“Cửa bay” cho các hãng hàng không ngày càng hẹp?

"Bí" hạ tầng khiến "cửa bay" của các hãng hàng không mới ngày càng hẹp dần.

Việt Nam đang dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không hằng năm trong 5 năm qua với 28,9%, gấp hơn 2 lần nước thứ hai là Trung Quốc. Lượng khách đến cùng kỳ cũng tăng nhanh nhất khu vực. Tuy nhiên, thị trường hiện chỉ có 5 hãng bay hoạt động, bao gồm một hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific Airlines, VASCO và Bamboo Airways.

Hãng hàng không mới gặp khó

Trong văn bản mới nhất gửi Bộ GTVT về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT xem xét kiến nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Vietstar, giải quyết theo thẩm quyền, đúng quy định pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, tại Công văn số 309/TB - VPCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững, việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy phép kinh doanh vào lĩnh vực hàng không cần được xem xét một cách thận trọng và đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tuyệt đối an toàn và an ninh hàng không trong mọi tình huống.

Đến nay, việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines phải chờ đến khi hoàn thành mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Trước đó, tại Văn bản số 494/TTg - CN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng phương án điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Như vậy, dù nộp đơn xin cấp phép bay vào tháng 12-2017 nhưng đến nay, việc cấp Giấy phép vận chuyển hàng không cho Vietstar Airlines phải chờ đến khi hoàn thành mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường cho rằng, theo quy định mới, việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo Nghị định 92 của Chính phủ về kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không chỉ được xem xét sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hàng không, tương tự như trường hợp của Bamboo Airways vừa qua.

Trong khi đó, tại Văn bản số 10902/VPCP-CN ngày 9-11-2018, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ GTVT xây dựng các phương án huy động vốn để mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong đó ưu tiên phương án huy động vốn xã hội cho đầu tư và làm rõ thuận lợi, khó khăn của từng phương án.

Bộ GTVT đề xuất lựa chọn phương án tối ưu và hiệu quả nhất để có thể đa hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ và nhà ga hành khách T3 vào khai thác trong năm 2020.

Việt Nam đang dẫn đầu châu Á về tỷ lệ tăng trưởng khách hàng không hằng năm trong 5 năm qua với 28,9%, gấp hơn 2 lần nước thứ hai là Trung Quốc.

Được biết trước đó, vào năm 2017, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch tập đoàn Thiên Minh đã nói về kế hoạch cất cánh đầu năm 2018 của hãng hàng không liên doanh với AirAsia mà ông dự kiến sẽ làm CEO. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, những thông tin về cấp phép bay hay kế hoạch bay của hãng hàng không này chưa xuất hiện trong khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là kết thúc năm 2018.

AirAsia, hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng của Malaysia đã 3 lần thất bại khi muốn đặt chân trực tiếp vào thị trường Việt Nam. Lần hợp tác với ông Trần Trọng Kiên là lần thứ 4. Thành công, giả sử có đến, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra sau năm 2018.

Công ty TNHH Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways, công ty con của Tập đoàn FLC, cũng đặt mục tiêu bay trong năm 2018. Bamboo Airways có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, dự kiến là hãng bay lai, tức nằm giữa hàng không truyền thống và giá rẻ.

Sau rất nhiều "trầy trật", ngày 12/11, Bamboo Airways mới chính thức được Bộ GTVT cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không.

Vẫn phải....chờ

Mới đây, Bộ GTVT vừa chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) nghiên cứu, xây dựng các phương án huy động vốn, lộ trình đầu tư Nhà ga hành khách T3 và các công trình đồng bộ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Thời gian ACV phải hoàn thành nhiệm vụ này là cuối tháng 11/2018.

Theo Bộ GTVT, nếu thực hiện xã hội hóa đầu tư, bộ này sẽ phải tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) mất khoảng 1,5 - 2 năm.

Kinh doanh vận chuyển hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc thù.

Do đó, việc nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm khó có thể hoàn thành vào năm 2022, trong khi áp lực quá tải tới cửa ngõ hàng không lớn nhất nước đang rất căng thẳng.

Dù đến hiện tại, ACV vẫn chưa được “chốt” là doanh nghiệp sẽ tham gia vào dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Tân Sơn Nhất và một số công trình khác với tổng mức đầu tư khoảng 25.000 tỷ đồng, song nếu được giao là nhà đầu tư thì tiến độ cũng khó có thể đẩy nhanh.

Theo trình tự, trong trường hợp ACV được giao làm nhà đầu tư, với các bước thủ tục được tiến hành thuận lợi, nhanh chóng thì cũng phải đến năm 2022 mới hoàn thành xây dựng nhà ga hành khách T3 với công suất 20 triệu khách/năm.

Khi đó, Vietstar Airlines mới có thể được cất cánh, và như vậy, đồng nghĩa Vietstar sẽ phải mất 4 năm nữa chờ đợi để hiện thực hóa giấc mơ bay.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, kinh doanh vận chuyển hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, đặc thù, đòi hỏi các hãng hàng không phải thực sự có năng lực về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý vận hành, khai thác đội tàu bay. Trong lĩnh vực này không có chỗ cho những sai sót, đặc biệt liên quan đến an toàn.

Nha Trang
Nguồn Diễn đàn Doanh nghiệp