Adayroi đang ở đâu rồi?

Khi các đối thủ tăng tốc, Adayroi tỏ ra khá im ắng. Tuy nhiên, trang thương mại điện tử này vẫn có những lợi thế và cơ hội trong cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Việc trang thương mại điện tử Sendo nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các công ty nước ngoài tiếp tục cho thấy tiềm năng khổng lồ của thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Thị trường này có vẻ như sẽ tiếp tục chứng kiến cuộc chiến đốt tiền để giành thị phần trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, cái tên đình đám một thời Adayroi.com vẫn là ẩn số.

Im ắng khi các đối thủ liên tục được rót vốn

Sau khi Shopee chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam năm 2016 và đạt được tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã được định hình với 5 cái tên nổi bật nhất là Lazada, Shopee, Tiki, Sendo và Adayroi.

Trong khoảng 1 năm trở lại đây, Lazada, Tiki và mới nhất là Sendo đều được bơm thêm những số vốn khủng để phục vụ cho cuộc chiến giành thị phần khốc liệt trên thị trường thương mại điện tử được dự đoán có thể đạt quy mô 10 tỷ USD vào năm 2022.

Sau khi các đối thủ được rót vốn, Adayroi tỏ ra khá im ắng. Ảnh chụp màn hình.

Sau khi mua lại Lazada vào năm 2016, Alibaba mới đây đã công bố sẽ tiếp tục rót thêm 2 tỷ USD vào nền tảng thương mại điện tử này, nâng tổng số tiền đầu tư vào Lazada tại khu vực Đông Nam Á lên con số 4 tỷ USD.

Tiki sau khi nhận được khoản đầu tư 17 triệu USD năm 2016 tiếp tục được rót thêm 44 triệu USD vào tháng 11/2017 từ JD.com – đối thủ số một của Alibaba tại thị trường Trung Quốc. Và chỉ 2 tháng sau, vào tháng 1 năm nay, JD tiếp tục rót thêm một khoản đầu tư chiến lược vào Tiki.

Mới đây nhất, Sendo vừa nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ 4 nhà đầu tư cũ: FPT, eContext Asia, BeeNext, Beenos và 4 nhà đầu tư mới: SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures với con số chi tiết của từng công ty không được tiết lộ.

Trong khi đó, công ty mẹ của Shopee là SEA cũng IPO thành công trên sàn chứng khoán New York vào tháng 10/2017 và thu về 884 triệu USD.

Với riêng Adayroi, hầu như không có thông tin nào đáng chú ý ngoài việc thay đổi lãnh đạo hồi tháng 5/2017.

Ở đâu trong cuộc đua truyền thông và chỉ số?

Theo số liệu từ Báo cáo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam trong quý II/2018 của Iprice Insight, website Adayroi.com chỉ có trung bình chưa đầy 5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, cách xa con số của các đối thủ như Lazada - gần 33 triệu, Shopee - hơn 26 triệu, Tiki - gần 20 triệu và Sendo - hơn 16 triệu.

Cũng theo báo cáo này, xếp hạng ứng dụng của Adayroi chỉ đứng thứ 6 và thứ 9 trên lần lượt 2 hệ điều hành iOS và Android trong khi các ứng dụng Shopee, Lazada, Sendo và Tiki lần lượt chia nhau các vị trí từ thứ 1 đến thứ 4 trên cả 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay.

Xếp hạng ứng dụng của Adayroi chỉ đứng thứ 6 và thứ 9 trên lần lượt 2 hệ điều hành iOS và Android. Ảnh minh họa.

Trong các hoạt động truyền thông, Adayroi cũng không có động thái đặc biệt nào trước các chương trình rầm rộ của đối thủ. Hơn 1 năm qua, Lazada làm mưa làm gió với các chiến dịch “Mưa sale băng”, “Truyền nhân đón Tết, thích gì sắm hết” và gần đây nhất là “Đại tiệc sinh nhật - Khai phá giới hạn mua sắm”. Các chiến dịch này có sự góp mặt của Tóc Tiên, Kaity Nguyễn và Will – những cái tên có lượng fan lớn là giới trẻ hiện nay.

Shopee sau một thời gian sử dụng Sơn Tùng làm hình ảnh đại diện đã nhanh tay hợp tác với Bùi Tiến Dũng – chàng cầu thủ hot nhất trong đội hình U23 Việt Nam làm nên kỳ tích á quân châu Á ở giải năm nay. Ca khúc Shopee dựa trên nền nhạc Baby Shark do chàng cầu thủ điển trai này thể hiện cùng Bảo Anh đã gây sốt ngay lập tức sau khi ra mắt.

Còn Tiki cũng lựa chọn Hà Đức Chinh – một tuyển thủ khác trong đội hình U23 Việt Nam cùng với Chi Pu cho những chiến dịch gần đây của mình. Trước đó, Ngọc Trinh, Bích Phương, Isaac cũng xuất hiện trong các hoạt động truyền thông của thương hiệu này.

Sendo không bắt tay với KOL đình đám nhưng cũng rất tích cực trong việc ra mắt các TVC với hình ảnh chị đại Sen Đỏ và viral clip mới cho từng chiến dịch cụ thể trong thời gian gần đây.

Riêng Adayroi có vẻ vẫn chỉ tập trung cho hoạt động bán hàng và khuyến mãi, thay vì các chiến dịch truyền thông rầm rộ.

Lợi thế nào cho Adayroi?

Sau khi Sendo chính thức được rót vốn 51 triệu USD từ các nhà đầu tư ở Nhật Bản và một số nước châu Á khác, Adayroi chính là sàn thương mại điện tử duy nhất trong số năm cái tên nổi bật nhất hiện nay trên thị trường không được hậu thuẫn bởi các quỹ ngoại. Những cổ đông của Lazada, Shopee, Tiki, Sendo đều là các đơn vị có tiềm lực và kinh nghiệm chinh chiến ở các lĩnh vực công nghệ và thương mại điện tử. Điều này sẽ là một thách thức không nhỏ với Adayroi.

Tuy nhiên, sàn thương mại điện tử này lại sở hữu một lợi thế mà không một đối thủ nào dễ dàng có được – đó chính là hệ sinh thái của Vingroup.

Adayroi có lợi thế vì nằm trong hệ sinh thái của Vingroup. Ảnh minh họa.

Với lợi thế khổng lồ về mặt bằng cũng như kinh nghiệm vận hành hàng loạt trung tâm thương mại Vincom, chuỗi siêu thị Vinmart, VinPro và chuỗi cửa hàng tiện lợi Vinmart+, doanh nghiệp hoàn toàn khả năng để triển khai một hoặc thậm chí nhiều cửa hàng mua sắm offline cho Adayroi để xây dựng một mô hình bán lẻ đa kênh với sự kết hợp giữa thương mại điện tử - nơi khách hàng thoả sức mua hàng với mức giá tốt nhất cùng bán lẻ truyền thống – nơi đem đến những trải nghiệm mua sắm thật sự và kết nối khách hàng với nhà bán lẻ. Đây là bước đi đã được Amazon – kẻ khổng lồ trong ngành thương mại điện tử áp dụng.

Bên cạnh đó, với hệ sinh thái trải dài trên mọi lĩnh vực như bất động sản nghỉ dưỡng, bán lẻ, giáo dục, y tế, ẩm thực và cả xe, điện thoại thông minh trong thời gian sắp tới, Adayroi có cơ hội sở hữu một tập khách hàng khổng lồ và cực kì tiềm năng.

Cùng với đó, các chương trình thành viên của Adayroi có thể giúp khách hàng nhận được ưu đãi từ những đơn vị khác trong hệ sinh thái của Vingroup cũng là một lợi thế cạnh tranh mà các đối thủ khác khó lòng sao chép được.

Nói cách khác, thị trường thương mại điện tử Việt Nam với quy mô và tiềm năng của mình vẫn sẽ tiếp tục là mảnh đất màu mỡ để các đối thủ tranh giành miếng bánh của nhau. Và tất nhiên, cuộc chiến “đốt tiền” trên thị trường thương mại điện tử vẫn sẽ tiếp tục và không có chỗ cho những tay chơi thiếu tiềm lực.

Với Adayroi, câu hỏi thật sự không nằm ở khả năng mà về tham vọng của họ đến đâu đối với thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Nếu đơn vị này thật sự muốn “vượt chướng ngại vật” và “tăng tốc”, cuộc chiến của thị trường này sẽ còn thú vị hơn nữa và khi đó người tiêu dùng sẽ là đối tượng được hưởng lợi sau cùng.

Việt Đức
Nguồn Zing News