịch vụ. Có người còn đùa rằng, nhân viên điều hành tour đang trở thành chuyên gia dự đoán các trận đấu. Cứ mỗi khi giải bắt đầu là phải dự đoán đội tuyển có thể sẽ đi đến vòng nào, đá ở đâu để chuẩn bị trước dịch vụ. Thêm vào đó, người điều hành tour cũng phải xoay chuyển nhanh nhất thì mới có cơ hội gom được nhiều vé vào sân để giành lợi thế trên thị trường.

“Tối 5-12, khi cầu thủ Thái Lan sút hỏng penalty để thua Malaysia trong trận bán kết là chúng tôi xoay liền dịch vụ qua Malaysia, không chờ đến trận Việt Nam gặp Philippines vào hôm sau”, một doanh nhân nói.

Ông Kỳ của Vietravel cũng nhận định, dòng sản phẩm này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhờ nhiều điều kiện thuận lợi về hàng không, thị thực nhập cảnh, thu nhập của người dân cùng độ lan truyền trên mạng xã hội. Nếu như lần đầu tiên làm tour đi cổ vũ ở Chiang Mai Tiger Cup 1995, công ty phải mất cả tháng chuẩn bị để đón có 40 khách thì nay quá trình chuẩn bị chỉ tính bằng giờ, bằng ngày. Chẳng hạn, tối 23-1, khi đội tuyển bóng đá U-23 Việt Nam thắng U-23 Qatar để giành quyền vào trận chung kết U23 châu Á thì công ty đã cùng đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Trung Quốc làm việc đến khuya để lo thủ tục thị thực nhanh cho khách. Máy bay cũng được thuê ngay sau đó để chào tour đi Thường Châu.

Doanh nghiệp làm tour đến các sự kiện thể thao ở nước ngoài dễ hơn so với chiều ngược lại vì thông tin được đưa ra chi tiết từ rất sớm.

“Càng tốn nhiều thời gian chuẩn bị thì cơ hội bán càng mất đi. Chúng tôi có sẵn công thức thực hiện từng giai đoạn nên cứ có giải đấu là bắt tay vào làm ngay”, ông nói.

Kỳ vọng thể thao bắt tay du lịch

Trao đổi với phóng viên về khả năng thu hút khách du lịch đến Việt Nam qua các giải thi đấu thể thao, tương tự như việc làm tour cho người Việt ra nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho rằng tuy khó nhưng có thể làm được nếu ngành thể thao cùng du lịch hợp tác và có kế hoạch sớm.

Theo đó, những tour cổ vũ đội tuyển Việt Nam gần đây thu hút nhiều khách và doanh nghiệp có thể trở tay nhanh để làm tour là nhờ sức hấp dẫn quá lớn của môn thể thao vua, nhờ địa điểm tổ chức gần, điều kiện đi lại, nhập cảnh dễ dàng và giá vé rẻ. Tuy nhiên, với các môn thể thao khác thì không thể đưa ra tour nhanh, thu hút khách nhanh và thuận lợi được như thế này, mà cần thời gian cùng sự chuẩn bị bài bản, quy mô hơn.

Trong các sự kiện thể thao sắp tới, giải đua Công thức 1 (F1) sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2020 được nhiều doanh nghiệp lữ hành đánh giá có sức hấp dẫn lớn với du khách nước ngoài. Tại hội chợ du lịch quốc tế WTM diễn ra ở Anh vào tháng trước, nhiều đối tác rất quan tâm đến sự kiện này và cho rằng sẽ tạo nên được điểm nhấn để quảng bá và chào bán tour đến Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa có thông tin chi tiết về giải đấu, về số chỗ, giá vé... nên chưa thể làm tour chào hàng.

“Giải đấu này có thể là điểm nhấn trong tiếp thị điểm đến và có thể tạo sản phẩm mới cho du khách. Tuy nhiên, cho đến giờ này chúng tôi vẫn chưa có thông tin chi tiết để quảng bá và làm sản phẩm”, ông Phạm Hà, CEO của Luxury Travel, nói và cho biết cần phải bán sản phẩm trước một năm thì mới có cơ hội thu hút khách.

Ông Kỳ cũng có nhận định tương tự, cho rằng ngày càng có nhiều sự kiện thể thao hấp dẫn được tổ chức trong nước nhưng chưa có sự hợp tác giữa ngành thể thao và du lịch để thu hút khách quốc tế. Thực tế, doanh nghiệp làm tour đến các sự kiện thể thao ở nước ngoài dễ hơn so với chiều ngược lại vì thông tin được đưa ra chi tiết từ rất sớm. Chẳng hạn, cũng là giải F1 nhưng thông qua cơ quan xúc tiến du lịch, phía Singapore gửi thông tin đến các công ty lữ hành ở Việt Nam trước một năm. Toàn bộ sự kiện thể thao - du lịch ở Úc như giải tennis, bóng bầu dục, đua ngựa... cũng được giới thiệu từ rất sớm; hay như Olympic Tokyo cũng đã gửi những thông tin ban đầu đến với lữ hành để doanh nghiệp có thể hình dung được là có thể đưa khách xem trận nào, tham quan những gì.

Khách mua tour sang Malaysia xem đá bóng tại một công ty lữ hành ở TP.HCM. Ảnh: Tuổi Trẻ.

“Ngay cả giải marathon ở TPHCM nếu hợp tác chặt chẽ với lữ hành thì cũng có thể kéo khách từ bên ngoài. Đơn vị tổ chức thường chỉ nghĩ đến việc xây dựng đường đua, tổ chức giải như thế nào mà chưa nghĩ đến chuyện hợp tác để đưa khách đến”, ông nói và cho biết dù muốn đưa ra sản phẩm liên quan đến giải F1 để chào hàng với đối tác tại kỳ hội chợ du lịch quốc tế vào tháng 3-2019 nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào về giải đấu.

Cũng theo ông, doanh nghiệp lữ hành thiếu thông tin và thiếu sự hợp tác từ phía thể thao là nguyên nhân chính khiến loại sản phẩm này không bán được tại thị trường quốc tế. “Ngay cả sự kiện lớn là SEA Games được tổ chức tại Việt Nam thì cũng chưa bán được các sản phẩm này. Theo tôi, đây là điều cần phải rút kinh nghiệm ngay để có thể tận dụng những sự kiện lớn như giải đua F1, SEA Games trong việc thu hút du khách nước ngoài”, ông nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng, với các môn thể thao khác, rất khó để làm những sản phẩm tương tự như loại tour cổ vũ bóng đá mà doanh nghiệp lữ hành bán cho du khách trong nước. Tuy nhiên, nếu phía thể thao và du lịch hợp tác tốt thì có thể nhân các sự kiện thể thao để quảng bá mạnh mẽ cho hình ảnh chung của điểm đến.

“Chỉ có bóng đá với sự cổ vũ cuồng nhiệt của cổ động viên thì lữ hành mới có điều kiện thuận lợi để làm các loại tour như thế này, còn những môn thể thao khác thì khó kéo lượng khách lớn từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, cơ hội quảng bá điểm đến từ các sự kiện này là không nhỏ”, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist, nói.

Theo bà, tại Việt Nam, ngay cả những sự kiện thể thao lớn như SEA Games, công ty vẫn chưa tổ chức được loại tour cổ vũ thể thao thực sự như tour cổ vũ bóng đá vừa chào bán.

Đào Loan
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn