Chiến lược thâu tóm các cộng đồng công nghệ của Microsoft

Microsoft có chiến lược khá rõ ràng trong hoạt động thâu tóm, sáp nhập vài năm trở lại đây.

Theo CNBC, với các thương vụ thâu tóm LinkedIn, hãng phát triển Minecraft là Mojang và mới đây nhất là GitHub, Microsoft đã và đang là một trong các hãng thực hiện nhiều giao dịch nhất những năm gần đây.

Amy Hood, giám đốc tài chính Microsoft, chia sẻ: “Trong 5 năm qua, chúng tôi rất nhất quán trong việc thâu tóm cộng động tìm kiếm tài sản mạng, tìm kiếm các thị trường đang phát triển, và tìm kiếm nơi mà chúng tôi có thể trở thành nhà sở hữu tốt hơn”.

LinkedIn là mạng xã hội liên kết các chuyên gia, nhân viên làm việc với nhau. Minecraft kết nối người chơi trong khi GitHub thì kết nối các nhà phát triển. “Những loại tài sản này luôn thú vị và sẽ luôn có mặt trên toàn cầu”, bà Hood nói.

Phó chủ tịch điều hành kiêm giám đốc tài chính Microsoft Amy Hood. Ảnh: AFP.

Dưới quyền sở hữu của Microsoft, LinkedIn tăng trưởng từ 433 triệu thành viên ở thời điểm được thâu tóm vào năm 2016 lên hơn 575 triệu thành viên hiện nay. Thương vụ thâu tóm LinkedIn trị giá 26,2 tỉ USD. GitHub thì có 28 triệu nhà phát triển, còn Minecraft có 91 triệu người chơi hằng tháng.

Microsoft thực hiện hơn 57 thương vụ từ khi bà Hood thay ông Peter Klein làm giám đốc tài chính vào năm 2013, trước khi hãng công nghệ Mỹ bổ nhiệm ông Satya Nadella làm giám đốc điều hành doanh nghiệp vào năm 2014.

Microsoft dưới thời quản lý của ông Nadella mua nhiều sản phẩm, tài sản như startup ứng dụng email Acompli, hãng lưu trữ Avere Systems, startup trí tuệ nhân tạo Bonsai và Lobe, startup giáo dục Flipgrid, nhà phát triển ứng dụng danh sách các việc cần làm Wunderlist, hãng 6Wunderkinder.

Hood nói thêm rằng bà không có bất cứ hối tiếc nào về những thương vụ mà mình không thực hiện. “Đó không phải là lối nghĩ có hiệu quả với tôi”, bà Hood nói. Bà cho rằng tốt hơn hết là doanh nghiệp tiến về phía trước và tìm kiếm thương vụ tiếp theo.

Thu Thảo
Nguồn Thanh Niên