Người làm sống lại các thương hiệu nổi tiếng

Carlos Ghosn là người đồng thời đảm nhiệm chức vụ điều hành tại nhiều công ty khác nhau như Renault, Nissan hay Mitsubishi, đồng thời là thành viên lãnh đạo của cả Alcoa, Sony và IBM.

Nhà quản trị tài năng, năm nay 63 tuổi, là siêu sao trong giới lãnh đạo công nghiệp, người làm sống lại các thương hiệu nổi tiếng từ Michelin đến Renault và Nissan.

Tiếp cận với tiểu sử của Carlos Ghosn, người ta sẽ thấy đó là một doanh gia đa quốc tịch Brazil – Liban – Pháp cho dù ông sinh ra và lớn lên ở Porto Velho, Rondônia, Brazil. Với Ghosn, “vai trò của người lãnh đạo là chuyển các tình huống khó khăn phức tạp thành những mảnh nhỏ vấn đề, và rồi đặt lên đó những điểm ưu tiên cần giải quyết”.

Trưởng thành từ môi trường đa văn hóa

Tại trang nissan.com.vn người ta có thể tìm đọc cuốn “tự truyện” của Ghosn dài chín chương, hơn 25.000 từ tiếng Việt và nhận ra ý nghĩa thực tế của câu nói trên. Tại đó người ta thấy Ghosn là một con người mộc mạc, không trau chuốt, một con người mang nền tảng đa văn hóa cả trong cuộc sống cũng như trong công việc. Vì thế Ghosn nổi lên như một thành công thần kỳ trong việc lãnh đạo cùng lúc nhiều công ty đa quốc gia, một hiện tượng rất hiếm và rất đáng kính nể, nhất là đối với các truyền thống bảo thủ Á Đông như Nhật Bản. Trên thực tế ông đã đến với Nissan, công ty xe hơi lớn hàng thứ ba của Nhật Bản khi công ty này bên bờ vực phá sản, và khi mà giới bảo thủ Nhật Bản phải chấp nhận phương cách lãnh đạo cũng như con người “phương Tây”. Ghosn đã đến đó, cứu sống Nissan, và nay đưa liên minh Renault-Nissan lên hàng những công ty công nghệ xe hơi hàng đầu thế giới với tham vọng vươn lên dẫn trước về ngành xe điện.

Ông Carlos Ghosn.

Con người gốc Liban, mang quốc tịch Pháp, nhưng lại sinh ra và lớn lên tại Brazil đã mang trong mình một nền tảng đa văn hóa bẩm sinh, một lợi thế quốc tế ít ai sánh bằng. Sử dụng thành thạo cả năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, Ghosn đã thành danh trên đất Pháp nhưng lại thực sự nổi tiếng trên đất Nhật. Tốt nghiệp trường École Polytechnique (1974) rồi theo học tại Mines Paris Tech, năm 24 tuổi Ghosn bắt đầu thử thách sự nghiệp trong vai trò một giám đốc nhà máy tại Le Puy của Michelin, một công ty sản xuất lốp xe nổi tiếng của Pháp. Câu chuyện bắt đầu vào một ngày tháng 5-1978, vào khoảng 8:30 sáng: Ghosn kể lại “tôi thức dậy bởi những âm thanh chói tai của tiếng chuông điện thoại. Khi tôi trả lời, người đàn ông ở đầu dây bên kia giới thiệu mình là Hidalgo”. Người đàn ông nói vào máy “Công ty Michelin ở Pháp muốn mở rộng kinh doanh tại Brazil, họ cần các kỹ sư người Pháp đã quen thuộc với môi trường địa phương. Anh có muốn tham gia một cuộc phỏng vấn tại Clermont-Ferrand không?”

Clermont-Ferrand là một thành phố nằm ở miền Trung nước Pháp, quê hương của hãng sản xuất lốp xe Michelin. Ghosn kể tiếp: “Vào thời điểm đó, tôi 24 tuổi. Tôi đã học tới bậc thứ 2 thạc sĩ tại trường đại học của Grandes Ecoles, một văn bằng tại Ecole des Mines. Tôi đang cân nhắc tham gia vào một chương trình đào tạo tiến sĩ kinh tế và chưa nghĩ nhiều về việc bắt đầu sự nghiệp. Nhưng từ “Brazil” đã vang lên trong tai tôi. Tôi đã không sống ở đó 18 năm, nhưng đó là nơi tôi sinh ra và là ngôi nhà tinh thần của tôi. Cha tôi và nhiều người thân vẫn còn sống ở đó. Ý tưởng rằng một ngày nào đó tôi có thể làm việc tại các công ty của Pháp ở Brazil là một viễn cảnh hấp dẫn”. Ghosn bắt đầu thử thách sự nghiệp trong vai trò một giám đốc nhà máy và rồi thăng tiến lên vai trò giám đốc phụ trách kỹ thuật và nghiên cứu phát triển sản phẩm, trước khi được ông chủ Francois Michelin bổ nhiệm làm giám đốc điều hành tại khu vực Bắc Mỹ. Chính trong thời gian này Carlos đã giúp Michelin mua lại công ty Uniroyal Goodrich đang bị thua lỗ nặng nề và cũng tại khoảng thời gian đó, Ghosn đã có dịp thể hiện khả năng quản lý và tài cải tổ doanh nghiệp của mình.

Nissan, từ một tập đoàn với tổng số nợ lên trên 20 tỉ đô la, với sự điều hành của Ghosn đã trở thành nhà sản xuất ô tô hiệu quả nhất thế giới.

Michelin là một công ty gia đình và Ghosn biết rằng một lúc nào đó mình phải ra đi, cả trong sự quyến luyến của gia đình Francois và bạn bè đồng nghiệp. Cuộc phiêu lưu của Ghosn lại bắt đầu vào năm 1996, và lần này tại Renault sau cuộc gọi của một công ty tìm kiếm nhân sự, nhắm vào những người tốt nghiệp từ Ecole Polytechnique. Công ty công nghiệp ô tô Renault đang tìm kiếm một người cho vị trí số 2 để thay thế cho người sắp về hưu, Ghosn là một ứng viên sáng giá, và cuộc gặp giữa ông và vị Chủ tịch Louis Schweitzer diễn ra nhanh chóng tại ngoại ô Paris. Renault đã xuống dốc trong nhiều năm trước và công ty đã phải đối mặt với sự thâm hụt lớn. Ghosn kể lại rằng: “Đó là lúc tôi phải hành động. Tôi xây dựng một đội đa chức năng như cách mà tôi đã làm tại Brazil và tại Mỹ. Chúng tôi phá vỡ những bức tường dày ngăn cách các bộ phận, mang đến một triển vọng tươi mới và đề cao tinh thần làm việc nhóm để giải quyết vấn đề”. Cuối cùng, Renault đã được hồi sinh và hiệu suất của nó trong những năm 1997 đến 1999 được cải thiện đáng kể.

Trở thành vị cứu tinh của Nissan

Ngành công nghiệp ô tô đã thay đổi nhanh chóng, và Ghosn nói: “Chúng tôi cần một đối tác để giúp chúng tôi vượt qua”. Trên thực tế cuộc hành trình của Ghosn tới Nissan Motor bắt đầu từ việc sáp nhập bình đẳng giữa Daimler-Benz và Chrysler trong tháng 5-1998, và nó thách thức toàn bộ ngành công nghiệp ô tô. Chủ tịch Louis Schweitzer nói rằng Renault cũng nên bắt đầu suy nghĩ về việc sáp nhập tiềm năng và các quan hệ đối tác.

Ghosn nhớ lại: “Chúng tôi hiểu những thách thức chiến lược. Câu hỏi đặt ra sau đó không phải là liệu chúng ta có nên hình thành một mối quan hệ đối tác hay không mà là với ai. Sau khi thảo luận kỹ càng, chúng tôi thu hẹp danh sách xuống còn ba ứng cử viên: Mitsubishi Motors, Nissan và một hãng ô tô khác ở Hàn Quốc”. Lúc này Nissan cũng cho thấy nhu cầu hợp tác, và Chủ tịch Yoshikazu Hanawa đang đắn đo thương lượng với cả hai, DaimlerChrysler và Renault, nhưng cuối cùng DaimlerChrysler bỏ cuộc và mối quan hệ đối tác Renault-Nissan chính thức ra đời sau khi Chính phủ Pháp, người sở hữu một phần Renault, phê duyệt phương án.

Bản thỏa thuận liên minh mới làm cho Renault nhẹ nhõm, và Schweitzer nói với Ghosn rằng “Chỉ có một ứng cử viên rõ ràng sẽ đi đến Nissan và người đó là anh”. Năm 1999, Ghosn mặc nhiên trở thành vị cứu tinh của Nissan trong vai trò Chủ tịch kiêm Tổng Gám đốc. Chính đây là lúc mà những kinh nghiệm giải quyết tình huống của Ghosn trên đất Brazil và Mỹ trở thành hành trang tuyệt vời, và hơn thế nữa được phát huy hiệu quả mạnh mẽ trên đất Nhật với tài năng thích ứng môi trường văn hóa mới của ông. “Thật vậy, tôi đã có trình độ chuyên môn cần thiết. Tôi đã có kinh nghiệm làm việc với các nền văn hóa khác nhau cũng như việc tái cơ cấu doanh nghiệp. Schweitzer sau đó cho tôi biết rằng nếu tôi từ chối, ông sẽ chấm dứt mối quan hệ đối tác với Nissan.

Nhưng không mất nhiều công sức để thuyết phục tôi vì đây là cơ hội làm việc mà tôi hướng tới”. Ghosn nói thêm: “Trong khi trái tim tôi đã muốn đi, quyết định cuối cùng còn lại phụ thuộc vào gia đình tôi; chúng tôi chỉ mới quay lại Pháp hai năm. Thật may mắn, họ đã chấp nhận tham gia vào một cuộc phiêu lưu mới. Chúng tôi đóng hành lý và tới Nhật Bản”.

Từ khi làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Nissan, Ghosn đã cứu tập đoàn ô tô lớn thứ 3 nước Nhật thoát khỏi bờ vực phá sản hoàn toàn và vươn lên một cách mạnh mẽ như ngày nay. Nissan, từ một tập đoàn đang nợ chồng chất với tổng số nợ khổng lồ lên trên 20 tỉ đô la, với sự điều hành của Ghosn đã trở thành nhà sản xuất ô tô hiệu quả nhất thế giới. Đây là điều mà trước đó không ai tin nổi, kể cả những người lạc quan nhất. Đầu năm 1999 người dân nước Nhật đầy kiêu hãnh đã thất vọng tràn trề khi thấy Nissan, từng là đứa con cưng của ngành công nghiệp Nhật Bản, sắp phải biến mất khỏi thị trường. Các nhà quản lý Nhật Bản đã phải bó tay khi không thể cứu vãn nổi một tập đoàn Nissan với cả núi nợ. Và cuối cùng dù không mấy tin tưởng vào một nhà quản lý Tây Âu, nhưng giới công nghiệp Nhật Bản vẫn phải chấp nhận yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện cải tổ Nissan. Ghosn đã đến với nước Nhật và trở thành người đứng đầu Nissan trong bối cảnh đó. Liên minh cho phép Renault mua lại 44,4% số cổ phần của Nissan, và cho phép Nissan sở hữu 15% số cổ phần của Renault.

Trong vai trò nhà lãnh đạo Renault-Nissan

Ngày 28-4-2005, Liên minh Renault-Nissan đã vươn lên hàng thứ 4 chiếm 9,6% thị trường ô tô thế giới, đứng sau General Motors, Toyota, Ford và nằm trên Volkswagen cùng DaimlerChrysler.

Những sự thách thức và khó khăn mà Ghosn phải vượt qua là vô cùng lớn. Tuy nhiên vị tổng đạo diễn của kế hoạch cải tổ “Revival Plan” đã thể hiện một tinh thần thép và một ý chí quyết tâm mãnh liệt. Như một vị bác sĩ, việc đầu tiên là ông rà soát lại toàn bộ để phát hiện những ung nhọt lớn nhất của tập đoàn – đó là một bộ máy khổng lồ, cồng kềnh và không hiệu quả. Ghosn quyết định cắt giảm ngay lập tức 21.000 nhân viên, tức 15% số nhân viên của cả tập đoàn. Đây là một liệu pháp đã thực sự gây sốc đáng kể đối với hệ thống kinh tế nước Nhật. Vị Chủ tịch của Nissan đã không ít lần phải lên tiếng để bảo vệ và thuyết phục mọi người rằng đây là một quyết định đau đớn nhưng theo ông là không có con đường nào khác. Toàn bộ các hợp đồng cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị cho Nissan đều được Ghosn rà soát lại. Vừa thuyết phục, vừa gây sức ép, ông đã đàm phán và ký kết lại nhiều hợp đồng theo hướng có lợi hơn cho Nissan. Ghosn từng nói ở vị trí của ông lúc đó như là đứng trên lửa; không hành động quyết liệt và liên tục là chết. Đúng vậy, Nissan đã không chết và những thành quả từ việc cải tổ của Ghosn đã mang lại những kết quả rõ ràng chỉ sau hai năm.

Ghosn được chọn làm Tổng giám đốc điều hành Renault vào tháng 4-2005, thay thế cho vị tiền nhiệm Louis Schweitzer rút lui về vị trí Chủ tịch không còn trực tiếp điều hành. Đây là một vòng hào quang mới cho Ghosn, người sẽ đồng thời đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch liên minh Renault-Nissan và vẫn là Chủ tịch của Nissan sau khi trao lại vị trí Tổng giám đốc cho người Nhật. Ông nói rằng sẽ có nhiều việc phải làm, nhưng ông rất tin tưởng vào phẩm chất của những người chung quanh ông. Renault dưới thời Schweitzer và Nissan dưới sự quản lý của Ghosn đều đã thay da đổi thịt, và số lượng kiểu mẫu xe được tung ra thị trường nhanh chóng được chấp nhận. Trang bbc.co.uk cập nhật ngày 28-4-2005 cho biết Liên minh Renault-Nissan đã vươn lên hàng thứ 4 chiếm 9,6% thị trường ô tô thế giới, đứng sau General Motors, Toyota, Ford và nằm trên Volkswagen cùng DaimlerChrysler. Đây là một thành quả tuyệt vời khi cả hai đều vừa trải qua những cuộc giải phẫu đau đớn. Ghosn đã góp phần lớn công sức và sự tài ba vào những nỗ lực này.

Ghosn nhận được sự thán phục của các nhà quản lý, sự kính trọng và yêu mến của nhân viên trong các tập đoàn đa quốc gia mà ông đảm nhiệm, cùng sự tưởng nhớ nơi các công ty mà ông đã góp sức vực dậy. Trang bbc.co.uk cũng thuật lại lời của Ghosn rằng “Tôi dành 40% thời gian cho Tokyo, 40% cho Paris, và 20% còn lại cho những nơi khác trên thế giới”. Chuyện này được xác nhận khi chính Ghosn trong tập tự truyện phát hành đầu năm 2017 đã viết: “Tôi đang bay ở đâu đó trên biển Đại Tây Dương, ở độ cao khoảng 14.000 mét. Khi bay tới Brazil, tâm trí tôi lại hướng về Nhật Bản. Theo truyền thống, tôi thường dành kỳ nghỉ năm mới cùng gia đình, nhưng tôi cũng ước giá như mình có thể ở Nhật Bản vào tất cả các ngày lễ trong năm. Tôi muốn dành những lời chúc mừng năm mới tới tất cả mọi người. Là giám đốc điều hành của cả Nissan Motor và Renault, và Chủ tịch của Renault-Nissan Alliance, tôi chia thời gian mỗi tháng của mình ở Nhật Bản, Pháp và các thị trường khác, nơi mà các công ty hoạt động, chẳng hạn như Mỹ, Brazil, Trung Quốc và Trung Đông”.

Hoàng Xuân Phương
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn