Lấn sân truyền hình, Facebook đang sa vào thế khó của YouTube?

Facebook phát triển Watch nhằm lôi kéo người dùng ở lại nền tảng này, nhưng có thể phải đối mặt với hàng loạt vấn đề mà "người đi trước" như YouTube đang đau đầu.

Câu chuyện Facebook mua bản quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh ở các nước Đông Nam Á là một phần nhỏ của kế hoạch "nuốt chửng" nguồn sống của truyền hình truyền thống. Sau khi để fake news tràn lan ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của báo chí, Facebook tiếp tục lấn sân sang mảng truyền hình và gặp phải những vấn đề mới.

Khi người dùng mở YouTube - họ đang muốn xem video, khi mở Spotify - họ đang muốn nghe nhạc, khi mở Instagram - họ muốn xem hình ảnh từ bạn bè và những người họ theo dõi. Nhưng với Facebook, người dùng thường không trả lời được câu hỏi "tôi mở nó để làm gì".

Người dùng mở Facebook như một thói quen. Khi rảnh rỗi hoặc không biết làm gì, họ sẽ mở Facebook. Nhiều người lầm tưởng Facebook chính là cách để họ nhìn ra thế giới.

Cách người dân dùng Facebook ở Myanmar là ví dụ rõ ràng nhất cho nhận định trên. Facebook khiến người dân ở những thị trường mới nổi "hiểu nhầm" là Internet, có xu hướng đặt niềm tin cao vào những gì mạng xã hội đăng tải. Năm 2017-2018, truyền thông đưa tin không ít vụ bạo lực đẫm máu ở các miền quê mà nguyên nhân xuất phát từ những tin đồn nhảm trên Facebook, Whatsapp (nền tảng nhắn tin sở hữu bởi Facebook).

Tuy nhiên, Facebook vẫn duy trì sự lầm tưởng đó.

Họ muốn trở thành “cửa sổ” nhìn ra thế giới của mọi người, muốn tăng trưởng không chỉ về số lượng người dùng mà cả thời gian người dùng mở Facebook. Để tăng thời gian, cách rõ ràng nhất chính là gợi ý người dùng xem video.

Facebook có hơn 2 tỷ người dùng, nhưng số đông không dùng mạng xã hội này như một công cụ để xem truyền hình. Facebook đang tập cho người dùng xem video nhiều hơn bằng tính năng Watch. Đồng thời, mạng xã hội này còn đầu tư hàng tỷ USD cho việc mua bản quyền. Facebook đang bộc lộ ý định tạo ra một thói quen mới cho người dùng bên trong ứng dụng của họ.

Quý 4/2017, Facebook cho biết thời gian người dùng ở trên trang này giảm 50 triệu giờ mỗi ngày. Con số khủng khiếp này khiến Facebook điên cuồng đưa ra các trải nghiệm mới nhằm níu kéo người dùng. Thúc đẩy mảng video và truyền hình là giải pháp mà Facebook đang thực hiện.

Tính năng Facebook Watch đã được giới thiệu từ tháng 8/2017 tại thị trường Mỹ. Sau một năm, nó đã được mở rộng ra nhiều thị trường và số tiền Facebook phải bỏ ra cho những nhà sáng tạo nội dung là không hề nhỏ.

Khi nhận ra nội dung miễn phí từ người dùng không đủ để biến mình thành truyền hình, Facebook buộc lòng phải chi hàng tỷ USD cho việc mua nội dung nhằm lấn át các video nhạt nhẽo người dùng đăng tải. Theo CNBC, Facebook đã chi 10.000 - 50.000 USD cho mỗi tập show truyền hình độc quyền, tuỳ theo chất lượng. Wall Street Journal đưa tin Facebook chi tới 1 tỷ USD để xây dựng nội dung trong năm 2018.

Không chỉ dừng lại ở phim ảnh, Facebook còn muốn lấn sân sang thể thao. Đầu tháng 6, Facebook công bố đạt thỏa thuận mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh tại Đông Nam Á với mức giá 200 triệu bảng Anh. Con số này đánh bại cả các nhà cung cấp truyền hình hàng đầu châu Á như BeIN Sport hay Fox Sport Asia.

Bản quyền này giúp Facebook được phát sóng toàn bộ 380 trận đấu của giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Do đó, người dùng có thể xem trực tiếp các trận bóng nên nền tảng của mạng xã hội này.

Facebook thậm chí còn định chi tới 600 triệu bảng để đấu giá bản quyền giải Ngoại hạng cricket Ấn Độ (IPL). Với thị trường trên 1 tỷ dân, đây là một miếng bánh quá ngon để Facebook thu tiền quảng cáo. Dù vậy, họ đã thất bại khi kênh Star India trực thuộc Twenty-First Century Fox đã giành được bản quyền với mức giá kỷ lục 2,55 tỷ USD cho cả bản quyền phát sóng truyền hình truyền thống và phát sóng trực tuyến.

Có lẽ mục tiêu của Facebook Watch không chỉ là thay thế YouTube. Những bước đi của Facebook cho thấy họ tham vọng tranh miếng bánh của cả Netflix, Amazon lẫn Sky Sport, BeIN Sport.

Về cơ bản, Facebook chỉ tài trợ một phần chi phí sản xuất các nội dung. Việc chạy quảng cáo đã giúp Facebook lấy lại 45% tiền đầu tư. Vì vậy những nội dung này sau khi kết thúc thời hạn độc quyền sẽ được phát trên các đài, kênh khác.

Trong báo cáo doanh thu gần đây, CEO Mark Zuckerberg bày tỏ ý định giảm chi phí tài trợ sản xuất này lại khi hệ sinh thái quảng cáo trên Facebook TV tăng trưởng. Thay vào đó, Facebook tăng doanh thu quảng cáo và khuyến khích các nhà sản xuất nội dung tự bỏ tiền sản xuất.

Facebook đặt ra điều kiện kiếm tiền cho người sản xuất nội dung khá khắt khe để cố cải thiện thời lượng, chất lượng video. Tài khoản đăng video phải có ít nhất 10.000 người theo dõi, độ dài video ít nhất 3 phút. Trong vòng 2 tháng, clip phải đạt ít nhất 30.000 lượt xem trên 1 phút.

Không như YouTube, quảng cáo ở Facebook Watch chỉ được xuất hiện sau 60 giây nội dung. Yêu cầu khá khắt khe, nhưng nhà sáng tạo sẽ nhận 55% doanh thu quảng cáo từ Facebook. Chương trình này mới chỉ áp dụng ở 5 quốc gia, theo kế hoạch Facebook sẽ sớm mở rộng ra nhiều nước khác.

Có thể thấy mô hình của Facebook Watch ban đầu là thay vì mua bản quyền, Facebook muốn tạo một hệ thống nơi người sáng tạo có thể tải lên nội dung của họ miễn phí. Sau đó, họ kiếm được doanh thu từ quảng cáo đặt trên nội dung đó, tương tự như YouTube.

Tuy nhiên, thói quen của người dùng đang chống lại Facebook

Henry Goldman, một người làm báo đăng tải bài viết của mình lên Medium. Goldman cho biết đã thử một ngày sử dụng Facebook Watch để trả lời câu hỏi "liệu Facebook có thể thay thế truyền hình?".

"Tôi đã xem tổng cộng 162 TV show, với thời gian chạy trung bình là 8,9 phút. Trong khi xem video, tôi đã cố gắng đặt mình vào vai người dùng và mong muốn xem hết các video. Tuy vậy, thói quen xem trên màn hình cảm ứng đã không thể ngăn tôi liên tục vuốt qua vuốt lại để xem những video mới hơn", Goldman nói.

"Trong 162 TV Show phát trên Facebook, tôi không xem cái nào được một giờ", Goldman viết trong bài trải nghiệm. Điều này cho thấy, nền tảng của Facebook chỉ thích hợp để xem các đoạn video ngắn. Đó cũng là lý do vì sao những nền tảng mới như Tiktok phát triển bùng nổ.

Facebook vốn quá tải và bất lực trong việc kiểm soát nội dung. Tin giả và các phát ngôn gây thù địch, chia rẽ tràn lan gây hậu quả thật ngoài đời. Với video, định dạng chứa nhiều thông tin và khả năng lan truyền cao, câu hỏi đặt ra là Facebook sẽ kiểm soát như thế nào?

Đây cũng là bài toán mà YouTube của Google cố gắng giải quyết nhiều năm qua nhưng chưa triệt để. YouTube đã cố gắng tăng cường đội ngũ kiểm duyệt, bổ sung thuật toán nhận biết và tận dụng khả năng "report" từ cộng đồng lẫn các nhóm tình nguyện viên chuyên đi "gắn cờ" vi phạm, nhưng mọi nỗ lực đó đều không thể kiềm tỏa được tất cả.

Những đoạn video ăn cắp nội dung từ báo chí được lồng ghép thêm ảnh, lời bình vẫn xuất hiện. Một số bộ phim vẫn được phát lậu trên YouTube và việc nhận biết các nội dung độc hại thường được phát hiện sau vài ngày đăng tải. YouTube còn bị phát hiện cho phép chạy quảng cáo trên những video mà bên dưới chứa nhiều bình luận dung tục, có xu hướng ấu dâm. Scandal này khiến nhiều thương hiệu lớn đồng loạt rút quảng cáo khỏi YouTube.

Những tác động này còn được lan tỏa sâu rộng hơn khi chính những vlogger tiếng tăm trên nền tảng sản xuất ra những nội dung vô bổ, độc hại. Việc Logan Paul, một vlogger có 16 triệu lượt theo dõi, cười cợt một xác chết trong rừng ở Nhật Bản, đã dấy lên làn sóng phản đối dữ dội đầu năm 2018.

Khác với truyền hình, Facebook cho phép người dùng vừa xem vừa chia sẻ, bình luận. Tương tác thời gian thực này khiến nhiều người hào hứng hơn khi xem các trận bóng đá, các chương trình truyền hình thực tế.

Tuy nhiên, mặt trái mà nó mang lại là có những người dùng sẵn sàng mạt sát, chửi rủa, bình luận tiêu cực. Facebook vốn luôn quá tải với việc kiểm duyệt nội dung hình ảnh, dựa vào cộng đồng để phát hiện ra những nội dung xấu. Cơ chế này không đáp ứng được về mặt tốc độ. Nội dung độc hại trên mạng khác với một cuộc ẩu đả trên phố: Cảnh sát có thể đến ngay, nhưng Facebook có thể mất đến vài ngày, thậm chí lâu hơn nếu không ai "report".

Năm 2016, Facebook Live ra mắt, kéo theo hàng loạt những video livestream cảnh tự tử, đánh đập, thậm chí hành quyết tù nhân lan truyền trên nền tảng này. Năm 2017, Facebook đã để những bài đăng kích động thù địch lan rộng trên nền tảng của mình vì không có bộ lọc hiệu quả với những ngôn ngữ không thuộc hệ latin.

Hậu quả của việc này là các cuộc chiến diễn ra bởi nhóm Phật tử cuồng tín Rakhine chống lại những người theo đạo Hồi Rohingya thiểu số. Hơn 900.000 người Hồi phải chạy trốn cuộc chiến, sống tại các trại tị nạn của Bangladesh.

Năm 2018, Facebook còn dính vào bê bối Cambridge Analytica lộ hơn 87 triệu thông tin tài khoản người dùng gây tác động đến kết quả bầu cử Mỹ, lan truyền nội dung kích động lại Sri Lanka.

Sau tất cả, ông chủ Zuckerberg để phủi bỏ trách nhiệm bằng việc cho rằng Facebook đã phát triển quá nhanh, vượt xa khả năng kiểm soát của họ.

“Tôi khởi đầu khi còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm”, Zuckerberg nói trong buổi phỏng vấn với CNN hồi tháng 4. “Tôi gặp lỗi kỹ thuật và lỗi trong kinh doanh. Tôi thuê sai người. Tôi tin nhầm người. Có thể, số lượng sản phẩm thất bại của tôi nhiều hơn hầu hết mọi người trong cả cuộc đời họ”.

Vậy hậu quả của những scandal của Facebook sau này sẽ lớn đến mức nào khi Facebook thực hiện được tham vọng trở thành "kênh truyền hình toàn cầu"?

Trong một khảo sát được công ty nghiên cứu Diffusion Group thực hiện gần đây, có tới 50% trong số 1.632 người được hỏi cho biết họ chưa hề biết tới dịch vụ Facebook Watch.

Vấn đề của Facebook là làm thế nào để người dùng biết tới Watch. Trong nhiều cách mà Facebook đang làm, mua nội dung là một nước đi hiệu quả. Sẽ chẳng có cách nào khiến người dùng nhớ đến Watch dễ hơn là mỗi cuối tuần mở ứng dụng Facebook, bật sang tab Watch để xem đội bóng yêu thích thi đấu.

Bằng cách vung tiền để mua nội dung, Facebook đang “gặm” vào miếng bánh của rất nhiều dịch vụ truyền thống. Những công ty truyền hình cáp vốn đã đau đầu với Netflix, Hulu… nay còn phải dè chừng những dịch vụ mới như Facebook Watch, Disney… Cạnh tranh là tốt, nhưng nội dung hay bị chia sẻ qua quá nhiều nền tảng độc quyền lại không có lợi cho ví tiền của người xem.

Bên cạnh đó, vấn đề pháp lý với bản quyền thể thao vẫn còn gây tranh cãi. Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) đã có văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị có công cụ quản lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng và công bằng cho các đơn vị truyền hình trả tiền ở Việt Nam.

Đại diện VNPayTV cho hay hội đã đưa đến quyết định kiến nghị với cơ quan chức năng sau khi Facebook không muốn chia sẻ bản quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh với các nhà đài Việt. Nói cách khác, Facebook muốn "giành ăn một mình miếng bánh ngon".

Mà chẳng phải đến tận khi có Facebook Watch, người ta mới nhận thấy Facebook tham lam như thế nào. Cuối tháng 8, nhà báo Sammy Ketz, trưởng văn phòng đại diện của AFP tại Baghdad, Iraq từng nói rằng những phóng viên chiến trường như ông đang ngày một ít vì nội dung họ sản xuất ra bị các nền tảng nội dung online như Facebook và Google "hút máu".

Ông Ketz cho rằng các tờ báo là bên trả tiền cho nội dung, gửi đi những phóng viên dám liều cả mạng sống của mình để mang về những thông tin đáng tin, hoàn chỉnh, trung thực và đa dạng. Nhưng họ không phải là nơi nhận về nhiều lợi nhuận nhất, mà chính là các nền tảng Internet như Facebook. Những công ty này hưởng lợi từ việc đưa tin mà không phải trả một xu nào.

Dù có phải trả tiền tấn để giành nội dung, hay tận dụng quy mô của mình để “nẫng” tay trên nội dung từ những đơn vị khác, Facebook sẽ sẵn sàng làm tất cả, bởi mục tiêu duy nhất của họ là tăng trưởng và lợi nhuận.

Đồ họa: Nhân Lê

Nhật Minh - Xuân Tiến
Nguồn Zing News