Ngành tiêu dùng nhanh: Sản phẩm mới tiếp cận khách hàng ngày càng khó

Các sản phẩm mới thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) ngày càng khó khăn hơn để tiếp cận được khách hàng, theo nhận định của hãng nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel.

Hai hãng sữa Việt Nam nằm trong tốp 8 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất là Vinamilk và TH Milk vừa cho ra mắt các sản phẩm sữa giàu dinh dưỡng như hạt óc chó, hay sữa tươi hữu cơ và các sản phẩm thức uống dinh dưỡng khác.

Thị trường FMCG ngày càng có nhiều sản phẩm mới, đặc biệt trong ngành hàng chăm sóc cá nhân và thực phẩm đóng gói. Số liệu của Kantar Worldpanel cũng cho biết, trong năm 2017 có tổng cổng 5.796 sản phẩm mới thuộc ngành hàng này, bình quân mỗi ngày có 16 sản phẩm mới xuất hiện trên thị trường. Con số này ba năm trước (2014) là 12 và năm năm trước (2012) là 10.

Ngành sữa và các sản phẩm từ sữa cũng đang chứng kiến cuộc đua các sản phẩm mới của các hãng. Tuy nhiên chi phí cho các hoạt động quảng cáo, nghiên cứu thị trường hay các hình thức khuyến mại của Vinamilk, doanh nghiệp sữa đứng đầu thị trường đang cho thấy mức giá đắt đỏ của tăng trưởng.

Năm 2017, lần đầu tiên Vinamilk cán mốc 10.000 tỉ đồng lợi nhuận. Để có kết quả đó, cứ mỗi ngày công ty chi 5,5 tỉ đồng cho quảng cáo, nghiên cứu thị trường và 21 tỉ đồng cho các hình thức khuyến mãi.

Tăng trưởng thị trường FMCG Việt Nam từ quý I.2015 đến bốn tháng đầu năm 2018 ở khu vực thành thị (trên) và nông thôn (dưới).

Việc tiếp cận khách hàng của ngành hàng tiêu dùng nhanh đang ngày càng trở nên khó khăn với chi phí ngày càng cao.

Quý I.2018, Vinamilk chỉ tăng 0,4% doanh thu, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm 8,6%. Chi phí bán hàng, trong đó chủ yếu là chi phí quảng cáo, khuyến mại, nghiên cứu thị trường tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn, đạt trên 2.300 tỉ đồng chỉ trong một quý, tăng nhẹ so với cùng kỳ 2017.

“Cách đây hơn ba năm, tốp 20% sản phẩm mới trung bình tiếp cận được 11% hộ gia đình sau một năm tung ra. Nhưng đến nay, tốp 20% sản phẩm mới chỉ tiếp cận được 9% hộ gia đình” – báo cáo mới nhất về FMCG của Kantar Worldpanel nhận định.

Trong bốn tháng đầu năm, tại khu vực thành thị (đại diện là bốn thành phố trực thuộc trung ương) và nông thôn, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng ngành hàng FMCG đã bắt đầu chững lại, chỉ còn 2,5% ở thành thị và 5,7% ở nông thôn. Mức tăng trưởng chung của toàn ngành trong năm 2018 ở vào khoảng 5%, Kantar Worldpanel dự đoán.

Tại cả hai khu vực nông thôn và thành thị, các sản phẩm chăm sóc cá nhân có tốc độ tăng trưởng khả quan nhất, đạt lần lượt 12,6% và 7,2% về giá trị trong bốn tháng đầu năm 2018. Đáng chú ý, sữa và các sản phẩm từ sữa đang tiếp tục sụt giảm lượng tiêu thụ tại khu vực thành thị (giảm 3,1%) và chỉ tăng nhẹ ở khu vực nông thôn (tăng 3,1%).

Minh Thư
Nguồn Forbes