Vingroup, Thế Giới Di Động làm gì trong cuộc chiến cửa hàng tiện lợi?

Không hề lép vế trước các ông lớn ngoại trong cuộc chiến cửa hàng tiện lợi, thời điểm này, các doanh nghiệp trong nước vẫn là người làm chủ thị trường nhờ lợi thế hiểu người dùng.

Buổi chiều tan tầm, đoạn đường chỉ dài 800 m của đường Dương Đình Hội (quận 9) không đông khách mua sắm. 3 cửa hàng tiện lợi sát vách nhau cùa CoopFood, SatraFoods và Vinmart+ mỗi nơi vài khách tất bật mua thực phẩm. Satrafoods đã bắt trúng tâm lý khách hàng khi chia từng phần rau củ, thịt cá với lượng nhỏ vừa đủ bữa ăn cho gia đình đô thị ít người, nên khá được lòng khách.

CoopFood có lợi thế thương hiệu gắn bó với người dân TP.HCM nhưng vẫn là cách buôn bán cũ: Nhiều khách ngần ngại ôm bó rau to đặt lên, để xuống. Trong khi đó, Vinmart+ có cửa hàng rộng, thoáng nhưng chưa đông khách ghé thường xuyên, vì non trẻ.

Chị Kim Phương (một nhân viên văn phòng ở quận 3) cho biết hơn 1 năm nay mình hiếm khi đi chợ để mua thịt cá rau củ, mà chọn cửa hàng tiện lợi vì gần nhà, giá cũng phù hợp lại được mua hàng khuyến mãi.

Cuộc đổ bộ về ngoại thành

Ở TP.HCM, không chỉ khu vực trung tâm mà cửa hàng tiện lợi đang mọc dày đặc ở các quận vùng ven. Trong khi nội thành dày đặc cửa hàng của các nhà bán lẻ Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan thì CoopFood (Saigon Co.op), VinMart+ (Vingroup), SatraFoods (Tổng công ty thương mại Sài Gòn), Bách Hóa Xanh (Thế Giới Di Động) đang tấn công các quận, huyện ngoại thành như Bình Tân, Tân Phú, quận 9, quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn...

Hiểu nhu cầu của người dùng Việt là thế mạnh của doanh nghiệp bán lẻ nội trong cuộc chiến bán lẻ. Ảnh: ĐQ.

Tại quận Bình Tân, Bách Hóa Xanh chọn làm nơi mở rộng nhiều nhất các cửa hàng của mình nhất. Đến nay, Bách Hóa Xanh có tổng cộng 105 điểm kinh doanh ở quận này, chiếm hơn 1/4 toàn hệ thống.

Nhưng không chỉ có Bách Hóa Xanh, SatraFoods, Coop Food, VinMart+ cũng kèn cựa nhau ở đây. Thậm chí trên một đoạn đường chưa đầy 500 m đã có sự xuất hiện cùng lúc của 5 cửa hàng nằm nối tiếp nhau.

Thời điểm ra mắt chuỗi Bách Hóa Xanh năm 2015, ông Trần Kinh Doanh, Phó tổng giám đốc Thế Giới Di Động, chia sẻ chuỗi này sẽ chọn ngoại thành TP.HCM để đặt sự hiện diện của mình, và 8 cửa hàng đầu tiên của Bách Hóa Xanh cũng mở tại Bình Tân.

Tương tự tại quận 9, từ giữa 2017 đến nay, SatraFoods, CoopFood, VinMart+ liên tục mở cửa hàng. Nhiều đường mà cửa hàng tiện lợi chỉ cách nhau vài chục mét như Tây Hòa trong khoảng 1 km có 3 cửa hàng, Dương Đình Hội một đoạn khoảng 800 m có 4 cửa hàng, Đỗ Xuân Hợp cũng có 6 cửa hàng trên đoạn đường chưa tới 2 cây số....

Dễ nhận thấy sự lặp lại ở các tuyến đường với SatraFoods, CoopFood "chung lưng" và đối diện sẽ là VinMart+. Trong khi đó, Bách Hóa Xanh thường chọn đặt cửa hàng cạnh các chợ nhỏ, chợ tự phát.

Bà Trúc Quân, Giám đốc Thị trường Tổng công ty thương mại Sài Gòn, chia sẻ trong định hướng đến năm 2020, doanh nghiệp đẩy nhanh phát triển nhanh cửa hàng tiện lợi với số lượng đạt khoảng 300 cửa hàng và khu vực tập trung là ngoại thành TP.HCM và các tỉnh lân cận. Từ đầu năm đến nay, SatraFoosd mở mới khoảng 30 cửa hàng và hầu hết cũng ở ngoại ô. Các quận này sức mua đang rất mạnh và cũng khiến doanh nghiệp dễ thở hơn trong việc tìm mặt bằng.

Đến hết tháng 6/2018, số cửa hàng SatraFoods đã đạt 186. Mục tiêu của đơn vị này là đạt 217 cửa hàng vào cuối năm nay.

Theo lý giải của Bách Hóa Xanh thì việc họ chọn khai thác các quận, huyện vùng ven trước là để lấp đầy những khu vực chưa có mô hình cửa hàng tiện lợi và người tiêu dùng đang có nhu cầu lớn.

Trong khi đó, Saigon Co.op và Satra thì do đã mở nhiều cửa hàng ở các quận trung tâm và tiếp tục vươn ra các huyện, quận xa.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op khẳng định năm 2018 sẽ là năm bùng nổ về điểm bán của nhà bán lẻ này ở các mô hình đang triển khai. Chuỗi CoopFood có 233 cửa hàng trên toàn quốc và đặt tham vọng phát triển thêm 170 cửa hàng trong năm 2018. Tốc độ mở cửa hàng CoopFood hiện nay khoảng 2-3 ngày ra một cửa hàng.

Đáng chú ý hơn cả là chuỗi VinMart+ của Vingroup, với số lượng hiện tại trên 1.200 điểm kinh doanh. Tập đoàn dự định trong 2 năm tới, con số này sẽ tăng lên thành 4.000 và phủ khắp cả nước.

Bách Hóa Xanh hiện chỉ tập trung ở TP.HCM cũng đã có gần 400 cửa hàng và mục tiêu đến hết năm 2018 sẽ đạt con số 500.

Doanh nghiệp ngoại với lợi thế về kinh nghiệm, khả năng tài chính cũng không dễ làm chủ cuộc chơi giành thị phần với nhu cầu tiêu dùng khác biệt của người Việt. Ảnh: Lê Quân.

Ai hiểu người tiêu dùng Việt hơn?

Trong khi các cửa hàng ngoại tập trung hàng bách hóa và thức ăn nhanh thì thực phẩm tươi sống, tiêu dùng thiết yếu đang là “phần bánh” mà các doanh nghiệp nội cạnh tranh.

So với các doanh nghiệp ngoại, bước phát triển về số lượng của các doanh nghiệp nội lâu năm như SatraFoods, CoopFood có phần chậm hơn. Tuy nhiên, cửa hàng của các doanh nghiệp này luôn kéo được khách mua sắm, nhất là vào cuối tuần, giờ cao điểm trong ngày.

Dễ nhận thấy bí quyết hút khách vì họ hiểu ý người tiêu dùng Việt, nhất là tập trung vào đối tượng bà nội trợ.

Nhiều bà nội trợ thành thị có thiện cảm với SatraFoods bởi tại đây, họ có thể chọn mua thực phẩm với lượng như mong muốn. Các loại rau củ, thịt cá được đóng gói với lượng vừa đủ phù hợp với bữa ăn của nhiều gia đình. Ngoài ra, doanh nghiệp còn áp dụng nhiều chương trình giảm giá theo ngày, theo khung giờ. Thực phẩm tươi là một lợi thế của SatraFoods và hệ thống này đang áp dụng chương đến giảm giá đến 50% trong khung giờ 18-19h hàng ngày.

Thực phẩm cũng vẫn là lựa chọn của khách hàng khi vào Coop Food, Bách Hóa Xanh, trong khi VinMart+ được khen với nhiều mặt hàng rau củ tươi.

Chị Hằng, công nhân ở khu công nghiệp Tân Tạo (Bình Chánh), cho hay mỗi ngày sau khi đi làm về, chị đều ghé cửa hàng Bách Hóa Xanh nằm trên đường Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân) để mua thức ăn nấu nướng cho bữa tối. Chị nói cái được để chị chọn đi chợ ở cửa hàng tiện lợi là gửi xe miễn phí, mua hàng không phải trả giá, đồ ăn được bảo quản sạch sẽ và có nhiều khuyến mãi.

Tập trung ở khu vực vùng ven, các doanh nghiệp nội được các bà nội trợ ưa chuộng. Ảnh: Phúc Minh.

Nhưng chị Hằng cũng cho biết thêm mình chỉ ưu tiên mua thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hóa mỹ phẩm thì ở đây không phải là lựa chọn của chị mà siêu thị lớn sẽ là nơi mua sắm tốt hơn vì lượng hàng đa dạng, nhiều sự lựa chọn hơn.

Các nhân viên ở cửa hàng này cũng cho biết thực phẩm tươi sống là mặt hàng chính được mua nhiều nhất. Trong ngày, khách hàng tập trung rất đông vào 3 khung giờ chính: giờ đi làm buổi sáng, giữa trưa và từ tan sở đến tối.

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ trong khi các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có đủ tiềm lực để đầu tư hàng loạt cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, thì doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh hệ thống các cửa hàng minimart, kiểu "chợ gần nhà". Đó vẫn đang là ưu thế hút khách.

Nhận định về cuộc đua hiện nay của khối doanh nghiệp trong nước và các nhà bán lẻ lớn đến từ nước ngoài, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ có tiềm lực về tài chính và thương hiệu nhưng chưa dễ chen chân vào thị trường, bởi sự cạnh tranh gay gắt. Nếu các doanh nghiệp cứ phát triển “na ná” như nhau, không tìm ra sự khác biệt thì tiềm lực tài chính đến đâu cũng không dễ thành công.

Phúc Minh
Nguồn Zing News