Thị trường máy tính cá nhân: Phục hồi hay chỉ là “cú nảy của mèo chết”?

Các bản báo cáo mới nhất cho thấy thị trường máy tính cá nhân (PC) toàn cầu tăng trưởng lần đầu tiên trong sáu năm qua, làm dấy lên những hy vọng le lói về khả năng phục hồi của thị trường này.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng đây chỉ là “cú nảy của mèo chết” (dead cat bounce), một thuật ngữ tài chính ám chỉ đến sự hồi phục tạm thời trước khi suy giảm sâu hơn.

Không hẹn mà gặp, ngày 12-7 vừa qua, cả hai công ty nghiên cứu thị trường IDC và Gartner đều công bố các bản báo cáo cho thấy thị trường PC tăng trưởng trong quý 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Gartner, có 62,1 triệu máy tính được tiêu thụ trên toàn cầu trong quý 2, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, IDC cho biết có 62,3 triệu chiếc được tiêu thụ, tăng 2,7%. Đây là quý tăng trưởng đầu tiên của thị trường PC trong sáu năm qua. Tuy nhiên, hai công ty này theo dõi tình hình tiêu thụ PC theo cách khác nhau. Dữ liệu nghiên cứu của IDC bao gồm cả các máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Chrome OS nhưng không tính đến các máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Windows. Trong khi đó, Gartner lại xem máy tính bảng sử sụng hệ điều hành Windows và có bàn phím rời như là PC nhưng lại loại bỏ các máy tính bảng chạy bằng hệ điều hành Chrome OS hay bất cứ hệ điều hành nào không phải của Windows.

HP, Lenovo dẫn đầu thị trường PC

IDC cho biết mức thị phần toàn cầu của năm công ty dẫn đầu gồm HP, Lenovo, Dell, Apple và Acer tăng thêm 7% lên mức 78%. HP dẫn đầu thị phần PC (23,9%), tiếp đến là Lenovo (22,1%) và các vị trí tiếp theo lần lượt là Dell, Apple và Acer. Song, theo bản báo cáo của Gartner, Lenovo dẫn đầu thị phần PC toàn cầu trong quý 2, nhỉnh hơn thị phần của HP một chút.

Thị trường máy tính PC rơi vào đà suy giảm bền vững kể từ đầu năm 2012 khi mà tỷ lệ phổ cập điện thoại thông minh trên toàn cầu bắt đầu tăng mạnh. Thay vì mua sắm PC, nhiều người sử dụng điện thoại thông minh để đọc báo, mua hàng trực tuyến, gửi e-mail... Ranjit Atwal, Giám đốc nghiên cứu của Gartner, cho rằng thị trường PC vẫn đang gặp khó bởi nguồn cung bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động DRAM (RAM động) vẫn thiếu hụt trong năm 2018. Trong khi đó, các nhà sản xuất PC đang tiếp tục tăng giá bán do giá các linh kiện như DRAM tăng và điều này có thể khiến sức tiêu thụ PC giảm xuống. Ông Atwal dự báo doanh số PC ở Trung Quốc trong năm 2018 sẽ giảm 1,7% về mức 38,5 triệu chiếc, chiếm 21% doanh số PC truyền thống toàn cầu. Trong quý 2-2018, doanh số PC ở thị trường đông dân nhất thế giới giảm 3,6%. Atwal nói: “Xu hướng suy giảm của thị trường PC của Trung Quốc rõ ràng gây tác động tiêu cực đến thị trường PC toàn cầu”.

Chỉ là sự hồi phục tạm thời

Trong hơn một năm qua, tình hình kinh doanh khốn khó đã buộc các hãng máy tính như Lenovo và HP phải cắt giảm nhân sự và các chi phí hoạt động khác. Dù thị trường PC lần đầu tiên có sự tăng trưởng trong sáu năm nhưng ít nhà phân tích xem đây là sự khởi đầu cho đà phục hồi trong thời gian tới, thay vào đó, họ nói rằng mức tăng trưởng đó chỉ là sự hồi phục tạm thời trước khi suy giảm mạnh trở lại, một hiện tượng và giới tài chính gọi là “cú nảy của mèo chết”. Gartner dự báo thị trường PC sẽ suy giảm 1% trong năm nay và tiếp tục đi ngang cho đến năm 2020.

Mikako Kitagawa, một nhà phân tích ở Gartner, cho rằng phân khúc PC dành cho doanh nghiệp chạy hệ điều hành Windows 10 đã đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của thị trường PC trong quý 2. Bà Kitagawa nói: “Tăng trưởng doanh số bán của PC trong quý 2-2018 được thúc đẩy nhờ nhu cầu ở thị trường doanh nghiệp, bù đắp cho doanh số bán suy giảm của PC ở phân khúc người dùng cá nhân”. Song, bà cho rằng động lực tăng trưởng của PC trong phân khúc doanh nghiệp sẽ suy yếu trong vòng hai năm tới khi chu kỳ nâng cấp PC chạy hệ điều hành Windows 10 kết thúc. Cũng theo Kitagawa, triển vọng phân khúc PC cho người tiêu dùng vẫn ảm đạm vì những sự thay đổi trong thói quen của người sử dụng đối với PC. Chẳng hạn, người dùng giờ đây sử dụng điện thoại để làm các công việc hàng ngày của họ như lướt mạng xã hội, mua sắm, gửi tiền và rút tiền, thay vì sử dụng PC.

Động lực tăng trưởng của PC trong phân khúc doanh nghiệp sẽ suy yếu trong vòng hai năm tới khi chu kỳ nâng cấp PC chạy hệ điều hành Windows 10 kết thúc.

Chính điều này khiến cho nhu cầu PC khó ngóc đầu dậy nổi trong một thời gian dài nữa. Bản báo cáo IDC cũng cho thấy rằng chu kỳ tăng trưởng mới của PC dành cho doanh nghiệp đã mang lại chút khởi sắc cho thị trường PC nói chung trong quý 2. Các doanh nghiệp như HP, Lenovo, Dell, Apple và Acer đều chứng kiến mức tăng trưởng ở phân khúc PC dành cho doanh nghiệp trong quý vừa rồi.

Tấn công vào mảng PC chơi game

Bằng cách chú trọng các dòng máy tính cao cấp có kiểu thiết kế bắt mắt và các dòng máy tính chơi game có hiệu năng cao, HP (Mỹ) đã gia tăng doanh thu và thâu tóm mức thị phần từ các đối thủ nhỏ cho dù thị trường PC nói chung suy giảm trong nhiều năm qua. Dù doanh số PC hằng năm trên toàn cầu giảm 9,1% kể từ khi HP tách khỏi hãng công nghệ thông tin Hewlett-Packard, doanh số PC hàng năm của PC vẫn tăng 5%. Năm ngoái, HP vượt qua Lenovo để trở thành hãng sản xuất máy tính dẫn đầu về doanh số PC bán ra trên toàn cầu với con số thị phần là 21%, tăng so với mức 18,2% vào năm 2015.

Dion Weisler, Giám đốc điều hành HP, kỳ vọng HP sẽ gặm nhấm thêm thị phần từ các đối thủ lớn trong thời gian tới. Để làm được như vậy, HP bắt đầu sử dụng các vật liệu cấp cao để sản xuất những dòng PC có sức hấp dẫn hơn. HP cũng áp dụng các công nghệ mới bao gồm công nghệ làm mờ ánh sáng từ màn hình máy tính xách tay nếu nhìn ở góc nghiêng để ngăn chặn những cặp mắt tò mò của người ngồi gần.

Scott DeTota, Phó chủ tịch công ty kinh doanh dịch vụ và các sản phẩm công nghệ CDW, cho rằng sự thành công của HP phần lớn là nhờ hãng này biết cách để khiến PC trở nên “sexy” hơn, chẳng hạn HP đang sản xuất những dòng máy tính xách tay lai máy tính bảng (có thể hoạt động như máy tính bảng và có thể biến thành máy tính xách tay bằng cách gắn bàn phím vào). Trong khi đó, Weisler cho biết HP không tập trung vào các dòng PC thấp có biên lợi nhuận nữa mà hướng đến các dòng PC có biên lợi nhuận cao hơn như PC chơi game, một mảng kinh doanh mà HP bỏ bê nhiều năm trước đó.

Năm 2016, HP đã ra mắt dòng máy tính chơi game nhãn hiệu Omen. Một chiếc máy tính Omen được lắp ráp các linh kiện đắt tiền có mức giá bán đến 6.000 đô la. Weisler cho biết mảng PC chơi game mang lại doanh thu cho HP khoảng 1 tỉ đô la/năm, vẫn còn tương đối thấp nếu so với tổng doanh thu của HP lên đến 33,37 tỉ đô la vào năm ngoái. Nhưng đối với Weisler, thị trường PC chơi game là hướng đi cần thiết cho HP trong một thị trường ảm đạm.

HP Pavilion X2 Convertible 10.1 - máy tính bảng lai máy tính xách tay của HP.

Giống như HP, hãng Lenovo (Trung Quốc) cũng đang thúc đẩy mạnh mảng kinh doanh PC chơi game. Tại một cuộc hội nghị của Lenovo hồi tháng 5 ở Las Vegas (Mỹ), Phó Chủ tịch Lenovo Kirk Skaugen nói rằng Lenovo sẽ trở thành hãng máy tính chơi game dẫn đầu thế giới trong năm 2018 với mức doanh thu 1 tỉ đô la. Gianfranco Lanci, Giám đốc hoạt động Lenovo, đặt cược vào chiến thuật nhắm đến đội quân của những người chơi game không quá thường xuyên, chỉ khoảng vài tiếng một ngày. Ông nói: “Khi bạn nhìn vào những game thủ, bạn thấy họ đa phần là giới trẻ và có những người chơi game 24 giờ mỗi ngày. Đó là một thị trường lớn nhưng không phải lớn nhất”. Điều này có nghĩa là Lenovo sẽ tập trung vào các máy tính để bàn và máy tính xách tay giản lược bớt các tính năng không cần thiết nhưng sẽ được trang bị đèn LED và có kiểu thiết kế ấn tượng để phục vụ những người chơi game trực tuyến.

Doanh thu PC chơi game của Lenovo tăng vọt 91% vào năm ngoái. Lanci cho biết trong quý cuối năm 2017, Lenovo dẫn đầu toàn cầu về doanh thu lẫn doanh số PC chơi game. “Dù là còn tương đối mới, dòng PC chơi game Legion của Lenovo được cho là mối đe dọa thực sự cho các dòng PC chơi game truyền thống như Alienware (Dell)”, nhà phân tích James Yan ở công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, nói.
Hãng máy tính Đài Loan Acer cũng đang hy vọng đội quân game thủ sẽ giúp hãng này thoát khỏi tình trạng kinh doanh u ám trong nhiều năm. Từng dẫn đầu toàn cầu về doanh số máy tính xách tay, giờ đây, Acer đang trông cậy vào các dòng PC cao cấp bao gồm các PC chơi game có thiết kế hào nhoáng để duy trì đà phục hồi kinh doanh. Acer làm một trong những nạn nhân bị tổn thương đáng chú ý sau khi thị trường PC sụp đổ trong kỷ nguyên của điện thoại thông minh. Tình hình kinh doanh bết bát đã khiến giá cổ phiếu của Acer giảm hơn 70% so với mức cao nhất vào năm 2010.

Ông Jason Chen, Giám đốc điều hành Acer, cho biết dù doanh thu PC toàn cầu giảm vào năm ngoái nhưng doanh thu của các dòng PC chơi game của Acer vẫn tăng và đóng góp khoảng 13-15% trong tổng doanh thu của Acer.

Doanh thu PC chơi game của Acer trong tháng 1-2018 tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Xung lực tăng trưởng của Acer ở mảng PC chơi game có thể nhờ vào mức giá bán cạnh tranh. Các dòng PC chơi game thương hiệu Predator của Acer đã nhận được nhiều đánh giá tích cực về thiết kế cũng như hiệu năng và có giá cao nhất là 2.500 đô la, tương đối rẻ hơn so với các dòng PC chơi game cao cấp thương hiệu Alienware của Dell.

Lê Linh / WSJ / Bloomberg / Techcrunch
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn