7-Eleven bước vào cuộc đua cửa hàng không nhân viên

Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đang thử nghiệm khái niệm cửa hàng mới tại Nhật Bản: cửa hàng không nhân viên nhằm cạnh tranh với sự lấn sân của gã khổng lồ công nghệ Amazon trong lĩnh vực bán lẻ tại các cửa hàng thực.

Theo tờ Nikkei Asian Review, các cửa hàng không nhân viên sẽ trở thành một phần trong hệ thống cửa hàng tiện lợi hiện tại của 7-Eleven

Đây là một tin tốt cho 7-Eleven tại Nhật Bản bởi quốc gia này đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân lực. Tại Mỹ, nếu sớm được áp dụng, loại hình cửa hàng không nhân viên tính tiền cũng sẽ giúp 7-Eleven giải quyết bài toán nan giải về mức lương tối thiểu ngày một tăng.

Nhưng đây sẽ là một tin buồn với những người mưu sinh bằng nghề bán hàng trong các cửa hàng tiện lợi. Kế sinh nhai của họ đang bị đe dọa bởi các quầy tự tính tiền mọc lên trong các chuỗi cửa hàng tiện lợi trên khắp thế giới.

Chương trình thử nghiệm của 7-Eleven diễn ra ngay sau khi Amazon cho ra mắt các cửa hàng tiện lợi không nhân viên Amazon Go. Động thái của Amazon đã gây xáo động trong ngành bán lẻ cửa hàng truyền thống.

Ứng dụng công nghệ và cắt giảm nhân sự chính là hướng rẽ hợp lý nhất hiện tại để 7-Eleven có thể tiếp tục tồn tại trên đường đua bán lẻ cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Getty Images.

Tại Amazon Go, nhân viên sẽ không túc trực tại các quầy tính tiền. Đội ngũ này được thay thế bởi công nghệ quản lý việc ra vào và mua sắm của khách hàng. Cụ thể, mỗi cửa hàng sẽ được trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt để nhận biết khách hàng mỗi lần họ ra vào. Khi mua hàng, người mua chỉ việc lấy sản phẩm trên kệ và bước ra ngoài. Công nghệ sẽ cho phép Amazon thanh toán sản phẩm tự động và tính phí trên tài khoản Amazon của khách hàng. Người mua nay không cần tốn thời gian xếp hàng hay chờ đợi để được thanh toán nữa.

Loại hình cửa hàng nói trên đã biến Amazon Go thành đối thủ đáng gờm đối với 7-Eleven. Cửa hàng tiện lợi nay không chỉ tiện mà còn trở nên nhanh chóng không ngờ. Chưa kể Amazon Go có thể giúp tiết kiệm chi phí thuê, quản lý và theo dõi nhân viên. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong một kỉ nguyên luật lao động ngày một siết chặt và mức lương tối thiểu ngày một gia tăng.

Ngoài ra Amazon Go còn nhận được sự trợ lực của Whole Foods, chuỗi cửa hàng thực phẩm đã được Amazon mua lại trong thời gian gần đây. Whole Foods có thể chuẩn bị thức ăn, và Amazon Go sẽ lo khâu phân phối. Điều này không khác nào chắp cánh cho một con hổ đang thời kì sung sức.

Một nhân tố cuối giúp các cửa hàng Amazon Go trở nên đặc biệt cuốn hút trong mắt khách hàng, nhất là khách hàng trẻ, là tính chất mới mẻ và "tiếng thơm" là tinh hoa của công nghệ hiện đại.

Cửa hàng không nhân viên thu ngân đã biến Amazon Go thành đối thủ đáng gờm đối với 7-Eleven. Ảnh: Nick Statt / The Verge.

Sự lấn sân của Amazon đã tạo nên không ít áp lực lên biện lợi nhuận vốn đã eo hẹp của 7-Eleven. Chính vì vậy, ứng dụng công nghệ và cắt giảm nhân sự chính là hướng rẽ hợp lí nhất trong hiện tại để 7-Eleven có thể tiếp tục tồn tại trên đường đua bán lẻ cửa hàng tiện lợi.

Tình trạng cắt giảm nhân lực bằng công nghệ không chỉ diễn ra tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi như Amazon Go hay 7-Eleven. Chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh McDonald's và Panera Bread cũng đã bắt đầu sử dụng các máy nhận đơn hàng tự động để thay thế cho quầy ghi đơn của nhân viên. Các tập đoàn bán lẻ như Target, Home Depot và Lowe's cũng đang bắt đầu áp dụng các quầy tự check-out tại cửa hàng của mình.

Đây là một xu hướng tất yếu. Tất cả các doanh nghiệp nói trên đều đang tất bật chuẩn bị cho một tương lai u ám trên thị trường lao động, nơi mức lương tối thiểu vẫn đang tiếp tục leo thang và chưa có dấu hiệu sẽ đi xuống.

Panos Mourdoukoutas
Nguồn Forbes Vietnam