Khách sạn truyền thống dè chừng Airbnb

Nếu như vài năm trước, giới kinh doanh khách sạn tại Việt Nam chưa bận tậm lắm đến dịch vụ chia sẻ phòng nghỉ Airbnb thì nay tình hình đã khác. Nhiều khách sạn đã bắt đầu dè chừng đối thủ đang có trong tay hàng chục ngàn phòng cho thuê trên khắp cả nước như Airbnb.

Hai năm trước, ở Việt Nam chỉ có chừng vài ngàn phòng cho thuê theo dịch vụ Airbnb, tập trung chủ yếu tại những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, nhưng nay tình hình đã rất khác vì số lượng phòng cho thuê qua Airbnb ở thị trường này đã tăng lên gấp nhiều lần. Theo số liệu được cung cấp bên lề sự kiện công bố Khảo sát khách sạn Việt Nam năm 2018 diễn ra vào tháng 7-2018, hiện đã có hơn 16.000 phòng cho thuê theo ứng dụng này tại hai thành phố lớn nhất này của Việt Nam, xấp xỉ tổng số phòng của hệ thống khách sạn từ 2 đến 4 sao của TPHCM, một trung tâm du lịch lớn nhất của cả nước.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường

Tương tự các dịch vụ khác trong nền kinh tế chia sẻ, dịch vụ khai thác phòng nghỉ cũng đã thay đổi theo xu hướng chung của thế giới và nhu cầu của của khách hàng. Hiện nay, ở Việt Nam, bên cạnh những chủ nhà cho thuê phòng xuất phát từ nhu cầu chia sẻ căn phòng trống trong gia đình để vừa có thêm thu nhập, vừa có cơ hội giao lưu với người khác, thì số lượng người xem dịch vụ này là mảng đầu tư, bỏ vốn, đi thuê nhà, căn hộ chung cư ở những vị trí đắc địa để làm dịch vụ cho thuê phòng theo mô hình Airbnb cũng chiếm số lượng lớn.

Nhiều khách sạn đã bắt đầu dè chừng Airbnb. Ảnh minh họa: Đào Loan.

Trao đổi với phóng viên, nhiều doanh nghiệp trong ngành khách sạn-du lịch cho rằng Airbnb đang ngày càng chiếm thị phần lớn hơn tại Việt Nam là nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế chia sẻ cùng tầng lớp của những người có kiến thức về Internet, về kinh doanh. Với nhiều du khách, việc đặt khách sạn qua Internet và các kênh khác không chỉ là để có chỗ ngủ cho chuyến đi mà còn là dịp ở cùng với người dân địa phương nhằm hiểu sâu hơn về văn hóa bản địa, để trải nghiệm nhiều hơn và góp phần chia sẻ lợi ích với cộng đồng dân cư nơi đó. Thế nên, việc tạo nên một kênh cho du khách có thể đến ở tại nhà dân như kiểu homestay mà Airbnb đang làm đã nhắm trúng nhu cầu mới của thị trường và thu hút khách. Hiện nay, du khách không chỉ tìm được phòng mà còn những dịch vụ khác theo nhu cầu và khả năng chi trả của mình trên Airbnb.

Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, chủ khách sạn Earth Villa ở Hội An, nếu như ngày trước, ít người nghĩ đến chuyện cho thuê lại 1, 2 phòng ngủ trong căn nhà đẹp nhưng ít người ở của mình vì ko biết cho thuê làm sao, ai thuê, rồi ngại phiền hà với người lạ... nhưng trong nền kinh tế chia sẻ hiện tại những vấn đề này là chuyện nhỏ.

Bởi vì nhiều người đã cho thuê, đã chia sẻ nên chuyện này trở nên quen thuộc và cũng rất dễ để đem căn phòng trống của nhà mình lên mạng chào thuê. “Kiểu kinh doanh này gần như là “mốt”. Nhiều người có chỗ ở còn trống, có tiện nghi và ở những vị trí có thể cho thuê được là người ta nghĩ đến chuyện đăng ký để trở thành chủ nhà. Nhiều khách sạn mini, khách sạn gia đình, nhà nghỉ cũng bắt kịp và tham gia vào xu hướng này, tạo nên một “ngôi chợ” lớn trên mạng”, ông nói. Theo ông, không chỉ những thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, số lượng chủ nhà tham gia dịch vụ chia sẻ phòng trên Airbnb ở các thành phố khác cũng rất lớn. Chẳng hạn, dịch vụ này đang phát triển rất mạnh ở Hội An, nơi thu hút một lượng khách du lịch đông đảo, lại có nhiều khách sạn mini và các nhà vườn đẹp.

Theo Báo cáo Thường niên Du lịch Việt Nam 2017 của Tổng cục Du lịch, loại hình nhà nghỉ du lịch chiếm số lượng đến 45% trong tổng số 17.422 cơ sở lưu trú được xếp hạng tính đến hết năm 2017. Tính đến hết năm ngoái, cả nước có 7.823 nhà nghỉ du lịch cung cấp 94.765 phòng ngủ.

Loại hình lưu trú homestay cũng phát triển khá mạnh với 1.763 cơ sở cung cấp 12.948 phòng. Khối khách sạn có số lượng lớn hơn với 7.433 khách sạn và tổng cộng 256.142 phòng, chiếm 42,7% trong tổng số cơ sở lưu trú và 69,1% trong tổng số phòng của cả nước. Các dịch vụ lưu trú khác như làng du lịch, tàu thủy du lịch... có số lượng không đáng kể.

Năm 2017, cả nước có hơn 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm trước đó và 73,2 triệu lượt khách nội địa, tăng 18,1%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 541.000 tỉ đồng.

Ông Tào Văn Nghệ, chuyên gia trong ngành khách sạn, cũng có sự nhận định tương tự. Theo ông, với những du khách đi du lịch một mình, muốn khám phá đời sống bản địa, tiếp cận gần nhất với người dân địa phương thì thuê phòng, nhà qua Airbnb là cách tốt để gia tăng sự trải nghiệm. Nắm bắt điều này và để gia tăng lợi thế cạnh tranh, Airbnb liên tục có những chương trình “offline” để hướng dẫn các chủ nhà gia tăng dịch vụ phòng và trải nghiệm cho khách hàng. Thế nên, hiện tại nhiều chủ nhà không chỉ dừng lại ở việc cung cấp bữa ăn sáng nhẹ mà còn cung cấp thêm các dịch vụ khác như các tour trải nghiệm tại địa phương làm cho thị trường đa dạng hơn.

Khách sạn truyền thống lo mất khách

Sự phát triển mạnh mẽ về số lượng phòng cho thuê của Airbnb đã khiến nhiều chuyên gia và chủ khách sạn, đặc biệt là khách sạn có quy mô nhỏ lo ngại. Họ e rằng nếu nếu số lượng phòng Airbnb vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ như các năm vừa qua thì trong thời gian không lâu nữa, những chủ nhà cho thuê phòng qua ứng dụng Airbnb sẽ là một đối thủ lớn của các khách sạn truyền thống. "Dịch vụ chia sẻ phòng đang phát triển rất nhanh và khó có thể kìm hãm được. Hiện tại, nhiều khách sạn từ 1-3 sao đang bị ảnh hưởng", ông Nghệ nói.

Người quản lý của một khách sạn nhỏ ở trung tâm TPHCM cho biết, vài năm trước ông chưa để ý đến Airbnb nhưng gần đây, hầu như tuần nào ông cũng theo dõi danh sách thêm vào (listing) trên Airbnb vì số lượng chủ nhà trên ứng dụng này đang tăng quá nhanh và rất nhiều trong đó đang cho thuê loại phòng có chất lượng tương đương như khách sạn này.

“Dịch vụ này (Airbnb) đang chia sẻ khách hàng với những khách sạn như chúng tôi", ông nói.

Những căn phòng ở Việt Nam đang được giới thiệu cho khách thuê trên Airbnb.

Vị doanh nhân này và nhiều người khác làm việc trong ngành khách sạn cho rằng họ đang phải đương đầu với sự cạnh tranh không công bằng vì những chủ nhà không phải đóng thuế cũng như không phải đáp ứng những yêu cầu về kinh doanh khách sạn theo Luật Du lịch của Việt Nam. Nhiều người trong số họ đã đề nghị cần phải có biện pháp quản lý hữu hiệu để bảo đảm tính công bằng cho những doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn truyền thống.

Ông Võ Anh Tài, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn, cho biết nhiều nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan và Nhật Bản đã có những quy định cụ thể với dịch vụ của Airbnb. Trong đó, Thái Lan không cho phép hoạt động cho thuê nhà qua Airbnb với thời hạn dưới một tháng và phạt nặng những trường hợp vi phạm. Luật nước này quy định, nhà chung cư chỉ được phép cho thuê dài hạn từ 30 ngày trở lên đưa các căn hộ chung cư, nhà riêng cho thuê ngắn hạn vào dạng khách sạn... Hiệp hội khách sạn Thái Lan cho rằng ứng dụng Airbnb này đã ảnh hưởng không nhỏ đến kinh doanh khách sạn truyền thống và đề nghị cấm khách sạn không đăng ký bán phòng trên ứng dụng Airbnb.

Trước lời than phiền của người dân sống trong chung cư về việc chủ nhà cho thuê Airbnb khiến người đến ở nhiều, khiến mất an ninh, ồn ào trong khi người dân đã trả tiền để có những tiện ích này, Chính phủ Singapore cũng đã có quy định mới về cho thuê nhà ở và phạt nặng những chủ nhà cho thuê nhà ngắn hạn (dưới 30 ngày) qua Airbnb. Trong khi đó, Nhật Bản quy định, du khách ở trong nhà riêng không có sự cho phép của chính quyền địa phương thì được coi là bất hợp pháp và tất cả chung cư ở Tokyo không được kinh doanh cho thuê nhà qua Airbnb.

“Nếu chúng ta quản lý dựa trên thực tiễn, được người dân và cơ quan quản lý ủng hộ thì ngành du lịch sẽ phát triển trong một môi trường quản lý tốt, tạo công bằng cho doanh nghiệp," ông Tài nói trong buổi tọa đàm về du lịch tại TPHCM hồi tháng trước.

Airbnb đang ngày càng chiếm thị phần lớn hơn tại Việt Nam.

Chuyên gia Tào Văn Nghệ cũng ủng hộ quan điểm phải quản lý dịch vụ chia sẻ phòng qua ứng dụng Airbnb. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, không nên quản lý theo kiểu cấm đoán mà nên tạo điều kiện để chủ nhà gia tăng dịch vụ trải nghiệm cho du khách cũng như đáp ứng các điều kiện an toàn, vệ sinh... của ngành kinh doanh khác sạn và phải đóng thuế. Theo ông, để thu thuế các chủ nhà cho thuê phòng trống trên Airbnb, cơ quan thuế có thể nghiên cứu cách thu thuế theo kiểu thuế khoán. Cơ quan quản lý du lịch cũng có thể quản lý chất lượng dịch vụ dựa trên những tiêu chuẩn đánh giá cơ sở lưu trú hiện hữu như nhà nghỉ, căn hộ cho thuê...

“Như tôi đã nói, nhìn dưới góc độ du khách thì dịch vụ lưu trú kiểu Airbnb góp phần tăng thêm trải nghiệm cho họ cho nên khi tính đến quản lý dịch vụ thì cần phải tính đến nhu cầu của khách hàng. Kế đó là góp phần cho người dân nâng cao thu nhập và sau đó là chuyện thu thuế”, ông nói.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, chủ khách sạn Earth Villa, cho rằng dịch vụ Airbnb mới phát triển mạnh mẽ tuy làm cho khách sạn truyền thống phải cạnh tranh gay gắt hơn nhưng cũng là cơ hội để hoàn thiện dịch vụ và linh hoạt kênh bán hàng. Trong đó, xu hướng du lịch bền vững, hướng du khách đến loại hình du lịch trải nghiệm đời sống bản địa, gần gũi và tiếp cận với văn hóa địa phương là điều mà chủ khách sạn cần phải học hỏi để bắt kịp nhu cầu của du khách. Những cách mà ứng dụng Airbnb thực hiện để giữ khách hàng trung thành như ưu tiên đặt chỗ, tặng voucher đặt chỗ, đánh giá thăng hạng cho khách.... là kiểu chăm sóc khách hàng rất đáng để cho các khách sạn nhỏ như Earth Villa học hỏi để chăm sóc khách hàng tốt hơn.

Xu hướng du lịch bền vững, hướng du khách đến loại hình du lịch trải nghiệm đời sống bản địa, gần gũi và tiếp cận với văn hóa địa phương là điều mà chủ khách sạn cần phải học hỏi để bắt kịp nhu cầu của du khách.

“Gần đây, chúng tôi đã tổ chức những lớp học nấu ăn, mời khách cùng ăn cơm với gia đình vào những ngày có sự kiện trong nhà như cúng giỗ. Nhiều người rất thích thú và để lại các ý kiến phản hồi rất tốt”, ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, nhờ việc tối ưu hóa lợi nhuận và có giá bán tốt nên khách sạn cũng đã tính toán tất cả các khâu đầu vào, tìm nhiều biện pháp tiết kiệm điện, nước; mở rộng kênh bán hàng nhằm thích ứng với điều kiện cạnh tranh mới. “Với thời đại kinh tế chia sẻ, khách sạn không chỉ phải cạnh tranh với Airbnb mà còn với nhiều ứng dụng khác cho nên nếu không thay đổi và có kế hoạch kinh doanh linh hoạt là không tồn tại được”, ông Thủy nói.

Một trong những ứng dụng khác mà ông Thủy nhắc đến là trang web chia sẻ phòng ngủ dành cho thị trường Việt Nam. Ứng dụng này, sử dụng hai ngôn ngữ Anh và Việt, không chỉ kết nối hàng loạt phòng trống ở TPHCM, Đà Lạt, Nha Trang, Hội An, Đà Nẵng, Hà Nội mà còn giới thiệu hàng loạt tour trải nghiệm tại địa phương.

Mặc dù đang phải đối mặt với sức ép đang ngày một gia tăng từ dịch vụ chia sẻ phòng Airbnb, ông Thủy và nhiều chủ khách sạn khác cho rằng khách sạn cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh so với dịch vụ chia sẻ phòng.

Chẳng hạn, khách sạn nhỏ hai sao có những dịch vụ về phòng họp, ăn uống... trọn gói; có thể phục vụ khách đoàn - phân khúc mà các chủ nhà khó tiếp cận. Thêm vào đó, thị trường du lịch Việt Nam hiện đang phát triển rất mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng đến vài chục phần trăm mỗi năm cho cả mảng quốc tế và nội địa nên còn nhiều phân khúc, cơ hội cho các khách sạn truyền thống tiếp cận và khai thác.

Đào Loan
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn