Sony Mobile và sự thất bại đã được đoán trước

Báo cáo tài chính quý 2/2018 được Sony công bố ít ngày trước đã cho chúng ta thấy chuyện gì đang xảy ra với một thương hiệu đang loay hoay trong thế giới smartphone.

Trong suốt 3 tháng giữa năm 2018, Sony chỉ bán vỏn vẹn 2 triệu thiết bị, giảm 1,4 triệu so với cùng kỳ năm 2017. Chỉ trong 1 năm, doanh số mảng di động của Sony đã sụt giảm đến 50%.

Vì quý 2 mà Sony phải điều chỉnh ước tính doanh số smartphone trong cả năm 2018 từ 10 triệu xuống 9 triệu chiếc, bằng với doanh số của Galaxy S9 trong quý 2.

Sony có khá nhiều sản phẩm với nhiều phân khúc khác nhau trên toàn cầu, nhưng rõ ràng chúng không giúp ích được gì cho công ty. Làm sao để cứu vớt "con tàu đắm" đây? Liệu có còn hy vọng không hay đã quá muộn rồi?

Cách định giá và chậm đổi mới

Bất chấp doanh số kém nhưng Sony Mobile vẫn khá bận rộn trong việc ra mắt smartphone. Mới được nửa năm nhưng công ty đã giới thiệu Xperia L2 giá rẻ, Xperia XA2/XA2 Ultra tầm trung, theo sau là XA2 Plus và bộ ba Xperia XZ2/XZ2 Compact và XZ2 Premium thuộc dòng cao cấp.

Chúng không có vấn đề gì cả, vẫn có chất lượng tốt, camera và hiệu năng được đánh giá cao.

Vậy vấn đề nằm ở đâu?

Tháng 5 vừa rồi, chính Sony xác nhận doanh số không như ý muốn một phần là do "phát triển và đổi mới không đủ nhanh". Một số xu hướng phải mất thời gian dài để xuất hiện trên smartphone Sony, đơn cử như tỉ lệ màn hình 18:9. Xuất hiện lần đầu trên LG G6 năm 2017 và trở thành trào lưu trên toàn thị trường, nhưng mãi đến XZ2 và XZ2 Compact năm nay thì Sony mới áp dụng tỉ lệ màn hình mới.

Sai lầm tiếp theo là Sony không tập trung vào những gì người dùng mong muốn, đầu tiên là giá bán. Xperia XZ2 Premium, smartphone cao cấp hiện tại của Sony có màn hình 4K và giá lên đến 1.000 USD. Ngoài màn hình 4K thì người dùng nhận được gì? Tỉ lệ 16:9 có phần cũ kĩ, lại không có jack 3.5mm và viền thì dày cộp. Sony mong muốn màn hình 4K chính là điểm nhấn thu hút người dùng, nhưng suy nghĩ đó quá sai lầm.

Tiếp theo là Xperia XZ2, chiếc flagship được đánh giá khá cao về mọi mặt từ âm thanh, khả năng chụp ảnh, quay phim đến chất lượng màn hình nhưng cái giá 20 triệu thực sự là trở ngại quá lớn, đến cả thị trường ưa chuộng máy giá rẻ cấu hình tốt như Ấn Độ mà Sony còn bán giá 72.900 Rupee (25 triệu đồng) thì cũng… bó tay.

Nhìn qua XZ2 Compact, chiếc smartphone nhỏ gọn mạnh mẽ thì lại bị chê về pin và ngoại hình. Với cái giá 14 triệu đồng, trừ khi là "fan cuồng", bạn có sẵn sàng chi tiền cho một thiết bị như vậy không?

Ngay cả dòng tầm trung Xperia XA2 Ultra cũng thế, giá bán 8,5 triệu đồng cũng khiến người dùng đắn đo giữa loạt thiết bị khác mạnh hơn, tốt hơn và hợp xu hướng hơn.

Cách định giá rõ ràng là vấn đề Sony đang mắc phải. Chiến lược quảng cáo của hãng cũng khá mờ nhạt, không ấn tượng.

Tổng hợp những lý do trên, cũng đủ hiểu tại sao Sony thất bại như thế này.

Hy vọng chưa phải đã hết

Sony hoàn toàn có thể sửa sai và trở lại thị trường như cách đây nhiều năm.

Theo Android Authority, thiết kế mới của Sony không phải quá xấu, đặc biệt là dòng XA2. Nếu Sony chịu giảm giá một chút, chắc chắn đây sẽ là những sản phẩm rất có tính cạnh tranh.

Cảm biến ảnh 48MP mới cũng có thể tạo điểm nhấn cho smartphone của hãng trong cuối năm nay hoặc năm tới.

Không như nhiều hãng khác, người dùng yêu thích Sony bởi sự hỗ trợ và chú trọng vào phần mềm. Giao diện nhẹ nhàng, tùy biến ít và luôn được cập nhật Android mới từ rất sớm là một trong những điểm mạnh của Sony. XZ2 cũng là một trong ít máy Android (không phải Pixel) hỗ trợ Android P Developer Preview chính thức từ Google.

Sony không phải một công ty non trẻ hay phụ thuộc quá nhiều vào smartphone. Nhưng nếu cố gắng một chút nữa thôi, người dùng sẽ đón nhận và Sony hoàn toàn có thể kiếm lời từ bộ phận di động.

Một ý tưởng khá hay là khi những chiếc smartphone chơi game dần xuất hiện nhiều hơn, Sony có thể ra mắt smartphone chơi game với thương hiệu PlayStation lừng danh, thêm kho game phong phú nữa thì sẽ rất tuyệt vời.

Không ai muốn Sony thất bại cả. Nếu nhìn những chiếc Xperia từ 5 hay 7 năm trước, bạn sẽ thấy Sony từng có một thời "oai phong" như vậy đấy.

Phúc Thịnh
Nguồn VnReview