Tiềm năng ngành thực phẩm và đồ uống ở thị trường Việt Nam

Với tốc độ tăng trưởng cao, thực phẩm và đồ uống được đánh giá là một trong những ngành hấp dẫn nhất, đưa Việt Nam trở thành thị trường tiềm năng trong khu vực.

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống rất tiềm năng. Số liệu của Vietnam Report cho thấy, chỉ số tiêu thụ của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống trong 9 tháng đầu năm 2018 tăng lần lượt 8,1% và 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Thực phẩm và đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu). Bia, đồ uống không cồn và thực phẩm là 3 nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Ngành thực phẩm và đồ uống hiện chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Có rất nhiều lợi thế để 2 ngành hàng này tăng trưởng mạnh và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Với tỷ lệ dân số trẻ ngày càng tăng (ước tính khoảng trên 50% dân số Việt Nam dưới 30 tuổi), mức thu nhập được cải thiện và thói quen mua sắm thực phẩm chế biến sẵn ngày càng phổ biến, sự phong phú cùng với sự dồi dào các sản phẩm nông nghiệp - nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho chế biến thực phẩm, đồ uống đang là những lợi thế để các doanh nghiệp trong ngành đa dạng hóa chủng loại, đáp ứng nhu cầu liên tục thay đổi của người tiêu dùng.

Ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: X.Thảo.

Đây chính là những điều kiện thuận lợi góp phần giúp Việt Nam trở thành thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng trong khu vực.

Trong thời gian qua, việc mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống rất sôi động. Điển hình là Kinh Đô bán mảng bánh kẹo cho đối tác ngoại, Masan thông qua công ty con là Masan Consumer thực hiện các thương vụ M&A với Vinacafe Biên Hòa, Singha, Vĩnh Hảo, Cholimex Food... tạo ra một dải sản phẩm ở nhiều phân khúc, như nước tăng lực, nước khoáng, nước tương, nước chấm, gia vị, thực phẩm tiện lợi, chuỗi giá trị thịt...

Các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tên tuổi lớn trong ngành FMCG đến từ Thái Lan, Hàn Quốc với lợi thế về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ đã không bỏ qua cơ hội khi liên tục đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Thai Beverage đã mua cổ phần chi phối tại Công ty CP Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), CJ CheilJedang - đơn vị thành viên của CJ Group, một "ông lớn" của Hàn Quốc đã mua Minh Đạt và Cầu Tre, Tập đoàn Daesang Corp mua lại Công ty CP Thực phẩm Việt Đức, JC&C mua cổ phần Vinamilk...

Tiềm năng và sự phát triển của ngành hàng thực phẩm cùng với sự phát triển công nghệ đã hình thành những xu thế tiêu dùng mới. Trong đó, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ, thân thiện với môi trường, và chi trả khoản tiền cao hơn cho bữa ăn hằng ngày. Có khoảng 86% người tiêu dùng Hà Nội và TP.HCM đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ, hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Thực phẩm và đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hằng tháng của người tiêu dùng (chiếm khoảng 35% mức chi tiêu). Bia, đồ uống không cồn và thực phẩm là 3 nhóm tăng trưởng nhanh nhất trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG).

Giới trẻ Việt Nam sẵn sàng chi trả để được thưởng thức các loại thực phẩm, đồ uống ngon và lạ. Cùng với sự phát triển của công nghệ, họ dễ dàng truy cập các xu thế ẩm thực mới nhất qua mạng xã hội và đặt hàng thông qua các ứng dụng cho phép tìm kiếm địa điểm ăn uống, giao đồ ăn và đặt bàn khiến thị trường ẩm thực trở nên sôi động hơn. Trong năm 2017, thực phẩm và đồ uống là 2 trong 10 sản phẩm được giao dịch trên mạng nhiều nhất.

Cơ hội để phát triển của các thương hiệu thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam là rất lớn. Việc các doanh nghiệp nước ngoài có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, sản phẩm càng đa dạng. Điều này cũng tạo áp lực để các doanh nghiệp trong nước đổi mới để hòa vào "sân chơi" thương mại chung.

"Tuy nhiên, một thương hiệu mạnh là chưa đủ, đó còn phải là một thương hiệu uy tín. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống cần đầu tư hơn nữa cho việc quảng bá và phát triển hình ảnh và ghi tên trên bản đồ thực phẩm và đồ uống thế giới", chuyên gia của Vietnam Report khuyến nghị.

Việt Thắng
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn