Người tiêu dùng kết nối

Theo Nielsen, một khía cạnh quan trọng khác của xu hướng hành vi tiêu dùng người Việt trong tương lai là tính kết nối.

Theo nghiên cứu gần đây của Nielsen, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có người tiêu dùng lạc quan nhất thế giới.

Khách hàng giàu lên

Tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 30 triệu người trong năm 2020, tăng gấp đôi so với năm 2014. Boston Consulting Group của Mỹ ước tính sự giàu có lên tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam. Nhóm này ước tính đến năm 2020, 1/3 dân số của Việt Nam sẽ ở vào tầng lớp trung lưu hoặc cao hơn, có nghĩa là mức thu nhập bình quân của một người trong nhóm này tối thiểu là 714 USD/tháng. Khi người tiêu dùng giàu lên và sống tại các khu vực đô thị, họ sẽ mong muốn được trải nghiệm những thương hiệu mới, các chuyên gia gọi hành vi tâm lý tiêu dùng này là tâm lý “nâng tầm cuộc sống”.

Theo nghiên cứu của Nielsen, 3/4 người Việt có khả năng chi tiêu thoải mái và sẵn sàng mua sắm khi họ cảm thấy thích. Dựa trên kết quả kinh doanh của một số ngành hàng tại 6 thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Hải Phòng), Nielsen đã phát hiện ra phân khúc cao cấp của ngành hàng thực phẩm đóng góp 20% doanh số với tốc độ tăng trưởng 11%.

Trong khi đó, các sản phẩm cao cấp của ngành hàng chăm sóc cơ thể chiếm 23% trong tổng ngành hàng với mức tăng trưởng 22%. Ấn tượng hơn cả là các sản phẩm nước uống cao cấp dù chỉ đóng góp 3% vào tổng doanh số nhưng mức tăng trưởng lại đạt đến 103%. Người Việt đang tìm những trải nghiệm đẳng cấp hơn khi mà trước kia họ chưa từng có cơ hội để thỏa mãn.

Người giàu Việt Nam dần chuyển nhu cầu về chăm sóc sức khỏe từ dịch vụ, dược phẩm, mỹ phẩm rẻ tiền, không tên tuổi sang các loại đắt tiền mang thương hiệu nổi tiếng thế giới. Theo khảo sát của Financial Times Confidential Research về niềm tin tiêu dùng tại một số nước Đông Nam Á, 49% số người Việt Nam trả lời cho biết họ muốn tăng chi tiêu tại trung tâm thương mại trong năm 2018, nhiều hơn bất cứ nhóm nào khác trong ASEAN-5.

Theo báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng do Nielsen thực hiện, sức khỏe của bản thân cùng với sự an khang và hạnh phúc của cha mẹ nằm trong top 5 mối quan tâm lớn nhất của người Việt. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng thận trọng hơn trong việc tìm kiếm và sử dụng các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Họ ưu tiên sử dụng các sản phẩm không chứa chất tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản nhân tạo cũng như các sản phẩm không đường, ít chất béo và ưu tiên sử dụng các sản phẩm được làm từ chất hữu cơ và không chứa chất biến đổi gien. Do đó, cũng không ngạc nhiên khi chúng ta thấy các từ khóa liên quan đến “hữu cơ”, “giải độc” và “nhà làm” liên tục là những từ khóa được người tiêu dùng tìm kiếm và thảo luận trên internet.

Đã qua rồi thời kỳ người tiêu dùng phải “trả giá” trước khi mua một món hàng, mà thay vào đó họ sẽ “dò gió” trước khi giao dịch, đó gọi là “tiêu dùng thông minh”. Theo nhiều nghiên cứu, thời đại “internet of things” tạo nên một môi trường mà ở đó người tiêu dùng tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin khác nhau về cùng một sản phẩm nhưng lại được cung cấp giá khác nhau giữa những nhà cung cấp khác nhau.

Do đó, người tiêu dùng đã điều chỉnh thói quen của họ để tìm kiếm và mua sắm những sản phẩm, dịch vụ tốt với mức giá ưu đãi nhất. Trong thời đại trực tuyến bùng nổ, người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn và nhà cung cấp dịch vụ nên khuyến mãi là yếu tố trọng yếu khiến họ đưa ra quyết định nhanh hơn. Điều này nói lên, doanh nghiệp cần phải liên tục quan sát thị trường, đặc biệt là bám sát những chiến dịch sales-off, khuyến mãi của đối thủ cùng ngành.

Tiêu dùng kết nối

Theo Nielsen, một khía cạnh quan trọng khác của xu hướng hành vi tiêu dùng người Việt trong tương lai là tính kết nối, hay còn gọi là người tiêu dùng kết nối. Họ được định nghĩa là người thường xuyên truy cập internet, đồng thời là người có mức chi tiêu cao. Đây sẽ là những người quyết định nên sự thành bại của doanh nghiệp trong tương lai khi họ được dự báo là nguồn tăng trưởng doanh thu chủ yếu trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người và được dự đoán sẽ tăng gần như gấp đôi, đạt 40 triệu người vào năm 2025. Ngoài ra, nghiên cứu Nielsen cũng chỉ ra rằng, chi tiêu hằng năm của người tiêu dùng kết nối tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỉ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỉ USD trong năm 2025. Đến năm 2025, ước tính họ sẽ chiếm khoảng một nửa tổng tiêu dùng hằng năm. Họ là những người trẻ, có thu nhập cao và sẵn sàng chi tiêu.

Xu hướng cuối cùng là nhu cầu tìm hiểu về nguồn gốc rõ ràng của sản phẩm. Theo tìm hiểu, các yếu tố then chốt có thể ảnh hưởng đến quyết định mua hàng gồm: nguồn gốc, chất lượng, tính năng, mùi vị, mua sắm để tặng/thưởng, bao bì, khuyến mãi, sưu tập, giá cả. Theo các yếu tố này, đại đa số người Việt (80-90%) khẳng định rằng nguồn gốc là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của họ so với các yếu tố khác. Chính vì vậy, bên cạnh việc cung cấp sản phẩm có chất lượng cho thị trường thì việc minh bạch hóa về nguồn gốc và xuất xứ của những thành phần cấu tạo nên sản phẩm trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Có đến hơn 3 trong 4 người Việt đọc kỹ thông tin về sức khỏe liên quan đến sản phẩm mà họ sử dụng (88%) và tìm hiểu kỹ về thông tin dinh dưỡng được cung cấp bởi sản phẩm mà họ sử dụng (74%). Trong thời đại thông tin luôn được phổ biến và cập nhật liên tục chỉ với một cú nhấp chuột như hiện nay, thì các hoạt động marketing và truyền thông sẽ không thể chỉ là những lời nói suông của các doanh nghiệp mà đó còn phải là những tuyên bố, cam kết về chất lượng, về nguồn gốc sản phẩm chính xác và rõ ràng.

Nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn nữa trong năm 2018 và niềm tin người tiêu dùng vẫn sẽ tiếp tục đạt mức cao. Tốc độ tăng trưởng của thị trường FMCG phần lớn sẽ phụ thuộc vào việc các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nắm bắt sự thay đổi của thị trường như thế nào và sẽ có những định hướng ra sao để bắt kịp với nhịp độ thay đổi liên tục của thị trường.

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc Nielsen Việt Nam, chia sẻ: “Trong một môi trường trực tuyến đang thay đổi hằng giờ, hằng phút thì quan điểm cá lớn nuốt cá bé sẽ không còn phù hợp nữa mà thay vào đó quan niệm cá nhanh nuốt cá chậm sẽ có tác động lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp”. Do đó, theo bà Hương, chỉ cần nắm bắt những yếu tố nào đang dẫn dắt sự thay đổi của thị trường để từ đó dẫn đầu xu hướng của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của thị trường và đáp ứng được những nhu cầu đó thì doanh nghiệp sẽ thành công.

Liên Quang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư