Công bố Đề thi Vòng loại Young Marketers 7

Công bố Đề thi Vòng loại Young Marketers 7

* Lưu ý:

Đề thi mang tính giả định và phục vụ cho mục đích tìm ra các tiềm năng marketing để phát triển của cuộc thi Young Marketers mùa 7. Tất cả thông tin về các đối tượng (third parties) được đề cập trong đề thi này chỉ sẽ được xem là thông tin đầu vào cho các thí sinh của cuộc thi Young Marketers mùa 7 để đưa ra phương án giải quyết.

Tất cả quy định ở đề thi đi kèm sẽ là quy định cuối cùng và cập nhật đến thời điểm đề thi được công bố.

Riêng với mùa 7, ý tưởng thắng cuộc có thể được triển khai vào thực tế với sự tư vấn của Hội Đồng Chuyên Gia từ nhiều đối tác.

Gs. Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam có nói: “Tôi lo lắm. Nếu một quốc gia không có văn hóa thì quốc gia đó sẽ không tồn tại. Những người ở ngoài có thể không thấy hết mức độ nguy hại đó, nhưng những người trong cuộc, những người say mê, những người sống chết với tuồng, những người đang hiểu tuồng mới biết nó đang ở thực trạng nào. Rõ ràng hiện nay nó đang ở thực trạng rất là bi đát.”

Thực trạng

Tuồng (hay Hát Bội) là nghệ thuật kịch hát cổ điển và bác học bậc nhất Việt Nam.

Khác với hát chèo hay cải lương tập trung ở nông thôn, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ bình dân và kể những câu chuyện ước vọng thường ngày – tuồng mang đặc trưng thẩm mĩ trí tuệ, được trình diễn ở cả những không gian tôn giáo và cung đình trên khắp đất nước Việt Nam.

Ngôn ngữ của tuồng xuất phát trên cơ sở tôn giáo, kết hợp nhuần nhị tiếng Hán và văn Nôm theo lối văn biền ngẫu, thấm nhuần văn hoá ứng xử thâm sâu của ông cha. Vũ đạo của tuồng không chỉ chắt lọc những động tác trong sinh hoạt hàng ngày, mà còn tiếp thu tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, múa cung đình và võ thuật dân tộc. Diễn xuất trong tuồng nặng tính ước lệ, khuyếch đại - người diễn viên cũng như nghệ sĩ Opera, phải hát bằng giọng thật rút ruột, rút gan, to, vang, cao cho hàng nghìn người xem. Không chỉ dựa vào nghệ thuật hoá trang đặc thù để thể hiện rõ các tuyến nhân vật (mặt trắng là người tốt đẹp, trầm tĩnh; mặt đỏ có tròng xéo đen là người vũ dũng…), mỗi nhịp điệu giơ chân nhấc tay của người diễn viên đều ước lệ một ý nghĩa, tính cách khác nhau. Hơn cả, nội dung hát bội là sân khấu của những người anh hùng. Âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mĩ của hát bội. Hát bội từng được chủ tịch Hồ Chí Minh yêu thích và công nhận là vốn quý, là “quốc hồn, quốc túy” của người Việt, sánh như Kinh kịch của Trung Quốc hay kịch Noh của Nhật Bản. Bảo tồn hát bội không chỉ là tôn vinh một hình thức nghệ thuật cổ truyền của, mà còn nuôi dưỡng niềm tự hào về chiều sâu trí tuệ, thẩm mĩ của dân tộc trong những thế hệ tương lai.

Thế nhưng, nếu như cả Kinh Kịch và kịch Noh đều đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể - Tuồng, với chiều sâu văn hoá và đặc trưng thẩm mỹ ấy lại chưa từng được vinh danh, lại đang dần mai một, bấp bênh trong đời sống hiện đại. Chính Giáo sư Hoàng Chương, một người tâm huyết bậc nhất với tuồng từng phát biểu: “Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, chưa có ngành nghệ thuật nào có nhiều vấn đề như nghệ thuật Tuồng. Những mâu thuẫn trong cách nhìn nhận và bảo tồn nghệ thuật Tuồng kéo dài qua nhiều thập kỷ.”

Có thể liệt kê những vấn đề chính của Tuồng trong bối cảnh hiện đại:

  1. Vắng người hiểu: Tuồng là một loại hình nghệ thuật đòi hỏi người xem phải trang bị những kiến thức nghệ thuật nhất định mới có được năng lực cảm nhận cái hay, cái đẹp. Phải hiểu ngôn ngữ Tuồng, khán giả mới có thể hiểu hết được những sắc thái mà diễn viên tuồng biểu diễn cũng như nội dung của vở tuồng. Chính vì thế, nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, dù có ý định tiếp cận với nghệ thuật Tuồng cũng đành ngậm ngùi khi sau vài lần thưởng thức các vở diễn Tuồng mà không thể hiểu được ý nghĩa của các vở diễn này. Các nhà hát tuồng cũng cố gắng dựng vở mới, thoát khỏi khuôn mẫu phong kiến và sử dụng ngôn ngữ hiện đại hơn – nhưng trong nỗ lực cải cách đó lại tiềm ẩn nguy cơ xa cách với cốt lõi làm nên cái hay, cái đẹp của hát bội.
  2. Vắng người xem: Lượng khán giả ở các rạp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhà hát Tuồng Việt Nam (Hà Nội) liên tục tăng suất diễn để thu hút khán giả tới rạp nhưng lượng khách cho mỗi buổi diễn này chỉ khoảng 20, 30 người. Nhờ quỹ Ford tài trợ, Nhà hát Nghệ thuật hát bội TPHCM thực hiện nhiều suất diễn sân khấu học đường mỗi năm, phục vụ cho hàng trăm em thiếu nhi, thầy cô giáo. Thế nhưng khi quỹ dừng tài trợ, nhà hát thiếu kinh phí để duy trì hoạt động tiếp cận với khán giả trẻ, công việc tìm kiếm lớp khán giả hát bội tương lai gặp không ít trở ngại.
  3. Vắng người diễn: NSƯT Ngọc Nga, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM, chia sẻ: “Chừng nào vẫn còn đình chùa, những lễ hội truyền thống thì hát bội vẫn còn. Tuy nhiên cái khó của hát bội hiện nay là thiếu hụt lớp người kế thừa”. Bởi yêu cầu ngôn ngữ nghệ thuật của tuồng, người nghệ sĩ phải qua hàng chục năm luyện thanh để hát bằng giọng thật, phải hiểu chi li, hiểu sâu từng từ, phải hết lòng với nó thì mới diễn đúng từng động tác. Nếu chỉ đọc qua loa, thì diễn chỉ như diễn kịch. Những nghệ sĩ giỏi nghề đứng được đào kép chánh của đoàn tuổi đều đã qua 40. Từ năm 2000, nhà hát chỉ đào tạo được 14 gương mặt trẻ triển vọng nhưng vẫn cần thêm thời gian rèn luyện vẫn quá ít ỏi cho một lớp kế thừa. Đời sống khó khăn, điều kiện làm nghề không có khiến nhiều gia đình nghệ sĩ hát bội không muốn con mình tiếp tục theo nghề: mức thù lao diễn xuất lên với 3 mệnh giá: 120.000 đồng, 160.000 đồng đến 200.000 đồng/suất/người. Theo ông Nguyễn Anh Kiệt, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM: “Dẫu có khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn nỗ lực truyền nghề cho diễn viên trẻ, không để bộ môn nghệ thuật này bị mai một” - ông Kiệt nói.

Để tiếp tục tồn tại và phát triển, nghệ thuật hát bội cần tìm được và duy trì lâu dài kết nối với những người trẻ - thế hệ người hiểu, người xem và người diễn mới.

Thương hiệu

Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam, đứng đầu là Tổng giám đốc Giáo sư Hoàng Chương - là tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam với sứ mệnh bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống - vốn quý của dân tộc. Trải qua 17 năm hoạt động, với tâm huyết với các nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, đặc biệt là hát bội, trung tâm đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa để bảo tồn, đưa hát bội đến gần hơn với thế hệ khán giả mới: liên kết với Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện “Dự án sân khấu học đường”, liên kết với các nhà xuất bản để phát hành tài liệu nghiên cứu về văn hiến, tổ chức nhiều hội thảo lớn trong nước và ngoài nước, truyền cảm hứng cho dự án Vẽ về hát bội được dư luận quan tâm năm 2018.

Với tâm huyết tôn vinh và đem lại sức sống cho những nghệ thuật Tuồng, năm 2018 này, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam dự định kết hợp cùng 3 thương hiệu Việt Nam cùng đồng hành thực hiện một dự án kết nối nghệ thuật tuồng với thế hệ trẻ, qua đó tạo ra đòn bẩy để phục hưng hát bội và đem đến giá trị tích cực cho các thương hiệu đồng hành:

  1. Biti’s Hunter là thương hiệu của những chiếc giày “nhẹ như bay” - luôn đồng hành và truyền cảm hứng cho người trẻ đi tìm kiếm những trải nghiệm ý nghĩa trên hành trình tuổi trẻ của mình.
  2. Minh Long là thương hiệu gốm sứ Việt Nam với bề dày lịch sử, tính nghệ thuật và văn hoá Việt Nam thấm nhuần trong từng sản phẩm. Và thương hiệu rất quen thuộc với nhiều gia đình Việt trong hơn 40 năm này cũng đang bắt đầu hành trình kết nối cùng thế hệ người dùng mới: người trẻ hiện đại từ việc phát triển sản phẩm cũng như các hoạt động truyền thông.
  3. Highlands Coffee là chuỗi cà phê hàng đầu Việt Nam, tự hào về cội nguồn thuần Việt và liên tục tôn vinh văn hoá nghệ thuật truyền thống trong không gian trải nghiệm của thương hiệu mình và những hoạt động CSR kêu gọi sự quan tâm của người trẻ với nghệ thuật truyền thống.

Đề bài đặt ra

Giả sử cá nhân bạn là Giám đốc Marketing của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn & Phát huy văn hoá dân tộc Việt Nam, hãy đề xuất một kế hoạch marketing truyền thông giải quyết một (hoặc nhiều hơn một) trong ba vấn đề của hát bội trong bối cảnh hiện đại, kết nối người trẻ (18-25) ở các thành phố lớn với nghệ thuật Tuồng, qua đó đem đến giá trị cho các thương hiệu đồng hành.

Với ngân sách 3.000.000.000 VND (không bao gồm chi phí phát triển sản phẩm mới nếu cần thiết), bắt đầu từ tháng 3 năm 2019 và kéo dài trong tối đa 3 tháng, qua đó đạt được:

  1. Sự nhận biết về chương trình của tối thiểu 2,000,000 người trẻ từ 18-25 tuổi trước mắt ở HCM & HN, và nhóm nhận biết đánh giá cao hoạt động, xây dựng sự yêu thích thương hiệu của họ với Highlands Coffee, Minh Long và Biti’s Hunter.
  2. Tối thiểu 20% người được nhận biết thực hiện hành động thể hiện sự quan tâm, tìm hiểu về hát bội; tối thiểu 5% sẽ dành thời gian để đi xem hát bội ngay trong 3 tháng thực hiện chiến dịch
  3. Có tác động tích cực đến doanh số của 3 thương hiệu Highlands Coffee, Minh Long và Biti’s Hunter với nhóm tiêu dùng trẻ chiến dịch hướng đến

Thông tin tham khảo

Tiêu chí đánh giá

1. Tính hiệu quả

- Chiến dịch có đạt được các mục tiêu đề ra hay không? (40%)

2. Ý tưởng

- Ý tưởng lớn của chiến dịch là gì, dựa trên nền tảng insight nào (30%)

- Ý tưởng này có được triển khai hiệu quả qua các kênh truyền thông phù hợp với đối tượng mục tiêu hay không? (10%)

3. Tính khả thi và ứng dụng

- Kinh phí thực hiện chiến dịch có phù hợp? Các hoạt động có khả thi để thực hiện hay không? (10%)

4. Trình bày

- Tính thẩm mỹ & Mức độ đầu tự (10%)

Lưu ý phần dự thi vòng loại

Đăng ký dự thi

Trước 21.00 ngày 20/10/2018, các thí sinh dự thi sẽ cần email đăng ký dự thi về [email protected] với subject: Young Marketers 7 Registration + [Tên Cá Nhân].

Nội dung đăng ký cần bao gồm: thông tin cá nhân (họ tên, số CMND/ MSSV, khoa, trường, email, điện thoại liên lạc, thành tích nếu có) và đính kèm hình ảnh chân dung (định dạng jpg, từ 1-2 MB).

BTC Young Marketers sẽ gửi mail xác nhận đăng ký trong tối đa 48 tiếng từ khi nhận được đăng ký.

Nộp bài Vòng loại

Thí sinh sẽ phải up bài dự thi trên slideshare trong không quá 15 slide nội dung (không bao gồm 3 slide mở đầu, slide các nội dung chính/agenda & slide cám ơn) và submit đường link kèm thông tin cá nhân trên website www.youngmarketers.vn (trang web sẽ được chính thức mở lại vào ngày 20/10/2018), để ở chế độ public trước 21:00 ngày 26/10/2018 (deadline nộp bài vòng loại)

Bài dự thi chỉ hợp lệ khi link slideshare được đặt tên theo cú pháp: Young Marketers 7 + Tên cá nhân dự thi, và thông tin cung cấp khi đăng ký là chính xác.

Kết quả TOP 30 sẽ được công bố vào 21h, 31/10/2018 trên fanpage Young Marketers.

Young Marketers - Empower the next marketing generation

Cuộc thi Young Marketers 7 là một phần của hành trình Empower The Next Marketing Generation của Young Marketers - bên cạnh Young Marketers Elite Development Program, với BRANDS Vietnam là đối tác chiến lược từ 2013, Advertising Vietnam và Goldsun Focus Media là đối tác truyền thông từ 2018, cùng với sự đồng hành của các đối tác thương hiệu lớn là Highlands Coffee, Minh Long & Biti’s Hunter.

Để biết thêm thông tin hoặc giải đáp thắc mắc liên quan đến cuộc thi, xin liên hệ BTC qua:

Nguồn Young Marketers