Khai thác du khách Nhật: Không chỉ ưu tiên điểm đến

Không chỉ là quốc gia có nguồn vốn đầu tư lớn vào Việt Nam, Nhật Bản sẽ là "gà đẻ trứng vàng" cho ngành du lịch nếu biết khai thác. Nhật Bản là một trong 3 nước có lượng du khách đến Việt Nam nhiều nhất hiện nay.

Theo Tổng cục Du lịch, năm 2017, Việt Nam đón hơn 800.000 lượt khách Nhật, tăng 7% so với năm trước. Những năm gần đây, lượng du khách Nhật đến các nước Đông Nam Á khoảng 4,9 triệu người, trong đó đến Việt Nam đứng thứ hai, chỉ sau Thái Lan.

Ở chiều ngược lại, Nhật Bản cũng thu hút một lượng không nhỏ du khách đến từ Việt Nam. Năm 2016, lượng khách Việt đến Tokyo tăng đến 26% so với năm 2015, đạt 240.000 người Việt. Năm 2017, có khoảng 300.000 lượt khách Việt sang Nhật du lịch và tỷ lệ gia tăng thị trường khách Việt luôn nằm trong nhóm đầu của ngành du lịch Nhật Bản.

Xu hướng khách du lịch đến từ Nhật Bản tăng đã diễn ra liên tục từ nhiều năm nay. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, nếu như năm 2014 có hơn 647.000 lượt khách Nhật đến Việt Nam (tăng 7,3% so với năm 2013) thì đến năm 2015 là hơn 671.000 lượt (tăng 3,6%), năm 2016 là hơn 740.000 lượt (tăng 10,3%), năm 2017 lên hơn 800.000 lượt (tăng hơn 7%).

Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến tại Việt Nam được du khách Nhật Bản ưa chuộng. Ảnh: B.Hồng.

Trong 8 tháng đầu năm nay, lượng khách Nhật đến Việt Nam du lịch tiếp tục tăng với hơn 465.000 lượt. Hiện nay, khách du lịch Nhật xem Việt Nam là điểm đến ưa thích vì có nhiều bãi tắm đẹp, điểm đến hấp dẫn gồm vịnh Hạ Long, phố cổ Hội An, Đà Nẵng, TP.HCM...

Chia sẻ tại hội thảo du lịch Việt Nam - Nhật Bản tuần trước, Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA) cho rằng, 3 phân khúc khách hàng Nhật quan trọng mà ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm là nhóm khách gia đình, nhóm khách trung niên và thế hệ F1 - F2 sau đó.

Trong số này, nhóm khách trung niên là lượng khách quan trọng vì có thu nhập tốt và có thời gian để du lịch. Nhóm khách gia đình là thị trường tiềm năng vì xu hướng du lịch nước ngoài của nhóm này đang tăng lên. Nhóm khách F1 - F2 không đi tour hạng sang nhưng lại tạo nên sức mạnh truyền thông mạnh mẽ cho điểm đến.

Không phải đến bây giờ du khách Nhật mới quan tâm đến Việt Nam mà ở những năm 2000 đã có "làn sóng du khách Nhật". Thời điểm đó, Việt Nam như một điểm đến mới lạ, an toàn thu hút du khách Nhật. Người Nhật rất thích áo dài, thích ẩm thực Việt. Đã vậy, chính phủ 2 nước còn khuyến khích công dân qua lại du lịch, học tập càng khiến cho lượng khách Nhật tăng đột biến.

Du khách Nhật Bản tại TP.HCM.

Thế nhưng, sự hiếu kỳ về điểm đến mới rồi cũng qua, du khách Nhật đang tìm đến các dịch vụ tốt mà điều này thì Việt Nam chưa đạt được nên nhiều du khách đã không quay trở lại. Các tuyến du lịch được cho là ưa thích của du khách Nhật là TP.HCM - Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Nẵng, Huế - Hội An, Hội An - Hạ Long thì chỉ có Đà Nẵng mới mẻ và TP.HCM có một số thay đổi. Huế, Đồng bằng sông Cửu Long không có gì mới trong khi Hạ Long đẹp nhưng ít người biết vì thiếu các chương trình quảng bá hiệu quả.

Chia sẻ với báo giới hồi cuối năm 2017, đại diện của Tổng cục Du lịch cho biết, doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị tăng cường cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch. Trong đó, các vấn đề được đề cập nhiều là vệ sinh (vệ sinh ăn uống và vệ sinh công cộng), nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, phong cách phục vụ.

Những năm qua, để thu hút du khách Nhật, đã có nhiều chương trình xúc tiến du lịch, và các doanh nghiệp cũng liên tục mở đường bay, tour tuyến mới. Hiện Tổng cục Du lịch thực hiện một số chương trình tiếp thị tại Nhật Bản. Trong đó, trong tháng 9/2018, Tổng cục Du lịch cùng doanh nghiệp và một số cơ quan xúc tiến du lịch địa phương tổ chức roadshow quảng bá du lịch tại 4 thành phố Sapporo, Kanagawa, Fukuoka và Osaka.

Trước đó, chương trình quảng bá và gặp gỡ doanh nghiệp du lịch Nhật Bản cũng đã được thực hiện tại Tokyo, Sendai, Nagoya. Năm ngoái, Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản và Tổng cục Du lịch Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ việc hợp tác xúc tiến du lịch 2 nước với kỳ vọng gia tăng lượng du khách qua lại giữa 2 bên. Mục tiêu đến năm 2018, Việt Nam đón được 1 triệu lượt khách Nhật và lượng khách Việt sang Nhật đạt 500.000 lượt.

Khách du lịch Nhật Bản tham qua chùa Thiên Mụ.

Bà Nguyễn Thị Thúy Bình - Phó tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Vietjet chia sẻ, Nhật Bản là điểm đến mới nhất của Công ty với mong muốn sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng du lịch. Trong 3 tháng tới (11, 12/2018 và 1/2019), Vietjet sẽ lần lượt mở 3 đường bay Hà Nội - Osaka, TP.HCM - Osaka, Hà Nội - Tokyo. Đây là 3 đường bay đầu tiên bắt đầu cho kế hoạch mở rộng mạng bay đến các điểm đến khác tại Nhật Bản, mang lại nhiều lựa chọn du lịch cho người Việt và Nhật.

Để thu hút hơn nữa du khách Nhật, các doanh nghiệp cho rằng ngành du lịch cần có những chính sách mạnh mẽ để phát triển điểm đến, tạo thêm sản phẩm mới và đào tạo nguồn nhân lực. Trong đó, nguồn nhân lực khu vực miền Trung - nơi đang thu hút nhiều du khách Nhật được cho là rất khan hiếm. Cách thu hút khách của Keio Plaza Hotel (Nhật Bản) rất đáng để học hỏi.

Nằm ở trung tâm của quận Shinjuku - nơi nhộn nhịp nhất của Tokyo, Keio Plaza Hotel là khách sạn chọc trời đầu tiên của Nhật Bản và là khách sạn có quy mô lớn thứ 2 ở Tokyo. Khách sạn có đến 1.480 phòng lưu trú, 20 nhà hàng và quán bar, nhiều dịch vụ để khách quốc tế tìm hiểu về phong tục, tập quán và văn hóa Nhật Bản.

Mặc dù lúc nào cũng kín chỗ (thời điểm thấp điểm cũng đạt 80% phòng) nhưng Keio Plaza Hotel vẫn thường xuyên truyền thông quảng bá thương hiệu ra nước ngoài. Khách sạn trang bị máy phiên dịch 12 ngôn ngữ trong đó có tiếng Việt thông qua máy tính bảng có kết nối với nhân viên tổng đài. Cuối năm 2016, khách sạn này đã dành đến 140 triệu yen để cải tạo Sky Lounge, biến nơi này thành một không gian ăn uống cùng tầm nhìn bao quát thủ đô Tokyo từ độ cao 160 mét.

Hồng Nga
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn