Rục rịch phát triển du lịch thông minh

Nhiều địa phương trên cả nước xem du lịch thông minh là xu hướng mới phải bắt kịp và đang thực hiện các kế hoạch để không bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra cho thấy mọi việc chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu.

Một điểm mới trong nhiều hội nghị du lịch diễn ra ở TPHCM trong thời gian gần đây là các đại biểu không được phát tài liệu giấy hoặc gửi tài liệu qua thư điện tử (e-mail) như trước đây. Những đại biểu muốn có tài liệu, thông tin đầy đủ liên quan đến các chủ đề của cuộc họp để tham khảo chỉ cần dùng điện thoại thông minh của mình quét mã phản hồi nhanh QR (Quick Response) ở trước cửa phòng họp là có được những thứ họ muốn.

Ứng dụng quét mã QR để cung cấp tài liệu cho các cuộc hội họp là một phần trong chương trình phát triển du lịch thông minh mà Sở Du lịch TPHCM đang thực hiện.

Dùng công nghệ để chiều du khách

Chương trình phát triển du lịch thông minh của Sở Du lịch TPHCM cũng bao gồm phần đầu tư bài bản và dài hơi cho các ứng dụng công nghệ nhằm phục vụ khách du lịch được tốt hơn. Trong thời gian qua, cơ quan này đã triển khai phần mềm ứng dụng bằng tiếng Anh và tiếng Việt chạy trên hai hệ điều hành iOS và Android với mục đích hỗ trợ du khách tìm kiếm tất cả những thông tin về các điểm đến, tour du lịch gợi ý, nhà hàng, khách sạn, phương tiện giao thông... Ứng dụng này cũng cho phép du khách kiểm tra quỹ phòng khách sạn còn trống tại thành phố và có thể thực hiện việc đặt phòng nhanh nhờ chức năng “quick booking”, nhờ ứng cứu khi gặp sự cố hoặc để lại những nhận xét về các chuyến đi của mình đến trung tâm du lịch lớn nhất cả nước này. Chức năng “du lịch ảo” cũng cung cấp cho khách có những gợi ý về các điểm tham quan gần chỗ họ đang ở.

Sở Du lịch TPHCM đang triển khai phần mềm ứng dụng bằng tiếng Anh và tiếng Việt để hỗ trợ du khách tìm được những thông tin họ cần. Ảnh: Đào Loan.

Sở Du lịch TPHCM thông tin vào cuối tháng 10-2018 rằng mọi sự chuẩn bị đang được tiến hành cho việc triển khai thí điểm một kế hoạch cho phép du khách quét mã QR để có những thông tin cần thiết về các điểm du lịch nổi tiếng như Bưu điện TPHCM, Nhà hát Thành phố, chợ Bến Thành… Mỗi nơi sẽ có một mã QR riêng và du khách đến những nơi này chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể tìm được tất cả thông tin, hình ảnh và đoạn phim ngắn giới thiệu (video clip) những điều họ muốn biết. Dự kiến, đến hết năm 2018, cơ quan này sẽ thí điểm thực hiện quét mã QR cho 20 điểm tham quan tại thành phố, chủ yếu là những điểm không thu phí, và sẽ đánh giá kết quả để xin phép lãnh đạo thành phố cho phép áp dụng ứng dụng này với tất cả các điểm tham quan ở địa phương này.

Cùng với TPHCM, nhiều địa phương khác và cả cơ quan quản lý du lịch trung ương đều cho rằng du lịch thông minh sẽ là một giai đoạn phát triển tiếp theo và ngành du lịch cần phải tham gia nhanh chóng vào làn sóng này nếu không sẽ bị tụt hậu. Hiện tại, nhiều địa phương như Lâm Đồng, Phú Quốc, Lào Cai... đã và đang triển khai các phần mềm ứng dụng công nghệ như ở TPHCM. Các tỉnh, thành khác như Thừa Thiên – Huế và Tổng cục Du lịch cũng đang chuẩn bị những bước cần thiết để vào làn sóng ứng dụng công nghệ trong ngành du lịch.

Trong thời gian qua đã có những cơ quan, doanh nghiệp bắt tay nhau để cùng nâng cao chất lượng của sản phẩm và dịch vụ, tạo ra thêm nhiều tiện ích cho du khách. Vào cuối tháng 10-2018, Tổng cục Du lịch, Đài truyền hình Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ truyền thông Nam Việt đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác triển khai VTV Travel. Cổng thông tin du lịch thông minh này được kỳ vọng không chỉ cung cấp thông tin mà còn đem đến những sự trải nghiệm du lịch thông minh cho du khách, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam. Qua cổng này, du khách cũng sẽ được tiếp cận kho dữ liệu lớn về những điểm đến gồm các video giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc của từng vùng, địa phương và được tư vấn thông tin theo địa lý dựa vào tính năng tự động xác định địa điểm qua định vị. Khách du lịch cũng có thể nghe những lời tư vấn về lịch trình, chỉ đường, gợi ý các địa điểm ăn uống, nhà hàng, khách sạn, các sự kiện nổi bật thông qua chức năng gọi nghe nội dung tự động.

Việt Nam không thể phát triển du lịch thông minh nếu hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng du lịch và hạ tầng công nghệ thông tin, chưa phát triển tương xứng cũng như thiếu sự đầu tư lớn từ chính quyền.

VTV Travel cũng sẽ tạo sự kết nối trực tiếp với các cơ quan chức năng, tạo điều kiện cho khách du lịch gửi những lời phản ánh về những sự cố họ gặp phải khi đi du lịch ở Việt Nam đến các cơ quan chức năng để được giải quyết một cách nhanh chóng và kịp thời. Cùng với cổng thông tin này, các nền tảng ứng dụng di động, tổng đài hỗ trợ khách hàng, hệ thống thanh toán, dịch vụ viễn thông và Internet cũng được phát triển để du khách có thể đi du lịch khắp cả nước một cách thuận tiện nhất. Trong khi đó, Tổng cục Du lịch cũng bắt đầu triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu chính thức về hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên toàn quốc nhằm làm cơ sở dữ liệu phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin cho du khách.

Không thể “thông minh một mình”

Hiện nay, một số địa phương đang nỗ lực thực hiện các bước cho việc phát triển du lịch thông minh. Tuy nhiên, có thể thấy rằng việc ứng dụng công nghệ để làm tiền đề xây dựng du lịch thông minh hiện chỉ ở bước đầu. Có ý kiến cho rằng hiện chưa có điểm đến nào “thông minh thực sự” mà ở đó du khách có thể nâng cao khả năng tiếp cận và có được những sự trải nghiệm như mong muốn. Hiện cũng như chưa có tỉnh, thành nào ứng dụng công nghệ ở mức có thể giúp cơ quan quản lý thu thập, cung cấp thông tin cho khách du lịch qua điện thoại thông minh một cách nhanh chóng và hiệu quả. Việc dùng các nền tảng kết nối (platform) để tìm hiểu sở thích, nhu cầu của khách nhằm giúp việc quản lý tốt hơn và nâng cao chất lượng điểm đến đã được một số thành phố ở khu vực châu Á áp dụng. Nhưng các chuyên gia cho rằng điều này sẽ chỉ có ở Việt Nam trong một thời gian rất lâu nữa.

Trao đổi với phóng viên, nhiều chuyên gia du lịch cùng chia sẻ quan điểm rằng ngành du lịch không thể “thông minh một mình”. Điều này có nghĩa là Việt Nam không thể phát triển du lịch thông minh nếu hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng du lịch và hạ tầng công nghệ thông tin, chưa phát triển tương xứng cũng như thiếu sự đầu tư lớn từ chính quyền. Trên thực tế, nhiều địa phương muốn tạo các trang web để cập nhật thông tin giới thiệu những điểm tham quan, lịch trình các tuyến xe buýt, các hoạt động du lịch diễn ra trong suốt ngày cho du khách lựa chọn sự kiện thích hợp để tham dự. Song, điều này không thể thực hiện được nếu hạ tầng giao thông, Internet ở nơi đó còn yếu kém.

Nhiều địa phương muốn tạo trang web để cập nhật thông tin về những điểm tham quan, lịch trình các tuyến xe buýt, các hoạt động dành cho du khách lựa chọn. Ảnh: Đào Loan.

Trong “Diễn đàn du lịch thông minh”, một phần của Diễn đàn Tổ chức Xúc tiến Du lịch các Thành phố châu Á - Thái Bình Dương (TPO) lần thứ 8 diễn ra hồi giữa năm 2018 tại TPHCM, các vị đại diện của Fukuoka (Nhật Bản), Sanya (Trung Quốc) và Boryeong (Hàn Quốc), Kota Kinabalu (Malaysia) cho biết những thành phố này đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ vào ngành du lịch. Nhờ đó, du khách không chỉ có thêm những sự trải nghiệm, dễ dàng tìm kiếm thông tin mà còn có thể thanh toán dịch vụ qua chiếc điện thoại thông minh họ mang theo bên bình. Họ chỉ cần một chiếc vòng tay có mã QR để quét trả tiền dịch vụ ở các lễ hội, hay chỉ cần đăng ký dấu vân tay, hộ chiếu và thông tin thẻ tín dụng tại sân bay, khách sạn là có thể “tay không đi du lịch”. Họ chỉ cần đưa tay vào thiết bị nhận diện vân tay khi cần thanh toán tiền mua sắm hay làm thủ tục nhận phòng. Tuy nhiên, điều này không thể thực hiện được trong một thời gian ngắn hay với nguồn vốn đầu tư ít ỏi. Theo vị đại diện của Kota Kinabalu, thành phố này đã phải đầu tư đến 5 triệu ringit (khoảng 27,8 tỉ đồng) chỉ để tạo điều kiện cho du khách chỉ dùng dịch vụ Wi-Fi miễn phí với tốc độ cao và dung lượng không giới hạn tại những nơi công cộng.

Tại TPHCM, tuy cơ quan quản du lịch đã ứng dụng một phần mềm với kỳ vọng có thể tích hợp nhiều tiện ích cho du khách đến thành phố này nhưng hiện ứng dụng này chỉ mới hỗ trợ được việc tìm thông tin và còn nhiều tính năng khác chưa thể vận hành như mong muốn. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Công nghệ Thông tin thuộc Sở Du lịch TPHCM, những lý do chính khiến phần mềm ứng dụng này chưa phát huy hết các chức năng là do thiếu kinh phí vận hành, sự phát triển hạ tầng chưa đồng bộ và sự tham gia từ phía các doanh nghiệp liên quan chưa mạnh mẽ. Chi phí làm phần mềm này không nhiều nhưng để có thể duy trì và chạy nội dung xuyên suốt trên đây đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn cho đội ngũ chuyên thực hiện công việc này, trong khi kinh phí cho du lịch hiện tại chưa thể đáp ứng. “Việc cập nhật thông tin hiện do một vài nhân viên trong phòng công nghệ thông tin của sở kiêm nhiệm. Để hoạt động một cách chuyên nghiệp vào hiệu quả hơn thì phải có đội ngũ riêng đảm trách nhưng hiện (chúng tôi) chưa có chi phí cho việc này. Điều này cũng đặt ra bài toán thương mại cho chuyện làm phần mềm”, bà Thảo nói.

Việc thiếu đồng bộ về phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những vấn đề lớn mà TPHCM và các địa phương khác cần phải giải quyết nếu muốn phát triển du lịch thông minh.

Các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và du lịch đã chỉ ra việc thiếu đồng bộ về phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những vấn đề lớn mà TPHCM và các địa phương khác cần phải giải quyết nếu muốn phát triển du lịch thông minh. Tính năng tìm phòng khách sạn trống tại TPHCM và đặt phòng chưa thể thực hiện nếu hạ tầng cho các giao dịch thẻ chưa thông suốt. Hơn nữa, sự chung tay của các doanh nghiệp vào công tác vận hành phần mềm nhằm tạo sự hiệu quả chung về quảng bá điểm đến cũng như đem lại lợi ích riêng cho hoạt động của doanh nghiệp cũng chưa mạnh mẽ. Hiện tại, Sở du lịch TPHCM đang kêu gọi các doanh nghiệp, chủ yếu là cho doanh nghiệp nhỏ, đưa thông tin giới thiệu dịch vụ, sản phẩm của mình nhưng có nhiều công ty cung cấp thông tin rất sơ sài, không sử dụng được. Có công ty đưa nhiều thông tin giới thiệu dịch vụ, sản phẩm nhưng lại không có hình về sản phẩm hoặc có một, hai tấm hình minh họa nhưng chất lượng rất kém, không thể sử dụng.

Vì thế, sau vài tháng kêu gọi, đến nay mới có chỉ khoảng 100 doanh nghiệp đưa thông tin lên ứng dụng này.

Để giải quyết những vấn đề này cũng như tìm lời giải cho bài toán thương mại vừa nhắc đến ở phần trên, bà Thảo cho biết, trong thời gian sắp tới có thể cơ quan quản lý sẽ thỏa thuận với những bên có lợi ích trực tiếp từ việc ứng dụng phần mềm này để vận động kinh phí hỗ trợ cho đội ngũ vận hành với kỳ vọng có thể phục vụ du khách được tốt hơn. “Dự kiến đến quý 1-2019, chức năng đặt phòng có thể thực hiện được. Chúng tôi đang đang thỏa thuận với các bên liên quan để tìm cách hỗ trợ chi phí cho đội ngũ vận hành nhằm giúp cho phần mềm ứng dụng hoạt động có hiệu quả hơn”, bà Thảo nói.

Câu chuyện của TPHCM và một vài địa phương đang bắt tay vào làm du lịch thông minh cho thấy, việc ứng dụng công nghệ vào thực tế để mang lại sự hài lòng cho du khách, tăng tính cạnh tranh cho điểm đến đòi hỏi nhiều nỗ lực và giải pháp hữu hiệu không chỉ của ngành du lịch.

Minh Duy
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn