Tỷ phú Thái vẫn thèm Vinamilk

Vì không muốn bỏ qua cơ hội của cổ phiếu tăng giá 16 lần trong 10 năm qua.

Thèm nhưng vẫn mua từ từ

Sau các thương vụ đình đám của JC&C, cơn thèm ăn của nhà đầu tư nước ngoài với cổ phiếu của VNM của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) vẫn chưa dừng lại.

Trong năm ngoái, giữa F&N và JC&C đã xảy ra cuộc đua mua cổ phiếu VNM. Trái với sự hăm hở của JC&C khi công ty này “mạnh tay” mua vào 10,63% cổ phần của VNM với giá ngất ngưởng gần 1,15 tỷ USD, F&N dù muốn mua vào những họ vẫn ngập ngừng.

Vào thời điểm tháng 11.2017, Ông Kevin Snowball, Tổng giám đốc của PXP Vietnam Asset Management nhận định rằng F&N có thể đang muốn trở thành cổ đông kiểm soát tại VNM lên đến 51%. Và với những đông thái mua vào tích cực của JC&C, ông nói: "Nếu F&N có ý định tăng cổ phần của họ (tức F&N), họ phải thực tế trở nên thực tế hơn trong việc ra giá, điều mà họ đã trì hoãn trong nhiều tháng, và họ cần phải hành động nhanh". Lý do cho sự ngập ngừng của F&N là do điều kiện thị trường không phù hợp, có thể thấy tổ chức này “sợ” họ bị "hớ" vì có thể phải mua với giá cao.

Nguồn: VNDirect.

Tới thời điểm hiện tại, F&N đã chi tiền mua rất dè dặt để mua cổ phiếu VNM. Kể từ đầu năm, họ chỉ mới mua được gần 20,5 triệu cổ phiếu VNM. Tính đến ngày 12.9, F&N sở hữu hơn 251 triệu cổ phiếu Vinamilk tương ứng 17,31% tỉ lệ sở hữu. Nếu giao dịch lần này được thực hiện thành công, F&N sẽ tăng số cổ phiếu Vinamilk đang nắm giữ lên gần 265,8 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 18,31%. Tuy nhiên, tất cả những lần trước, F&N chưa lần nào mua được lượng cổ phần mong muốn và tính luôn cả lần này nữa thì F&N đã đăng ký mua VNM đến lần thứ 7 trong năm 2018 này.

Và với diễn biến cổ phiếu VNM và thị trường chứng khoán Việt Nam thì rõ ràng là F&N đang có lý, kể từ sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2017 và đầu năm 2018, thì cổ phiếu VNM có lúc đã giảm 30% từ 174.000đ/cp xuống 122.000đ/cp. Điều này nằm trong xu hướng chung của thị trường chứng khoán Việt Nam, sau giai đoạn bùng nổ vào đầu năm 2018 đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Triển vọng Vinamilk

Hiện tại, VNM vẫn là một công ty đáng để đầu tư với nhiều tổ chức, khi công ty đang nắm gần 60% thị phần thị trường sữa tươi. Lợi nhuận của công ty là rất ổn định và năm nào cũng chi cổ tức, đậm và đều, khiến các cổ đông hài lòng. Thậm chí, chính F&N cũng lãi hơn 1,2 tỷ đô la Singapore vào thời điểm kết thúc kỳ báo cáo tài chính quý 3.2017. Điều này cũng là dễ hiểu khi mà những nhà đầu tư dài hạn vào VNM trong 10 năm qua có thể lãi khoảng 16 lần.

Dù vậy, hiện VNM cũng đang gặp một số khó khăn, nổi bật trong đó là tăng trưởng của công ty đang chậm lại. Trên thực tế, sau chặng đường bứt phá mạnh mẽ, ngành sữa Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, ở mức trung bình khoảng 7%.

Trong khi đó, cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng gay gắt khi thị trường xuất hiện thêm những tên tuổi như TH TrueMilk, Nutifood, bên cạnh những đối thủ cũ là FrieslandCampina, Long Thành, Đà Lạt, Mộc Châu, Ba Vì... Vinamilk, ở vị thế dẫn đầu thị trường, chiếm 58% thị phần và đạt quy mô doanh thu lên tới hàng tỉ USD thì mỗi tăng trưởng đều cho giá trị rất lớn.

Để giành lấy thêm 1% thị phần mỗi năm, như chiến lược đề ra đến năm 2021 chiếm lĩnh 60% thị phần cả nước, Vinamilk phải duy trì tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Năm 2017, Vinamilk thực hiện được điều này khi doanh thu nội địa tăng tới 13,6%, chiếm thêm 2% thị phần. Và thực tế là lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của VNM lũy kế 6 tháng đầu năm giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 5.368 tỷ đồng, dù vẫn là một con số khủng.

Dù vậy, giới phân tích hiện vẫn đánh giá tích cực về VNM. Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM nhận định rằng: “Triển vọng tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam vẫn khả quan nhất khu vực. Chúng tôi tiếp tục dự báo ngành sữa sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 9% trong vài năm tới nhờ chi tiêu nội địa trên đầu người cho các sản phẩm sữa vẫn thấp hơn khu vực. Ngoài ra dân số và mức độ đô thị hóa hiện vẫn đang tăng. Và có vẻ giới trẻ vẫn tiếp tục sử dụng các sản phẩm sữa mặc dù đã trưởng thành”. Ngoài ra, HSC còn đánh giá tích cực về các chiến lược M&A của VNM nhằm tìm ra động lực tăng trưởng mới.

Thanh Tùng
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư