Gia tăng nhu cầu truyền thông nội bộ tại Việt Nam

Sự thay đổi trong môi trường kinh doanh đã thúc đẩy nhu cầu truyền thông nội bộ. Doanh nghiệp (DN) ngày càng đối mặt với quá nhiều luồng thông tin, tình trạng người lao động nhảy việc có xu hướng tăng và nhiều ngành nghề mới ra đời.

Thông tin tuyển dụng những vị trí công việc như chuyên viên đối nội và truyền thông nội bộ, chuyên viên phòng mạng xã hội DN, chuyên viên marketing truyền thông nội bộ... ngày càng trở nên phổ biến. Mỗi ngày có hàng nghìn vị trí như trên được đăng trên các trang tuyển dụng phổ biến nhất thị trường, kèm theo đó là chế độ lương, thưởng hấp dẫn, môi trường làm việc thân thiện, sáng tạo, khuyến khích phát triển sự nghiệp cá nhân...

Nhưng tiêu chuẩn tuyển dụng cũng không dễ, đòi hỏi quán xuyến "từ trong ra ngoài" với nhiều năng lực chuyên môn lẫn kỹ năng mềm như có nhiều ý tưởng tổ chức chương trình - sự kiện kết nối nội bộ; khả năng sáng tạo nội dung; kiến thức và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện văn hóa DN cho tới quay phim, chụp hình, hiểu biết về thiết kế đồ họa...

N.T.B. - người có nhiều năm làm việc trong một công ty truyền thông cho biết cô vừa thử gửi thông tin cá nhân đăng ký ứng tuyển đồng thời hai nơi: chuyên viên PR truyền thông nội bộ của VNPT Technology và chuyên viên phòng mạng xã hội DN của Tập đoàn Nhựa Đông Á. B. cho biết thêm, nhiều năm trước đây cô đã thử dự phỏng vấn ở nhiều nơi nhưng bỏ cuộc, dù có nơi lương bổng khá hấp dẫn nhưng mô hình DN tổ chức truyền thống khó thể thuận lợi cho công việc này.

Người làm truyền thông nội bộ gần như phải "ôm" những công việc ngày trước vốn là của các bộ phận như quản lý nhân sự, hành chính và cả chuyên môn, nhưng chế độ và cách thức tổ chức DN khiến việc "sáng tạo" và kết nối rất khó khăn. Trong khi họ phải quản lý các kênh truyền thông để nâng cao kiến thức về nhận diện, phát triển thương hiệu nhân viên và DN; phát triển và làm phong phú, đa dạng thêm nhiều kênh thông tin để chia sẻ và truyền tải, phát huy nguồn lực nội bộ.

Theo B., hiện nay DN đánh giá vai trò truyền thông mạng xã hội và tổ chức nội bộ quan trọng hơn nên tính kết nối cao hơn, dễ dàng xoay trở hơn. "Vị trí này đòi hỏi sự điều phối và kết nối các bộ phận; khảo sát, đánh giá chất lượng các hoạt động, nhưng quan trọng là nhằm gia tăng sức mạnh đoàn kết nội bộ, xây dựng, phát triển văn hóa công ty để nâng cao thương hiệu DN", B. giải thích.

Truyền thông - tiếp thị nội bộ là khái niệm không còn mới mẻ với các tổ chức và DN, đặc biệt là những công ty làm dịch vụ, nhưng trong thực tế lại chưa nhiều DN nhìn nhận đó là một quá trình thu hút, tạo động lực phát triển liên tục và giữ chân những nhân viên có năng lực.

Lĩnh vực này được các chuyên gia định nghĩa: "Đó là quá trình liên tục, với sự góp sức của từng thành viên trong tổ chức, tạo động lực và thúc đẩy nhân viên ở mọi cấp độ phát huy năng lực sáng tạo để từ đó tạo nên sự hài lòng cho khách hàng và gia tăng sự nhận biết thương hiệu cho DN".

Các chuyên viên làm truyền thông nội bộ gắn với sứ mệnh xây dựng, duy trì và củng cố mối quan hệ tốt giữa các thành viên, giúp truyền tải thông điệp và tầm nhìn của lãnh đạo.

Thông điệp họ tạo ra là chất xúc tác gắn kết những con người trong một tổ chức và thúc đẩy thương hiệu DN lan tỏa nhanh ngoài thị trường. Nếu truyền thông nội bộ không đạt hiệu quả, thiếu thông suốt, nhân sự sẽ không ý thức được tầm quan trọng của việc đóng góp sức lực giúp DN đạt được mục tiêu đề ra.

Về kỹ thuật, công nghệ hiện đại đòi hỏi số hóa các kênh marketing nội bộ thay cho các kênh truyền thống để giúp DN đơn giản hóa tương tác, tối ưu hóa việc quản lý và truyền tải thông tin đến nhân viên với tính minh bạch cao hơn. Thông qua đó trao quyền kiểm soát cho các cá nhân phù hợp hơn, biến họ trở thành người chủ thực sự của các hoạt động truyền thông nội bộ.

Thông tin nội bộ cũng không còn theo một chiều cứng nhắc từ trên xuống, thay vào đó là các hoạt động tương tác nhiều bên mà mỗi nhân viên sẽ đóng vai trò tích cực làm giàu cho nội dung truyền thông và hoạt động kinh doanh của tổ chức đó.

Hoàng My
Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn