32 năm đổi mới, Việt Nam lọt Top 50 nền kinh tế thế giới

Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong những năm đổi mới khi quy mô nền kinh tế tăng tới 34 lần.

Trong bài phát biểu "Cập nhật tình hình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam và triển vọng" tại Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48, GS. Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, cho biết sau 32 năm đổi mới từ 1986 – 2017, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng GDP bình quân 6,6%, giai đoạn tăng trưởng cao nhất từ năm 1992 – 1997 với mức tăng GDP 8,1-9,5%.

Trong 02 năm 1998 – 1999, mức tăng trưởng của GDP giảm mạnh còn 5,8% và 4,8%. Sau đó, GDP phục hồi và tăng trưởng khá cao trong 08 năm tiếp theo 2000 – 2007 ở mức 6,8 – 7,8%.

Sau khi gia nhập Tổ chức Thuơng mại thế giới (WTO) cuối năm 2006, GDP của Việt Nam sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới nên chỉ còn tăng trưởng 5,7-5,4%, nền kinh tế phục hồi trở lại ở mức trên 6% và đạt mức 6,7% vào năm 2015 và 2017.

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 32 năm qua.

So với một số quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trên thế giới trong 32 năm qua, bình quân tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc là 9,4%, trên Hàn Quốc và Malaysia là 5,9%, trên Thái Lan là 5,2%, trên Mỹ là 2,6%, Nhật là 1,7% và Đức là 1,8%.

Về quy mô nền kinh tế, tính từ năm 1989 khi Việt Nam bị Mỹ cấm vận, nền kinh tế tăng trưởng rất thấp với quy mô chỉ 6,3 tỷ USD, sau sự dỡ bỏ cấm vận của Mỹ vào năm 1995, cùng với việc Việt Nam trở thành thành viên ASEAN... kinh tế đã tăng trưởng trở lại, giúp quy mô nền kinh tế tăng dần.

Đặc biệt, từ năm 2002 đến 2007, quy mô nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ khi hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ chính thức có hiệu lực.

Một động lực nữa là cuối năm 2006 đầu năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO bắt đầu đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô nền kinh tế.

Như vậy, sau 28 năm (tính từ 1989 – 2017), quy mô nền kinh tế đã tăng 34,3 lần, từ mức 6,3 tỷ USD lên 216 tỷ USD. Nếu tính trong vòng 22 năm trở lại đây (1995 – 2017) thì quy mô nền kinh tế tăng 10,4 lần từ mức 20,8 tỷ USD lên 216 tỷ USD.

Do đó, phần thưởng cho Việt Nam khi đứng thứ 47 lọt Top 50 nền kinh tế thế giới với quy mô 216 tỷ USD năm 2017.

Về thu nhập bình quân đầu người cũng có nhiều cải thiện. Nếu như từ năm 2007 trở về trước, Việt Nam là nước thu nhập thấp với bình quân thu nhập đầu người dưới 1.000 USD/người/năm. Nhưng từ năm 2008, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, với thu nhập bình quân đầu người 1.154 USD/người/năm và tăng lên 2.306 USD/người/năm vào năm 2017. Trong 22 năm qua, tính từ năm 1995 – 2017, thu nhập bình quân đầu người tăng 08 lần.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại khi thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 02 lần trong 10 năm qua tính từ 2008 - 2017.

Trong 32 năm đổi mới, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch sang công nghiệp hoá và hiện đại hoá, trong đó, sự đóng góp vào GDP của khu vực FDI ngày càng tăng từ 15,2% năm 2005 lên đến 21,1% năm 2017. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm mạnh trong giai đoạn này từ 37,6% còn 29,4%. Khu vực tư nhân đóng góp vào GDP không thay đổi nhiều từ mức 47,2% lên 49,5%.

Kế hoạch đến năm 2020, khu vực kinh tế Nhà nước đóng góp 27,5% vào GDP, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 22,5% và khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 50% vào GDP.

Trong 32 năm qua, Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ xã hội khi tỷ lệ nghèo đói giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 5,8% năm 2016. Tỷ lệ bao phủ của bảo hiểm y tế đạt 81,8%, bảo hiểm xã hội đạt 24%. Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở vào năm 2010… Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được Hiến pháp khẳng định; Bình đẳng giới cũng được nâng cao khi được quy định tại Điều 26 của Hiến pháp, cũng như việc phụ tham gia ngày càng đông đảo trong Quốc hội với tỷ lệ chiếm tới 24,2% hiện nay...

Lan Anh
Nguồn BizLive