Giám đốc Marketing L’Oreal Vietnam: “Zalo là kênh chúng tôi không thể bỏ qua”

Kinh doanh qua kênh thương mại điện tử trong 3 năm qua tại Việt Nam đã bùng nổ nhanh chóng. Riêng về mỹ phẩm, đây được xem là ngành hàng tăng trưởng rất mạnh mẽ trên thị trường thương mại điện tử.

Chính vì thế, theo chị Trương Huỳnh Diễm Chi, Giám đốc Marketing nhánh CPD của L’Oreal Vietnam, doanh nghiệp cũng không đứng ngoài xu hướng này và đang tập trung xây dựng kênh bán hàng trực tuyến, đồng thời khẳng định tốc độ tăng trưởng qua kênh này trong ngắn hạn sẽ lên đến 3 con số và lâu dài sẽ duy trì ở mức 2 con số.

* Đã có thời gian khá dài kinh doanh ở Việt Nam, chị đánh giá thế nào về thị trường mỹ phẩm, sản phẩm làm đẹp ở Việt Nam?

Đầu tiên phải khẳng định là rất sôi động. Thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện nay có tốc độ tăng trưởng khoảng 14% trên tất cả kênh, đáng chú ý là các kênh nhà thuốc, cửa hàng mỹ phẩm chuyên dụng và thương mại điện tử. Trong đó, thương mại điện tử là kênh tăng trưởng mạnh nhất.

L’Oreal trước nay vẫn bán hàng qua kênh truyền thống là chủ yếu. Nhưng 3 năm gần đây, thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển rất nhanh. Vì vậy, L’Oreal, một trong những thương hiệu lâu đời và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong ngành mỹ phẩm thế giới và Việt Nam, không thể bỏ lỡ thị trường phát triển quá sôi động này.

Chị Trương Huỳnh Diễm Chi, Giám đốc Marketing nhánh CPD của L’Oreal Vietnam.

* Kinh doanh trong thời đại số mà chị khẳng định là đang bùng nổ chóng mặt, theo chị L’Oreal đã có những thách thức và thay đổi như thế nào để thích nghi với thị trường này?

Để cạnh tranh với tốc độ phát triển rất nhanh của thị trường online, L’Oreal có rất nhiều thách thức chứ không chỉ về thuận lợi.

Thứ nhất, ngành mỹ phẩm rất đa dạng, bán trên “chợ mạng” thì càng đa dạng hơn. Nếu trước đây khách hàng vào siêu thị thường chỉ bắt gặp 3-4 thương hiệu cạnh tranh với nhau và hầu hết những thương hiệu lớn mới có mặt ở các trung tâm thương mại (TTTM), thì với kênh thương mại điện tử, ai cũng có thể bán được, dù thương hiệu lớn hay nhỏ.

Sự đa dạng này khiến chúng tôi phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn, chiến lược cũng phải nhanh hơn. Đặc biệt là cạnh tranh về giá. Ngày nay, người tiêu dùng mua sắm rất thông minh. Họ có thể biết từng sản phẩm bán ở trang nào có chất lượng tốt, trang nào có giá tốt hoặc cả thời điểm nào họ có thể mua được sản phẩm với giá ưu đãi nhất. Đó là thách thức lớn nhất của các thương hiệu mỹ phẩm.

Thách thức thứ hai là cả đội ngũ của chúng tôi từ sản xuất đến bán hàng đều phải luôn trong guồng rất nhanh. Chẳng hạn, trước đây khi bán hàng qua cửa hàng truyền thống thì chúng tôi biết trước kế hoạch của các siêu thị, TTTM từ 3-6 tháng để xây dựng kế hoạch của mình một cách rõ ràng, chủ động. Đối với kênh thương mại điện tử, chúng tôi phải tạo ra các chương trình tương tác với khách hàng rất nhanh, có khi chỉ đưa ra kế hoạch trước vài ngày, thậm chí vài giờ.

Một khó khăn rất lớn nữa khi kinh doanh mỹ phẩm online, đó là khách hàng vẫn mong muốn được thử sản phẩm. Lưu ý đầu tiên là chúng tôi phải cung cấp thông tin về sản phẩm thật đầy đủ để khách hàng kiểm tra và quyết định mua sản phẩm của chúng tôi mà không mua sản phẩm cùng loại của các thương hiệu khác. Ngoài ra, khách hàng sẽ được nhân viên L’Oreal Paris hoặc Maybelline New York tư vấn và giải đáp thắc mắc rất kỹ trước khi chọn mua hàng.

Thị trường mỹ phẩm Việt Nam hiện nay có tốc độ tăng trưởng khoảng 14% trên tất cả kênh.

Xây dựng thương hiệu một cách rất rõ ràng là điều kiện cần đầu tiên để kinh doanh trên mạng.

* Vì sao L’Oreal quyết định triển khai kênh phân phối trên Zalo?

Zalo có hơn 100 triệu người dùng Việt Nam thì chắc chắn đây là kênh chúng tôi không thể bỏ qua. Chúng tôi đánh giá Zalo có tiềm năng rất lớn vì hỗ trợ tốt các tính năng tương tác như chat, gọi… đáp ứng được nhu cầu cần được tư vấn sản phẩm rất kỹ của người mua, như vậy đã là kênh phân phối mỹ phẩm hoàn hảo rồi.

Bên cạnh đó, Zalo còn có các tính năng thú vị như chia sẻ biểu tượng cảm xúc và đánh giá sản phẩm. Thông tin tương tác ở Zalo đa chiều khi người dùng chia sẻ, chat bằng giọng nói, Video Call chứ không như những kênh thương mại điện tử khác.

Tóm lại, môi trường từ Zalo có thể giải quyết được thách thức của kênh thương mại điện tử khi khách hàng có thể được tư vấn trực tiếp rất dễ dàng. Do đó, nếu tập trung phát triển sẽ khai phá được tiềm năng rất lớn từ nền tảng này.

* Người dùng Zalo ở khắp nơi trên cả nước còn L’Oreal vẫn chưa vươn ra khỏi các thành thị lớn. Liệu có phải L’Oreal muốn tận dụng Zalo để mở rộng thị trường ở các vùng này?

Sản phẩm Maybelline New York nói riêng và cả L’Oreal tại Việt Nam hiện tập trung ở 22 thành phố lớn, nên giai đoạn đầu khi hợp tác với Zalo vẫn tập trung phát triển ở các thành phố lớn này. Đó là chiến lược trọng yếu trong năm đầu tiên. Chúng tôi thấy cần phải làm tốt ở thị phần này trước khi tiến về nông thôn. Tất nhiên, ở Việt Nam, nông thôn vẫn là thị phần rất béo bở.

* Ngoài chọn phân phối sản phẩm qua Zaloshop, L’Oreal còn bán qua các kênh online nào và chị nhận thấy ưu điểm của các kênh ra sao?

Thật ra, việc bán hàng online được chia là 2 mảng là E-commerce (thương mại điện tử) và Social platforms (dùng mạng xã hội làm công cụ bán hàng).

Theo tính toán của chúng tôi, E-commerce hiện nay ở Việt Nam cũng chỉ trên dưới 10 cái tên, trong đó có khoảng 3 thương hiệu lớn nhất. Còn nền tảng mạng xã hội (Social platforms), như bán hàng qua Facebook, Zalo... thì số lượng rất lớn, với trên 10.000 shop, đóng góp vào doanh số kinh doanh kỹ thuật số rất cao.

Khách hàng có thể mua sản phẩm trên cửa hàng L’Oreal chính hãng trên Zalo.

Cho đến nay, L’Oreal chỉ mới khai thác ở mảng thương mại điện tử mà chưa công phá nhiều mảng nền tảng mạng xã hội (Social platforms). Tôi hy vọng khi chọn kênh Zalo, chúng tôi sẽ giải quyết được khâu tương tác và phát triển thêm ở mảng này.

* Người Việt Nam thích làm đẹp và ai cũng có nhu cầu sử dụng mỹ phẩm, nhưng giá mỹ phẩm chính hãng, có thương hiệu vẫn khá cao với một bộ phận lớn khách hàng Việt. L’Oreal có những phân khúc giá như thế tiếp cận người dùng?

L’Oreal hiện có rất nhiều thương hiệu với giá cả từ thấp đến cao. Chẳng hạn như, Lancome là thương hiệu cao cấp dành cho những người phụ nữ thành đạt, có thu nhập cao; còn L’Oreal Paris là thương hiệu có thể tiếp cận đông đảo người tiêu dùng với giá mua một sản phẩm từ 148.000 đồng.

L’Oreal lúc nào cũng muốn tạo cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng sản phẩm có thương hiệu và chất lượng với giá cả hợp lý. Và Maybelline là một thương hiệu chiến lược của tập đoàn. Một thỏi son Maybelline có giá từ 140.000 đồng, một cây chì kẻ mắt có giá dưới 100.000 đồng và rất nhiều sản phẩm dưới 200.000 đồng cho người tiêu dùng lựa chọn.

Theo số liệu của các công ty nghiên cứu thị trường chia sẻ với L’Oreal, hiện nay, sản phẩm mỹ phẩm có mức giá 100.000-190.000 là phân khúc lớn nhất ở thị trường Việt Nam.

Khi tập trung phát triển bán hàng của Zalo, L’Oreal cũng sẽ tập trung bán những sản phẩm từ thương hiệu Maybelline New York, để trao cơ hội sử dụng sản phẩm có giá tốt, tiếp cận nhiều khách đang sử dụng ứng dụng này.

* Xin cảm ơn chị!

Sơn Trà
Nguồn Zing News