Honda 70 tuổi nuôi tinh thần startup

Nếu Honda muốn tồn tại, hãng xe 70 năm tuổi đời này phải hành xử như một doanh nghiệp trẻ.

Thách thức trong bối cảnh mới

Nếu Honda muốn tồn tại, hãng xe 70 năm tuổi đời này phải hành xử như một doanh nghiệp trẻ. Takahiro Hachigo, Tổng Giám đốc Honda, hiểu rõ thách thức này có bao nhiêu phần khó khăn. Honda được thành lập bởi một trong những doanh nhân có tinh thần cải tiến nhất nước Nhật.

Đó là Soichiro Honda, người đã trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy của ngành công nghiệp từ sau những điêu tàn của Thế chiến thứ hai. Trong cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu hiện nay, Honda đang ra sức bắt kịp với những thay đổi đang tái định hình ngành ô tô. “Chúng tôi muốn tái sinh...Tốc độ thay đổi trong ngành quá nhanh. Nếu muốn mãi trẻ trung, chúng tôi cần phải tương tác với thế giới bên ngoài”, Hachigo khẳng định.

Thách thức mà Honda và Hachigo đang đối mặt cũng là thách thức của những ai tham gia vào ngành ô tô khi các cơ quan quản lý đều cổ xúy cho xe điện không thải khí carbon và những người chơi đến từ Thung lũng Silicon như Google và Tesla lại đang cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua công nghệ xe không người lái.

Ông Takahiro Hachigo, Tổng Giám đốc Honda.

Doanh số bán sụt giảm ở Mỹ đang tác động đến các hãng xe Nhật. Kể từ khi Hachigo chính thức lèo lái Honda vào năm 2015, hãng xe này đã liên minh với các công ty trẻ hơn như Waymo, công ty về công nghệ xe không người lái của Alphabet, tập đoàn viễn thông SoftBank (Nhật) và startup bản đồ đến từ Thung lũng Silicon là Deepmap.

Với những startup này, Honda cho biết Hãng đang phát triển các công nghệ cho xe của tương lai: xe không người lái kết nối internet. Vào năm 2016, Honda đã đầu tư (giá trị không được tiết lộ) vào Grab, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe tại Đông Nam Á. “Câu hỏi là làm thế nào chúng ta có thể thách thức bản thân để làm việc với những người không có cách suy nghĩ giống chúng ta. Bằng cách thiết lập quan hệ với những người mà chúng ta chưa từng làm việc trước đó, chúng ta có thể học được lối suy nghĩ khác”, Hachigo nói.

Cách đây 3 năm, khi Hachigo trở thành CEO, ông cho biết Honda khi đó đã mất đi sức sống. Hãng xe đã loạng choạng sau những sai sót trong khâu chất lượng và lợi thế sản phẩm. “Mọi người đang làm việc rất cật lực nhưng từ bên ngoài nhìn vào, họ dường như mất đi nhuệ khí. Tôi cần phải thay đổi điều đó”, ông nói.

Dưới sự lãnh đạo của Hachigo, Honda đã tăng cường sản xuất, đặc biệt ở các thị trường mới nổi, nhằm giảm lệ thuộc vào hai thị trường Mỹ và Nhật, vốn chiếm 70% vào năm 2007 so với chỉ 45% hiện nay. Các bộ phận khu vực đã làm mọi cách để đạt mục tiêu đầy tham vọng 6 triệu chiếc mỗi năm, được đặt ra bởi người tiền nhiệm Takanobu Ito.

Nhưng chính vì quá chăm bẵm vào thị phần mà tính sáng tạo đã bị triệt tiêu. Chính sách này đã phản pháo và Honda đã phải gánh chịu tình trạng dư thừa công suất. Tiếng tăm của Hãng tại thị trường nội địa sụt giảm mạnh sau một loạt vụ thu hồi ô tô do lỗi phần mềm và các sự cố kỹ thuật khác trong vòng 1 năm tung ra mẫu xe lai Fit vào năm 2013.

Những quyết định khó khăn

Vì thế, khi trở thành CEO, Hachigo đã đặt trọng tâm xua tan tâm trạng chán nản trong nội bộ doanh nghiệp. “Tôi đã ghé thăm nhà máy ở Honda và cũng đã đi nghe ngóng tâm tư của các nhà cung cấp và đại lý của mình. Điều mà tôi phát hiện là chúng tôi đã thiếu sự giao tiếp. Tôi cảm thấy cần phải tăng cường giao tiếp không chỉ trong nội bộ mà còn với các nhà cung cấp”, ông nói.

Hachigo thường gặp trực tiếp nhân viên trong các phòng họp, các buổi ăn cơm trưa, tại nhà máy sản xuất và cả ra quán bia “tâm tình”. Các đồng nghiệp nói rằng Hachigo còn dễ gần hơn các vị CEO trước đó. Ông cũng là một người biết lắng nghe và việc ông coi trọng sự giao tiếp cũng xuất phát từ kinh nghiệm của ông trong những nhiệm vụ được giao ở nước ngoài.

Việc Hachigo luôn nỗ lực giải thích chiến lược R&D của Công ty làm ông trở nên khác biệt so với những người tiền nhiệm. Nhiều nhà lãnh đạo không dành thời gian để giải thích công nghệ mới, vốn có thể khiến cho nhà đầu tư lo ngại họ đang bị bỏ lại đằng sau. Hachigo là một người của công ty. Ông gia nhập Honda vào năm 1982 ngay từ khi mới tốt nghiệp kỹ sư và đã làm nên tên tuổi khi giám sát quá trình phát triển chiếc CR-V thế hệ thứ hai, một chiếc SUV được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Ông đã làm việc ở nhiều vai trò khác nhau ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

“Bằng cách làm việc với những người có quốc tịch, chuyên môn và bối cảnh khác nhau, tôi đã học được giá trị của giao tiếp và cũng học được tầm quan trọng của việc đúng nơi đúng chỗ… bởi đó là nơi mà mọi thứ đều được bộc lộ rõ nhất”, Hachigo nói. Ông cho biết ông viếng thăm các nhà máy và các nhà cung cấp bất cứ khi nào thời gian cho phép. Những cuộc đối thoại làm ông thấy được họ đang lo sợ như thế nào về tương lai của ngành ô tô. Vì thế, ông tin rằng Honda cần một chiến lược để giải quyết những thách thức công nghệ trong ngành.

Vào tháng 2.2016, ông đã đặt ra mục tiêu: đến năm 2030, khoảng 2/3 doanh số bán toàn cầu của Honda sẽ đến từ các mẫu xe hoàn toàn chạy điện, xe chạy pin nhiên liệu, xe lai và xe cắm sạc. Năm ngoái, ông cũng đặt mục tiêu trình làng xe không người lái vào năm 2025. Năm 2017, Honda đã ra mắt chiếc xe sedan Clarity đầu tiên hoàn toàn chạy điện. Nhưng các nhà đầu tư vẫn còn lo ngại Honda đang bị bỏ lại đằng sau trong cuộc đua xe điện, khi thị phần đã giảm 9,9% kể từ khi Hachigo lèo lái hãng xe này.

Để thực hiện các mục tiêu nói trên, Hachigo đã phải đưa ra các quyết định cực kỳ khó khăn. Tháng 10 năm ngoái, ông đã công bố kế hoạch đóng cửa nhà máy lắp ráp già cỗi của Honda tại Nhật và liên kết, tích hợp các hoạt động với một nhà máy mới hơn, sử dụng các công nghệ sản xuất có lợi thế cạnh tranh. Ông muốn giải quyết vấn đề công suất dư thừa và tạo ra một cơ chế tinh gọn để sản xuất những chiếc xe “điện hóa”.

“Đó là một quyết định rất đau đớn nhưng không thể không làm… Mọi người phải hiểu rằng điều này sẽ củng cố tinh thần monozukuri (nghĩa là nghệ thuật sản xuất) của Nhật để đảm bảo tương lai tăng trưởng của Honda”, Hachigo nói.

Khi Hachigo sắp sửa trải qua năm thứ 3 trên cương vị CEO, lợi nhuận ròng của Honda dự kiến sẽ đạt mốc 1.000 tỉ yen (9,5 tỉ USD) lần đầu tiên, mặc dù 35% con số này là nhờ chính sách miễn giảm thuế doanh nghiệp Mỹ (Honda có chi nhánh ở Mỹ). Biên lợi nhuận hoạt động vẫn thấp và các cải cách nhằm xây dựng nền sản xuất tinh gọn hơn thì vẫn đang được triển khai.

Hachigo có thể không phải là một nhà lãnh đạo chủ trương tạo ra những thay đổi triệt để với tốc độ nhanh nhất, nhưng ông lại rất giỏi trong việc thiết lập các nền tảng và quản lý các nhóm trong doanh nghiệp. “Honda là một đội ngũ chưa hoàn chỉnh nhưng tôi hy vọng đó là nơi mà mỗi người là một nguyên tác và là nơi mọi người có thể khơi gợi nguồn cảm hứng để cùng nhau làm ra những sản phẩm thực sự chất lượng”, ông nói.

Ngô Ngọc Châu
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư