Năm đặc trưng của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á

Đông Nam Á ngày càng có những bước tiến lớn trong đổi mới và hoạt động đầu tư thương mại. Nhà đầu tư và các công ty khởi nghiệp rất cần nắm rõ những hiểu biết về đặc trưng khu vực cũng như chọn quan điểm kinh doanh thật khôn khéo mới có thể tiến xa và chinh phục được thị trường nơi đây.

Đông Nam Á cùng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ đang bùng nổ tại đây là một lãnh địa mới được ví như miền Đông hoang dã. Hệ sinh thái khu vực không còn ẩn trong bóng tối và trong vài năm qua, nơi đây đã có những bước tiến lớn trong đổi mới và hoạt động đầu tư thương mại. Dù gần đây đạt được những thành công và ngày càng được thế giới công nhận, hệ sinh thái Động Nam Á vẫn còn là một bí ẩn. Khoảng cách địa lý Đông - Tây, sự khác biệt trong văn hóa và thương mại, cùng tốc độ thay đổi nhanh chóng gây khó khăn để người ngoài bắt kịp tiến trình phát triển đổi mới và xu hướng công nghệ mới nhất. Để nắm được cách tận dụng sự tăng trưởng chưa từng thấy này, trước tiên ta cần phải tìm hiểu những gì thực sự xảy ra ngay ở địa phương.

Vậy chính xác hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á có những đặc điểm gì?

Nhìn chung, điểm sáng lớn của khu vực đã được nhận diện và các công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư phải đối đầu với cạnh tranh tăng cao. Thành công tương lai của công ty và nhà đầu tư tùy thuộc vào hiểu biết về văn hóa địa phương, người tiêu dùng và thương mại của vùng đất mang tính phân hóa này.

Ảnh: internet.

Sau đây là năm yếu tố giúp Đông Nam Á tăng trưởng và những điều cần xem xét và áp dụng, nhằm giữ vững hoặc thậm chí đẩy mạnh sự phát triển trong tương lai.

1. Tiềm năng chưa được khai thác của ngành công nghệ Đông Nam Á không còn là bí mật

Màn bí ẩn đã được vén và sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á đang được dõi theo sát sao hơn bao giờ hết. Danh tiếng nhiều hơn đồng nghĩa với cạnh tranh gay gắt hơn. Vài năm trước tại Đông Nam Á, một số ít doanh nghiệp thâu tóm tất cả quyền lực và lợi nhuận bởi sự khan hiếm trong số lượng đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần có chất lượng. Gần đây, sự nổi lên của các doanh nhân tài năng, giàu kinh nghiệm cùng nguồn vốn mới đã thay đổi thực trạng này.

Nguồn vốn chính của Đông Nam Á đến từ các thị trường châu Á khác, đặc biệt là Trung Quốc. Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba và Tencent đã đặt cược hàng tỉ đô la vào khu vực Đông Nam Á, và khơi mào cuộc chiến giành quyền thống trị khu vực. Các nhà đầu tư Mỹ cũng đã bắt đầu tham gia tích cực hơn. Nghiên cứu gần đây của Kroll và Mergermarket ước tính rằng các nhà đầu tư Mỹ đã và đang nắm giữ 25% các khoản đầu tư trong khu vực từ năm 2015.

Tăng cường đầu tư đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư phải làm việc chăm chỉ hơn và lựa chọn các cơ hội để theo đuổi một cách khôn khéo hơn. Giờ đây họ phải phó thác bản thân cho các công ty khởi nghiệp tiềm năng và đổi lại, những công ty này phải quảng bá bản thân thật tích cực. Bên cạnh mô hình huy động vốn truyền thống, các công ty khởi nghiệp mới hiện tại có thể và đang khám phá cách thức huy động vốn mới, chẳng hạn như hình thức huy động vốn bằng tiền mã hóa (ICO).

Nhiều nhà đầu tư lão luyện hơn bước chân vào thị trường, điều này đòi hỏi các doanh nhân và chiến lược kinh doanh phải trở nên chỉn chu hơn.

Sự thúc đẩy hoạt động cũng có ý nghĩa với các doanh nghiệp địa phương: nhiều nhà đầu tư lão luyện hơn bước chân vào thị trường, điều này đòi hỏi các doanh nhân và chiến lược kinh doanh phải trở nên chỉn chu hơn. Nếu muốn tận dụng lợi thế của nguồn vốn mới, các doanh nhân phải nắm bắt cơ hội và đáp ứng những mong đợi này. Mọi mặt trận của sân chơi công nghệ đang trở nên khốc liệt hơn.

2. Điều kiện thị trường thuận lợi

Tại sao khu vực Đông Nam Á lại thu hút nhiều chú ý và đạt được sự tăng trưởng bùng nổ như vậy trong những năm qua? Sự hội tụ của các yếu tố thị trường chính là nguyên nhân khiến các công ty khởi nghiệp tại đây trở thành đối tượng đầu tư hấp dẫn. Dân số Đông Nam Á nhiều hơn 650 triệu người. Đây là lực lượng dân số trẻ và có hiểu biết về công nghệ cao. Hơn 50% dân số dưới 30 tuổi, và 90% nhóm dân số dưới 30 tuổi này tiếp cận được với internet. Không chỉ vậy, họ còn dùng internet rất nhiều, cụ thể là internet trên điện thoại di động. Người dân ở phần lớn các quốc gia đang phát triển này vẫn chi một khoản đáng kể cho các sản phẩm điện thoại thông minh.

Thế hệ mới không chỉ biết cách sử dụng công nghệ mà còn nắm được cả cách tạo dựng công nghệ. Đông Nam Á đã trở thành điểm đến đổi mới thương mại hàng đầu, và có rất nhiều tài năng kỹ thuật trẻ dẫn đầu một cuộc cách mạng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong khi lần đầu tiên trong lịch sử, Mỹ rớt khỏi top 10 danh sách Chỉ số sáng tạo Bloomberg 2018 (Bloomberg Innovation Index), Singapore, trung tâm R&D Đông Nam Á, đã vươn lên vị trí thứ 3 nhờ đầu tư lớn vào tài trợ R&D và giáo dục STEM (nền giáo dục trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Các quốc gia Đông Nam Á đáng chú ý khác trong danh sách bao gồm Malaysia (vị trí thứ 26) và Thái Lan (vị trí thứ 45).

Yếu tố cuối cùng, như đã đề cập ở trên, các doanh nghiệp đầu tư Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều cho sự tăng trưởng hệ sinh thái Đông Nam Á. Không chỉ là vốn, những tập đoàn này mang lại rất nhiều thứ cho các công ty khởi nghiệp hàng đầu ở Đông Nam Á. Quan trọng hơn, nhân viên của họ mang đến kiến thức và kinh nghiệm, hai yếu tố còn thiếu ở các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á.

Tài xế Go-Jek chờ khách ở Jakarta, Indonesia. Ảnh: AP / Achmad Ibrahim.

3. Vẫn còn nhiều tiềm năng cải thiện và hội nhập với thế giới

Hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á quả thật đã đạt đến mức tăng trưởng chưa từng có, điều kiện thị trường cũng thuận lợi để tiếp tục phát triển, tuy vậy nơi này vẫn còn nhiều tiềm năng cải thiện và hội nhập với thế giới. Xét về đầu tư, mức tài trợ giai đoạn đầu và giai đoạn sau có một sự chênh lệch đáng kinh ngạc. Theo một báo cáo của Google, kể từ năm 2015, chín trong tổng số 13 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á thuộc về bảy công ty kỳ lân Đông Nam Á (các công ty tư nhân có vốn hóa trên một tỉ đô la Mỹ). Các công ty khởi nghiệp, thế hệ kỳ lân tiếp theo của khu vực, cần nhiều hơn nữa những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn trong giai đoạn đầu.

Các tập đoàn Mỹ cũng phải tập trung hơn nếu muốn cạnh tranh trong khu vực. Uber đã cố gắng và thất bại trong phát triển hiệu quả hoạt động kinh doanh dịch vụ đặt xe trực tuyến tại Đông Nam Á. Hãng xe này phải bán các hoạt động trong khu vực Đông Nam Á cho Grab, kẻ chiến thắng tại sân nhà. Amazon đã thâm nhập vào khu vực từ năm 2017 bằng cách ra mắt tại Singapore. Tuy vậy, các trang web thương mại điện tử bán lẻ của khu vực như Lazada và Shoppee vẫn tiếp tục giữ ngôi vương trong ngành thương mại điện tử có mức tăng trưởng cao.

4. Khó khăn khi thâm nhập thị trường: thiếu kiến thức địa phương và rào cản pháp lý

Việc sao chép, ứng dụng các mô hình kinh doanh và chiến lược thị trường có sẵn hoàn toàn bất khả thi.

Tiềm năng phát triển các công ty khởi nghiệp lớn là thế, nhưng điều gì cản trở Đông Nam Á giữ vững mức tăng trưởng và tại sao nhiều nhà đầu tư và các công ty nước ngoài cố gắng tạo chỗ đứng tại đây lại thất bại? Câu trả lời chính là: quá khó để mở rộng quy mô.

Thách thức đầu tiên và lớn nhất chính là hiểu được hành vi của người tiêu dùng địa phương. Hệ sinh thái khởi nghiệp Đông Nam Á là một hệ sinh thái đặc biệt. Trên thực tế, hệ sinh thái này không hề tồn tại. Trái ngược với Mỹ tương đối đồng nhất với 325 triệu dân, Đông Nam Á lại có tính phân hóa cao. Hệ sinh thái nơi đây bao gồm nhiều hệ sinh thái các quốc gia khác nhau, một số đủ lớn hoặc đủ phát triển để tồn tại với tư cách là các hệ sinh thái độc lập, như Indonesia hay Singapore, nhưng hầu hết trong số đó không có quy mô và nguồn lực để các doanh nghiệp có khả năng phát triển có thể mở rộng.

Kiến thức về địa phương rất quan trọng để giải quyết những khó khăn trong hậu cần và cơ sở hạ tầng ở mỗi thị trường. Việc sao chép, ứng dụng các mô hình kinh doanh và chiến lược thị trường có sẵn hoàn toàn bất khả thi. Ví dụ, đa số các khu vực có mức độ sử dụng thẻ thành toán rất thấp. Phải mất hai năm sau khi bước vào Đông Nam Á, Uber mới bắt đầu chấp nhận thanh toán tiền mặt. Khi cố gắng mở rộng hơn nữa, Amazon cũng phải đối mặt với thách thức tương tự. Công ty này cũng sẽ phải đối phó với thái độ ngờ vực dành cho công ty bán hàng trực tuyến ở các nước, chẳng hạn như Việt Nam. Vấn đề càng trở nên phức tạp khi nhiều quốc gia Đông Nam Á, như Malaysia, là sự pha trộn của nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác nhau, điều này càng phân nhỏ thị trường tiêu dùng hơn nữa.

Ngoài yêu cầu nghiên cứu kĩ và thấu hiểu hành vi của người tiêu dùng địa phương, các công ty có tiềm năng gia nhập thị trường cũng phải vượt qua những rào cản pháp lý nặng nề. Singapore đã xây dựng một trung tâm đổi mới và công nghệ bằng cách thiết lập các quy định và thông lệ thân thiện với quốc tế. Tuy nhiên, các quốc gia khác lại đang tụt hậu về mặt này. Ví dụ: Đạo luật kinh doanh nước ngoài của Thái Lan quy định rằng người nước ngoài không thể sở hữu hơn 49% cổ phần của bất kỳ công ty được đăng kí tại Thái. Đạo luật này, cùng thuế suất cao, đã cản trở đáng kể đầu tư nước ngoài và ảnh hưởng tới tăng trưởng của các công ty khởi nghiệp Thái Lan. Ít nhất một phần ba các công ty khởi nghiệp Thái Lan hiện đang niêm yết tại Singapore. Trong số những công ty đăng kí hoạt động tại Thái Lan, nhiều công ty bị thu hút sang các nước khác ở giai đoạn Series A.

Grab hoạt động tại Việt Nam. Ảnh: genk.vn.

5. Mở rộng tăng trưởng cần các đối tác địa phương và tư duy toàn khu vực

Kiến thức và mối quan hệ thị trường là những yếu tố cần thiết để lấp đầy khoảng trống và thành công trên các hệ sinh thái khác nhau của Đông Nam Á. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cần tìm kiếm một người đồng sáng lập hoặc thuê những tài năng có kinh nghiệm ngay tại nơi kinh doanh. Về phía các nhà đầu tư, họ cần xây dựng một đội ngũ nhân viên địa phương hoặc đồng đầu tư với một công ty địa phương.

Một chìa khóa khác để thành công là duy trì tư duy toàn khu vực ngay từ đầu. Nhiều hệ sinh thái Đông Nam Á không có quy mô thị trường hoặc nguồn lực hỗ trợ (chẳng hạn như vốn trong nước, nhân lực cấp cao có kinh nghiệm hoặc các doanh nghiệp đối tác). Ngay cả tại Việt Nam, đất nước với hơn 90 triệu dân, các công ty khởi nghiệp trong nước gần như không thể mở rộng quy mô sang nước ngoài vì cách thức địa phương hóa các sản phẩm quá đặc trưng. Dù cần lưu ý điều chỉnh giữa các thị trường và thích ứng với xu hướng tại địa phương, quan trọng nhất các công ty phải nghĩ đến toàn khu vực ngay khi mới bắt đầu để xây dựng sản phẩm cho phù hợp.

Nhiều công ty khởi nghiệp Đông Nam Á mang trong mình tư duy toàn khu vực gắn liền với chiến lược "Goldilocks", tức tăng trưởng không quá ít cũng không quá nhiều. Cách tiếp cận siêu địa phương sẽ không khả thi ở nhiều nước, ngoại trừ các thị trường lớn như Indonesia với 260 triệu người. Ngay cả ở Indonesia, kỳ lân của dịch vụ gọi xe trực tuyến Go-Jek đã có kế hoạch mở rộng thị trường để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn. Mặt khác, bành trướng ra toàn cầu không phải là một lựa chọn khả thi với các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á. Nguyên nhân nằm ở các rào cản về văn hóa, logistics và ngôn ngữ. Do đó, mở rộng quy mô toàn khu vực một cách nhanh chóng đã được chứng minh là chiến lược tăng trưởng dài hạn hiệu quả nhất cho các công ty khởi nghiệp thành công, từ Priceza (công ty chuyên dịch vụ so sánh giá) đến Supahands (chuyên cung cấp nhân lực cho dịch vụ thuê ngoài) của Malaysia.

Jonathan Moed
Nguồn Forbes