Nielsen: Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD

Theo dự báo của đơn vị đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, với sự tăng trưởng lên tới 22%/năm, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt mức 10 tỷ USD đến cuối năm 2020.

Ngày 18/12, tại hội thảo Chiến lược marketing về kênh phân phối trong lĩnh vực làm đẹp, bà Huỳnh Bích Trân, Phó giám đốc khối dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam đã cung cấp những số liệu liên quan đến lượng người dùng thương mại điện tử để mua sắm.

Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, 60% người mua sắm trực tuyến từ nữ và 40% mua sắm online từ nam. Độ tuổi mua sắm online từ 25-29 tuổi chiếm 55%. Đa số người mua online đều là người độc thân, 55% đối tượng khách hàng là nhân viên văn phòng sử dụng dịch vụ mua sắm online. Hiện, 35,8 triệu người sử dụng kết nối internet, con số tăng hàng năm là 11%.

Những người mà họ đi mua sắm không còn là đường thẳng tuyến tính. Nghĩa là ngày xưa, khi người ta có nhu cầu mua sắm thì họ tìm hiểu thông tin trên internet, sau đó ra cửa hàng mua. Và cuối cùng là xem phản hồi như thế nào để phản hồi lại với shop. Tuy nhiên hiện nay là một đường rất ngoằn ngoèo, có nhiều nguồn tìm hiểu thông để so sánh giá, so sánh chất lượng sản phẩm. Kể cả khi hàng đã mua về rồi nhưng họ vẫn có thể phản hồi online.

60% người mua sắm trực tuyến từ nữ và 40% mua sắm online từ nam.

Chính phủ đang nhiều hỗ trợ cho việc phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam. Cụ thể là chính phủ đang muốn cải thiện tốt hơn về logistic, dịch vụ vận chuyển tốt hơn nữa vào năm 2025. Với sự tăng trưởng lên tới 22%/năm, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt mức 10 tỷ USD đến cuối năm 2020.

“Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn còn tâm lý sợ mua hàng online vì lo ngại hàng giả, sản phẩm không giống như mong muốn khi nhận được hàng, hoặc là họ muốn nhìn thấy sản phẩm đó khi mà họ được chạm, được thử sản phẩm… Đây chính là những rào cản của thương mại điện tử Việt Nam. Tương lai thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn có nhưng không phát triển đều đặn. Do đó doanh nghiệp cần biết người tiêu dùng có sẵn sàng mua sắm nhiều hay chưa để có chiến lược đầu tư cho phù hợp” – bà Trân nhìn nhận.

Vị chuyên gia của Nielsen cũng cho biết thêm, rất ít người mua hàng mà không dùng tiền mặt. Cụ thể, có đến 76% người tiêu dùng mua hàng online khi nhận được hàng đều trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, con số này được dự đoán trong tương lai sẽ giảm xuống từ 76% xuống còn 66%. Vậy phương thức nào sẽ tăng lên? Đó là việc sử dụng những thẻ thanh toán ghi nợ hoặc thẻ tín dụng tăng từ 29% lên 36%; sử dụng việc chuyển tiền để mua hàng cũng tăng từ 30%-33%.

76% người tiêu dùng mua hàng online khi nhận được hàng đều trả bằng tiền mặt. Tuy nhiên, con số này được dự đoán trong tương lai sẽ giảm xuống từ 76% xuống còn 66%.

Để trả lời câu hỏi, liệu rằng kênh bán lẻ offline vẫn đóng vai trò quyết định trong phân phối? Ông Bart Verheyen, Giám đốc thương mại MEDiCARE cho rằng, không nên bỏ qua kênh mua sắm ngoại tuyến (offline), nhất là đối với ngành hàng sức khỏe và làm đẹp. Lý do ông Bart đưa ra là vì mua bán ngoại tuyến có những ưu điểm, lợi thế mà mua bán trực tuyến (online) không có được.

“Đơn cử như việc trải nghiệm mua sắm của khách hàng chỉ có ở những cửa hàng offline; khách hàng có thể nhìn, sờ, thử sản phẩm; mua hàng offline được tư vấn có hệ thống hơn; phản hồi thông tin được ghi nhận cũng nhanh hơn… Do đó, tùy từng sản phẩm mà người kinh doanh có thể dùng kênh bán hàng online, offline hoặc cả 2. Nhưng dù có bán ở kênh nào đi chăng nữa, thì cùng đừng bỏ qua kênh offline” – ông Bart nhấn mạnh.

Uyên Phương
Nguồn Tiền Phong