Khi truyền hình thể thao không còn là “món ăn” đương nhiên miễn phí!

Sau bản quyền World Cup 2018 gây cấn, sốt ruột… đến phút cuối, giờ đến lượt bản quyền ASIAD 2018 cũng gặp “đoạn trường” đối với giới hâm mộ thể thao nói chung và những fans của đội tuyển U23 Việt Nam nói riêng.

Sức nóng bản quyền ASIAD 2018 nằm ở U23 Việt Nam

Đây là một thực tế. Hầu hết dư luận chờ đợi các nhà đài mua được bản quyền phát sóng ASIAD 2018 là để xem đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam ra sân. Bởi, sau thành tích ấn tượng tại Vòng chung kết Giải bóng đá U23 Châu Á, U23 Việt Nam giờ đây có một sức hút rất lớn. Và cũng rất thực tế là, tại sân chơi ASIAD, Việt Nam khó có thể kì vọng gì nhiều, vì thế đối với nhiều người hâm mộ chỉ cần cập nhật tin tức hàng ngày, hàng giờ trên website, truyền hình.v.v… cũng đã là đủ. Cho nên, cũng không quá nếu cho rằng, mua bản quyền phát sóng ASIAD 2018 chủ yếu là để xem U23 Việt Nam.

Có lẽ chính vì thế mà các nhà đài đã phải cân nhắc nên mua hay không bởi còn liên quan tới bài toán khai thác thương mại như thế nào để chí ít hòa vốn hoặc khá hơn thì có lãi, đặc biệt là khi mùa World Cup 2018 vừa mới qua chưa lâu và nhu cầu quảng bá của các doanh nghiệp đối với sóng truyền hình ASIAD 2018 chưa rõ như thế nào.

Mức giá bản quyền ASIAD 2018 đối với thị trường Việt Nam lúc đầu được cho rằng chỉ khoảng 500.000USD (một tham chiếu khác là Hồng Kông giá bản quyền phát sóng ASIAD 2018 khoảng 2 triệu USD), song các nhà đài Việt Nam không mặn mà. Đến khi KJSM World Corp (Hàn Quốc) nhảy vào và nắm giữ, mức giá sau đó được Cty này nâng lên, khả năng đàm phán mua được giá thấp của các nhà đài Việt Nam càng khó khăn hơn.

Các trận đấu của U23 Việt Nam là tâm điểm thu hút người xem truyền hình ASIAD 2018.

500.000USD có phải là quá lớn cho bản quyền ASIAD 2018? Không. Như đã nói, tâm điểm chính của bản quyền ASIAD 2018 là các trận đấu của U23 Việt Nam, nếu không thể kì vọng đội tuyển đi được xa thì sự tính toán trong lộ trình thương mại bản quyền là điều rất cần phải cân nhắc kĩ. Giả sử trong trường hợp U23 Việt Nam dừng lại ở vòng loại, sức hút từ bản quyền ASIAD 2018 đối với công chúng Việt Nam không còn nhiều, bài toán hoàn vốn sẽ khó khăn hơn nếu không có tài trợ.

Nhưng từ trường hợp bản quyền ASIAD 2018 thêm một lần nữa đánh động tới nhận thức của người hâm mộ, là bản quyền các giải thể thao nói chung và các giải bóng đá nói riêng cho dù là sân chơi ASIAD đi nữa cũng không còn là “món ăn” đương nhiên được miễn phí nữa. Và nó cũng không thuộc phạm trù nghĩa vụ hay trách nhiệm của các đài truyền hình quảng bá sử dụng ngân sách nhà nước để hoạt động phải mang về cho bằng được. Sóng truyền hình phục vụ nhu cầu giải trí và sóng truyền hình phục vụ các nhu cầu dân sinh cơ bản hoàn toàn khác nhau và nhiều quốc gia trên thế giới đã tách bạch rõ điều này. Sự năng động, tháo vát của các đài truyền hình quảng bá khi lấy được bản quyền các giải thể thao lớn mang về phát sóng phục vụ miễn phí sẽ tạo được sự tín nhiệm đối với công chúng, nhưng về cơ bản trước hết họ phải giải được bài toán hiệu quả kinh tế.

Miễn phí không có nghĩa người xem không trả gì

Trong trường hợp Đài VTC mua được bản quyền truyền hình ASIAD 2018 để phát sóng tại Việt Nam trong những ngày tới, thì cũng đừng nghĩ rằng đây là một sự “bắt buộc” hay “đương nhiên” nhà đài này phải làm. Khi bản quyền truyền hình các giải thể thao lớn đang dần được thương mại hóa, thì cơ bản để giải quyết một bài toán về thương mại cần phải có những phép giải về kinh doanh tương ứng.

Khi bản quyền truyền hình các giải thể thao lớn đang dần được thương mại hóa, thì cơ bản để giải quyết một bài toán về thương mại cần phải có những phép giải về kinh doanh tương ứng.

Một trường hợp điển hình là gần đây Facebook đã bỏ ra tới 264 triệu USD để mua bản quyết phát sóng giải Ngoại hạng Anh tại 4 quốc gia gồm Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia trong ba mùa giải từ 2019-2022, trong đó giá mua bản quyền cho thị trường Việt Nam lên đến 100 triệu USD. Sau thương vụ này, Facebook lại tiếp tục mua bản quyền phát sóng Giải vô địch bóng đá Tây Ban Nha (La Liga) cho thị trường Ấn Độ. Và mới nhất, “gã khổng lồ” này còn mua tiếp bản quyền phát sóng giải bóng đá Champions League và Siêu cúp châu Âu (Super Cup) trong ba mùa bắt đầu từ năm 2018 cho khu vực Mỹ Latin.

Cuộc đấu mua bản quyền truyền hình thể thao đang ngày càng thoát khỏi ranh giới truyền thống chỉ trong nội bộ các nhà đài. Áp lực đã gia tăng khủng khiếp sau khi Facebook nhập cuộc vào lĩnh vực này và có thể sẽ còn tiếp tục mở rộng ra các giải và khu vực, thị trường khác nữa. Đây là một thực tế cho thấy, việc trông chờ xem miễn phí chương trình phát sóng trực tiếp các giải thể thao lớn đang ngày càng xa vời và không thể còn xem là “món ăn” đương nhiên được miễn phí nữa. Một khi không nhận thức được vấn đề này, cứ mỗi mùa giải đến dư luận sẽ cứ “sôi sùng sục” quanh câu chuyện có hay không có bản quyền phát sóng để phục vụ miễn phí.

Ngay cả trường hợp Facebook, người đứng đầu mảng nội dung thể thao của mạng xã hội này - Peter Hutton - cho biết sẽ phát sóng miễn phí các giải đấu cho người dùng Facebook tại các khu vực, quốc gia. Tuy nhiên khái niệm “miễn phí” ở đây chỉ có tính tương đối và cần được hiểu trong sự vận động của nền kinh tế thời đại số hóa. Người xem không phải trả phí (tiền) trực tiếp cho dịch vụ nhưng hành vi xem của họ tạo ra nguồn thu về quảng cáo cho bên phát sóng cũng chính là một sự “trả phí”.

Thế Lâm
Nguồn Lao Động