Thấy gì từ vụ kêu cứu Thủ tướng hủy giao dịch Ba Huân - VinaCapital?

Những công ty như Ba Huân khi làm việc với quỹ đầu tư mà không hiểu bản chất, ưu nhược điểm của quỹ thì sẽ gặp những rắc rối nảy sinh.

* Bài viết thể hiện góc nhìn của Tiến sĩ Đinh Thế Hiển.

Trong vụ hủy giao dịch giữa Công ty Cổ phần Ba Huân (Ba Huân) của "nữ hoàng hột vịt" và quỹ đầu tư VinaCapital, có 4 điểm cần trao đổi thêm.

Trình lên Thủ tướng và tiền lệ xấu

Trước hết là việc Ba Huân gửi đơn lên Chính phủ và Thủ tướng nhờ can thiệp để hủy thương vụ đầu tư trị giá 32,5 triệu USD.

Một doanh nghiệp khi cảm thấy đang bị thiệt hại, cho dù chính đáng đi nữa, lại trình lên Thủ tướng thì đó là một việc kỳ cục.

Ba Huân là một công ty cổ phần, từng được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi của Nhà nước, đáng lẽ phải là một công ty rất hiểu về luật mà lại xem mình như một công ty được bảo vệ. Trình lên Thủ tướng, Ba Huân đã cho thấy mình chưa hiểu luật.

Thương vụ Ba Huân và VinaCapital là giao dịch kinh tế, thông qua hợp đồng được ký kết giữa hai bên. Khi gặp vấn đề, trước tiên hai bên phải ngồi lại với nhau và xử lý dựa trên hợp đồng đã ký kết.

Dù bằng cách nào, các doanh nghiệp cũng cần phải quen với việc dùng cơ chế của pháp luật để xử lý các tranh chấp.

Nếu công ty Ba Huân bị xâm phạm quyền lợi, có thể dùng cơ chế của tòa án. Khi tòa án kinh tế thấy có dấu hiệu lừa đảo, họ có thể chuyển sang tòa án hình sự.

Dù bằng cách nào, doanh nghiệp cũng cần phải quen với việc dùng cơ chế của pháp luật để xử lý các tranh chấp. Cho dù quyền lợi của bà Ba Huân bị xâm phạm thì phải hành xử theo đúng theo quy định của pháp luật về kinh doanh, quy định về công ty cổ phần.

Việc kêu lên Chính phủ một vụ việc như thế này sẽ tạo tiền lệ không tốt. Nếu hàng trăm, hàng nghìn doanh nghiệp cứ gặp vấn đề gì thiệt thòi cũng trình Chính phủ mà không áp dụng luật pháp, cơ chế thị trường, thì đó là điều không chấp nhận được. Điều này đang đi ngược lại chính sách của Đảng và Nhà nước.

Những sai lầm của Ba Huân

Trong vụ việc, có thể nhìn thấy Ba Huân là công ty tay mơ trong lĩnh vực hợp tác đầu tư với quỹ, và vì thế gặp phải không ít sai lầm.

Doanh nghiệp cần phải quen với việc dùng cơ chế của pháp luật để xử lý các tranh chấp.

Ba Huân là doanh nghiệp lớn, nhưng lần đầu hợp tác đầu tư với VinaCapital. Việc doanh nghiệp khó có đủ người có năng lực để đánh giá hợp đồng là điều hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, Ba Huân hoàn toàn có thể thuê chuyên gia, người tư vấn khi ký kết hợp đồng. Thậm chí, những công ty tư vấn có thể phải đền bù thiệt hại nếu tư vấn sai. Tuy nhiên, có vẻ bà Ba Huan đã không sử dụng chuyên gia, công ty tư vấn về hợp đồng.

Có thể đó là một sai lầm.

Sai lầm thứ hai là việc như bà Ba Huân chia sẻ, bà ký vào một văn bản mà không hiểu nội dung thì không thể chấp nhận được. Việc biện minh rằng văn bản bằng tiếng Anh là điều khó chấp nhận. Đặt bút ký vào một văn bản hợp đồng, dù là tiếng nước nào, thì các cá nhân đều phải rõ nội dung, huống hồ là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn.

Một người tư vấn tài chính tốt sẽ có thể giúp Ba Huân tránh được những rắc rối gặp phải. Nhiều lựa chọn khác có thể được đưa ra để cân nhắc cho bài toán vốn, thay vì mời gọi quỹ đầu tư mà không hiểu rõ bản chất của giao dịch.

Quỹ đầu tư VinaCapital toan tính gì?

Về VinaCapital, quỹ đầu tư luôn hoạt động vì quyền lợi của họ.

Tuy nhiên, cũng phải nói rõ, VinaCapital là một đối tác đưa vốn vào Ba Huân để doanh nghiệp phát triển. Không chỉ VinaCapital mà bất kỳ quỹ đầu tư nào cũng không muốn chiếm công ty của ai. Nhiệm vụ của họ là đưa vốn vào để công ty phát triển, có lời thì sẽ thoát vốn ra.

Và đương nhiên, các quỹ đầu tư cũng có những ràng buộc để bảo đảm an toàn vốn của họ.

Thực tế trong hoạt động, nếu vốn của họ được sử dụng không đúng, không hiệu quả, quỹ đầu tư có thể giành quyền chỉ huy, đưa người giỏi vào để điều hành, với mục tiêu bảo toàn vốn. Các quỹ đầu tư thường đòi hỏi tỷ lệ sở hữu cao là nhằm giành quyền điều hành, đưa người giỏi vào quản lý khi cần, chứ không nhằm mục đích chiếm công ty.

Không bàn chuyện bên nào đúng - sai trong đưa ra các cam kết hợp đồng, nhưng hợp đồng là sự tính toán của cả 2 bên, và mỗi bên đều có quyền lợi của mình.

Những thỏa thuận như Ba Huân và VinaCapital không có gì là bất thường hay âm mưu gì đằng sau. Những công ty như Ba Huân khi làm việc với quỹ đầu tư mà không hiểu bản chất, ưu nhược điểm của quỹ thì sẽ gặp vấn đề rắc rối, hoặc phải chịu cảm giác bị lừa.

Tuy nhiên, như trên đã nói, giao dịch - tranh chấp đều dựa trên hợp đồng, nghĩa là “bút sa gà chết”.

Khi lòng tin giữa hai bên đối tác không có, Ba Huân có thể chọn con đường riêng, tìm đối tác khác. Với VinaCapital, Ba Huân có thể thanh lý hợp đồng, và chấp nhận việc thanh lý thì sẽ có một bên phải chịu thiệt hại, dựa trên điều khoản quy định trong hợp đồng.

Lời cảnh báo cho các doanh nghiệp Việt

Khi làm việc với quỹ đầu tư mà không hiểu bản chất, ưu nhược điểm của quỹ thì sẽ gặp những rắc rối, hoặc phải chịu cảm giác bị lừa.

Từ vụ việc của Công ty Ba Huân có thể thấy sự thiếu chuyên nghiệp của một công ty lớn. Nó cũng thể hiện rõ sự tiến hóa, phát triển của một công ty tư nhân không chỉ thể hiện ở quy mô, mà cần tiến hóa được nội tại.

Sự tiến hóa của một công ty gia đình, một công ty nhỏ lên thành một tổ chức công ty lớn cần bài bản. Quy mô doanh nghiệp tăng nhưng quy trình, quy chuẩn không tiến hóa, năng lực nội tại không thay đổi thì sẽ gặp thách thức lớn.

Đây là vấn đề khá điển hình cho một số công ty của Việt Nam. Các chuyên gia đã cảnh báo rất nhiều về việc không thay đổi cấu trúc khi công ty lớn mạnh.

Khi công ty “tiến hóa” lên một mức mới, việc tuyển dụng những người có năng lực, được đào tạo bài bản để phát triển công ty là một việc hết sức quan trọng. Công ty lượng đổi thì chất phải đổi. Khi thay đổi về quy mô phải thay đổi về cấu trúc tổ chức, phải bổ sung những nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ cao mới tương xứng, mới phát triển được.

Ở nhiều nước, khi doanh nghiệp phát triển mạnh, những người sáng lập như bà Ba Huân sẽ rút ra làm chủ tịch, cố vấn. Họ đưa những người CEO giỏi vào điều hành, để đáp ứng đòi hỏi mới của thị trường tốt hơn.

Đinh Thế Hiển
Nguồn Zing News